21:02 24/10/2023 Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp đã phát hiện ra Đồ Sơn và ngay lập tức chọn nơi này là nơi nghỉ mát lý tưởng, sau phát triển thành khu du lịch mà bất cứ ai cũng muốn được đến một lần. Những khu biệt thự nghỉ dưỡng mọc lên ngày càng nhiều. Rồi sau này, cả những năm chiến tranh ác liệt hay thời kỳ bao cấp và mở cửa, tiếng tăm của Đồ Sơn vẫn vang lừng. Thế mà, đã có thời điểm, khu du lịch nổi tiếng này bỗng “lặng” đi, cả Cát Bà đảo ngọc cũng vậy. Thay vì đến Đồ Sơn, Cát Bà…, du khách chọn những điểm đến khác hấp dẫn hơn. Và người Hải Phòng vẫn luôn cứ bâng khuâng vì những hoài niệm.
Những danh lam thắng cảnh không đâu bằng
Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20 km về hướng Đông Nam, Đồ Sơn được mệnh danh là mảnh đất của những huyền thoại. Đồ Sơn là một bán đảo, có non nước hư ảo tựa chốn bồng lai, là trung tâm nghỉ ngơi du lịch kỳ thú từ hàng trăm năm nay. Đồ Sơn quyến rũ du khách bởi khí trời trong sạch, sự mặn mà của biển và cảnh sắc thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình. Không phải ngẫu nhiên mà Đồ Sơn được chọn làm nơi nghỉ dưỡng của các bậc vua chúa và các quan lại thời Pháp.Từ những năm 40 của thế kỷ trước, nhà văn Vũ Bằng viết: “đã không nói đến nghỉ mát thì thôi, chứ đã nói đến nghỉ mát bãi biển thì Đồ Sơn hiện ra trong trí óc chúng ta trước hết. Tại sao? Đó là bởi Đồ Sơn là bãi biển có trước nhất ở Bắc Kỳ hay, nói cách khác, thì người Bắc Kỳ mình sở dĩ biết đi tắm biển như người Âu Mỹ, ấy cũng là vì Đồ Sơn vậy”. Nét đẹp của Đồ Sơn là sự hòa quyện giữa thiên nhiên và đất trời, như một bức tranh sơn thủy hữu tình mà thiên nhiên ban tặng. Từ trên cao nhìn xuống, bán đảo Đồ Sơn giống như 9 con rồng đang vươn ra biển lớn. Tới Đồ Sơn, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian đầy thơ mộng, lãng mạn của núi non và biển cả, của rừng cây và bãi cát. Nơi đây còn in dấu những truyền thuyết, huyền thoại với những lễ hội, di tích lịch sử gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là núi Độc có đền thờ Bà Đế; là đảo Hòn Dấu có đền thờ Nam Hải Đại Vương linh thiêng; cụm di tích chùa – tháp Tường Long, di tích văn hóa lịch sử với cả nghìn năm tuổi được xây dựng từ thời nhà Lý nằm trên đỉnh núi Long Sơn (phường Ngọc Xuyên), ngọn núi đầu tiên trong 9 ngọn chạy dọc bán đảo Đồ Sơn; chùa Hang (phường Vạn Sơn) – nơi phát tích đầu tiên của nền Phật giáo tại Việt Nam bằng đường biển. Đặc biệt là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nổi tiếng khắp trong nam ngoài Bắc. Ngoài ra, Đồ Sơn còn là điểm đến tâm linh đầy hấp dẫn như đình Ngọc Xuyên, đền Nghè, đền Vạn Chài,…
Không chỉ là điểm đến tâm linh đầy hấp dẫn, Đồ Sơn còn là vùng đất chứa đựng những giá trị lịch sử vô cùng quý giá, là nơi giáo dục về truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Đồ Sơn có di tích lịch sử bến Nghiêng – nơi chứng kiến những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Việt Nam, trở thành một cột mốc đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp; có bến K15 – nơi xuất phát của những con tàu không số huyền thoại đi chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khai thông con đường vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.Đồ Sơn còn có nhiều công trình kiến trúc để đời như dinh Bảo Đại; các biệt thự từ thời Pháp…Bởi thế, Đồ Sơn có vẻ đẹp và sức quyến rũ hoàn toàn khác biệt so với nhiều danh lam thắng cảnh khác.
Từ lâu, Cát Bà được coi là một “cô gái đẹp” với rất nhiều danh hiệu cao quý: khu dự trữ sinh quyển thế giới; di tích quốc gia đặc biệt; vịnh đẹp nhất thế giới và mới đây nhất, quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới…Cát Bà cũng được mệnh danh là hòn ngọc của Vịnh Bắc bộ với quần thể du lịch thiên nhiên, sinh thái đầy hấp dẫn. Trên bản đồ du lịch các tỉnh phía Bắc, Cát Bà nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Với địa thế "tựa núi hướng biển", tầm nhìn ôm trọn núi non và đại dương, Cát Bà sở hữu phong cảnh hữu tình, có một không hai, đẹp, độc và lạ, thú vị và thu hút, hấp dẫn đến say mê.
Người Hải Phòng tự hào vì quần đảo Cát Bà có lịch sử hình thành và phát triển địa chất từ khoảng 18.000 năm trước. Nơi đây hiện còn lưu giữ những dấu tích gắn với 77 địa điểm khảo cổ, điển hình là Di chỉ Cái Bèo (thị trấn Cát Bà). Quá trình hình thành lâu dài đã góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của “đảo ngọc”. Nơi đây có tới 367 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Cát Bà có diện tích lớn nhất (khoảng 100km2). Vịnh Lan Hạ luôn làm say đắm lòng người . Vườn quốc gia Cát Bà là nơi hội tụ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng trên cạn, hệ sinh thái rừng ngập mặn, với 4.500ha rừng nguyên sinh cùng hệ động, thực vật phong phú, quý hiếm, trong đó có nhiều loài đặc hữu được đưa vào Sách đỏ Việt Nam như voọc đầu trắng, quạ khoang, sóc đen; cây lát hoa, kim giao, sến mật...
Và không chỉ có Đồ Sơn, Cát Bà, Hải Phòng còn có nhiều tài nguyên du lịch vô cùng đáng giá về du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, lễ hội, làng nghề, ẩm thực… Và tài nguyên đáng quý nhất chính là những con người Hải Phòng “ăn sóng nói gió”, hào sảng mà tinh tế và đặc biệt là vô cùng hiếu khách… Có thể nói, Hải Phòng hội đủ các điều kiện, vị thế để trở thành một trọng điểm du lịch của cả nước và khu vực.
Ngậm ngùi những con số và khoảng lặng
Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết, Đồ Sơn rất nổi tiếng và khi nhận nhiệm vụ tại Hải Phòng, đồng chí đặt nhiều kỳ vọng về sự phát triển du lịch Đồ Sơn. Tuy nhiên, sau khi đi thăm một vòng quận Đồ Sơn, đồng chí Bí thư Thành ủy nhận xét, dường như Đồ Sơn đang có sự “hụt hơi” so với nhiều khu du lịch khác. Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho rằng, sự phát triển của Đồ Sơn chưa tương xứng với vị thế, điều kiện tự nhiên ban tặng, các khu vực phát triển du lịch chưa đồng đều, đô thị vùng lõi còn “lom rom”…
Theo Bí thư Quận ủy Đồ Sơn Bùi Thị Hồng Vân, các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu 1, khu 2, khu 3 và thiết kế đô thị đã được phê duyệt đến nay không còn phù hợp với nhu cầu phát triển quận. Nhiều nhà nghỉ, khách sạn của các Bộ, ngành Trung ương chiếm diện tích lớn, ở các vị trí trung tâm khu du lịch Đồ Sơn xuống cấp nghiêm trọng, thiếu sự đầu tư sửa chữa, cải tạo, để hoang hóa gây lãng phí, ảnh hưởng rất lớn tới thu hút đầu tư phát triển du lịch… Vì thế mà sau hơn 10 năm, dân số cơ học của quận Đồ Sơn không tăng được bao nhiêu… Khó khăn lớn nhất là với hiện trạng quy hoạch manh mún như vậy, Đồ Sơn hầu như không còn quỹ đất để thu hút đầu tư thực hiện các dự án phát triển du lịch cho ra tấm ra miếng.
Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Trần Khắc Kiên thẳng thắn nhìn nhận, du lịch của Đồ Sơn “đi trước về sau”, không theo kịp với sự phát triển du lịch. Tư duy làm du lịch cũng chậm thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng du lịch yếu kém. Hiện nay, các quy hoạch khu 1, 2,3 không triển khai được vì không có quỹ đất, do có tới 300/600 ha đất đã được giao cho các Bộ, ngành. Cũng theo ông Trần Khắc Kiên, cấp bách nhất hiện nay là Đồ Sơn không có hệ thống thoát nước mưa, nước thải, tất cả đều đổ ra biển. Quận đã đề xuất, kiến nghị với thành phố nhiều lần nhưng vì chưa thu xếp được vốn nên tình trạng này kéo dài nhiều năm. Vấn đề xử lý rác thải hay kè biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng đang đặt ra những yêu cầu rất cấp bách. Lãnh đạo Đồ Sơn lo ngại, Đồ Sơn đã mất bãi tắm khu 1, nếu không có các giải pháp căn cơ, kịp thời thì nguy cơ đối với bãi tắm khu 2 và các bãi tắm khác cũng không hề nhỏ.
Để minh họa thêm cho những nhận định này, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Thương Huyền cho rằng: du lịch Đồ Sơn ngủ quá lâu và tuy mới thức dậy sau đại dịch COVID-19 (nhờ có Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng và một số sự kiện du lịch khác) nhưng vẫn chưa đạt được sự mong đợi. Hệ số lưu trú của Đồ Sơn rất thấp, có nghĩa là khách chỉ tới Đồ Sơn trong khoảng thời gian rất ngắn, chưa đủ để tạo ra các giá trị gia tăng. Hơn nữa, Đồ Sơn có tới 22 cơ sở là khách sạn, nhà nghỉ của các Bộ, ngành nằm ở các vị trí đắc địa, chiếm tới 30% trên tổng số 1800 phòng lưu trú, hầu hết xuống cấp, xập xệ, ít được nâng cấp, sửa chữa. Còn một vấn đề nữa là nhiều dự án phát triển du lịch của Đồ Sơn thực hiện rất chậm, kéo dài nhiều năm và tới nay đã dừng thực hiện như các dự án của công ty Him Lam, FLC…
Còn ở Cát Bà, hấp dẫn quyến rũ là vậy nhưng đang bị ách tắc, cản trở bởi giao thông ra đảo mà nhiều năm liền chưa cải thiện được. Vẫn còn đó những cảnh tắc đường ở phà Gót, là những sự chờ đợi kéo dài tới 3-5 giờ khiến du khách mệt mỏi và chán nản. Cùng với đó là hạ tầng để phát triển du lịch cũng chưa tương xứng, đang quá tải và một loạt vấn đề khác cũng làm cho Cát Bà kém đi sức hút.
Năm 2022, Hải Phòng đón hơn 7 triệu lượt khách du lịch. 9 tháng năm 2023, thành phố đón hơn 6,2 triệu lượt khách. Trong khi đó, nhìn sang tỉnh bạn Quảng Ninh, năm 2022 đón 11,6 triệu lượt khách du lịch; 9 tháng năm 2023 đã đạt 13 triệu lượt khách và chắc chắn năm 2023 Quảng Ninh sẽ vượt con số kế hoạch dự tính là 14 triệu lượt khách. Đó là những con số ngậm ngùi và người Hải Phòng đang mong ngóng: bao giờ Hải Phòng đón được 10-20 triệu lượt khách như những kế hoạch đầy tham vọng được đặt ra từ những năm trước đây?
(Còn tiếp)
Nhóm phóng viên Kinh tế
20:38 22/12/2024
15:50 22/12/2024
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết