Để bảo đảm tuyệt đối an toàn xe đưa đón học sinh

12:53 13/07/2024

Thời gian gần đây, việc một số học sinh bị bỏ quên dẫn đến tử vong hoặc gặp các nguy cơ mất an toàn trên xe đưa đón của trường học đã gây rúng động dư luận xã hội. Chính vì vậy, đã đến lúc các cơ quan quản lý chức năng cần có ngay những giải pháp toàn diện, quyết liệt đối với dịch vụ đưa đón học sinh, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Những nỗi đau khôn cùng

Ngày 29/5 vừa qua, người dân cả nước không khỏi bàng hoàng, xót xa trước sự ra đi của cháu T.G.H, 5 tuổi, trú tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) khi cháu bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường mầm non trong nhiều giờ giữa nắng nóng.

Trước đó vào năm 2021, hai vụ tai nạn đã liên tiếp xảy ra ở các tỉnh Sơn La và Đắk Lắk khiến 2 học sinh tử vong do ô tô đưa đón trẻ bị bung chốt cửa và tài xế quên đóng cửa xe. Rồi nữa, xuất phát từ sự tắc trách của lái xe và giáo viên quản lý, nam sinh 6 tuổi học tại một trường liên cấp tại Hà Nội mới đây cũng tử vong do bị bỏ quên trên ô tô đưa đón suốt 9 tiếng.

Một phụ huynh ở phường Cát Dài (quận Lê Chân) có con đang học lớp 6 tại một trường liên cấp tại quận Hải An lo lắng bày tỏ: Do công việc của 2 vợ chồng chị bận rộn, gia đình lại cách xa trường học khoảng 8km nên chị đã đăng kí dịch vụ xe buýt đưa đón học sinh 2 chiều của nhà trường với kinh phí gần 10 triệu đồng/kỳ học. Mỗi khi nghe có một sự cố đau lòng xảy ra tại địa phương nào đó, nỗi lo của chị về con mỗi đoạn đường đến trường lại nhân lên. Với chị không có gì mong mỏi hơn là sự an toàn của con mình và các cháu học sinh khác. Điều đó phải được đặt lên hàng đầu trong các hoạt động, dịch vụ giáo dục.

 

Bảo đảm an toàn đối với xe ô tô đưa đón học sinh là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của các cơ sở giáo dục và lực lượng chức năng liên quan (Ảnh minh hoạ)

 

Cần đồng bộ các giải pháp

Qua thống kê, hiện Hải Phòng có gần 100 xe ô tô đưa đón khoảng 2.100 trẻ em mầm non và học sinh các cấp giáo dục phổ thông đến trường. Đây là con số rất lớn đi cùng với những phức tạp cần phải giải quyết. Chính vì vậy vừa qua, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Nguyễn Đức Thọ đã quyết liệt chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các cháu học sinh. Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT phải rà soát nắm chắc các trường học có xe ô tô hợp đồng đưa, đón học sinh qua đó buộc các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh đặc biệt là quy định tại Điểm a, khoản 2 Điều 11, Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ; điểm b, khoản 6 Điều 4, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT. Trong đó, người lái xe vận tải hành khách sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách nào ở trên xe. Giao Sở GD-ĐT thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở giáo dục, trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh (từ bậc mầm non đến THPT) thực hiện nghiêm ngặt các quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe đồng thời phối hợp với hội phụ huynh trực tiếp làm việc với các nhà xe yêu cầu phải thực hiện đầy đủ quy định về ATGT đối với phương tiện, người lái; tuyệt đối không hợp đồng đối với các đơn vị vận tải không đủ các điều kiện an toàn. Cùng với đó, CATP, Sở GTVT cùng UBND các quận, huyện chỉ đạo lực lượng siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát; phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động đưa đón học sinh.

Cũng từ đầu năm 2024 đến nay, Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng đã tập trung chỉ đạo công tác này. Trong đó, Sở yêu cầu người đứng đầu các trường học phải thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, bao gồm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng và các quy định của pháp luật về TTATGT cho giáo viên, học sinh; chú trọng các quy định an toàn khi ngồi trên xe ô tô; kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp (cách mở cửa lên/xuống xe; bấm còi gây sự chú ý cho người xung quanh, phát tín hiệu cấp cứu bằng âm thanh, ánh sáng, ký hiệu; sử dụng búa phá kính thoát hiểm trên xe…).

Riêng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có sử dụng dịch vụ ô tô đưa đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có đủ điều kiện theo quy định; lái xe đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn. Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan tới sức khoẻ, an toàn tính mạng cho học sinh. Nhà trường phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về ATGT tham gia đưa đón học sinh bằng ô tô… Thủ trưởng các đơn vị giáo dục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, gia đình học sinh về toàn bộ hoạt động đưa đón học sinh của nhà trường, và phải thường xuyên trao đổi thông tin giữa trường và gia đình trong kiểm tra, giám sát về chất lượng dịch vụ, trách nhiệm của giáo viên, nhân viên đưa đón học sinh.

LINH ANH

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông