15:45 23/10/2023 Thường trực Thành ủy họp bàn, cho ý kiến, chủ trương; HĐND thành phố khóa 16 tổ chức đợt giám sát chuyên đề sâu rộng và sau đó ban hành nghị quyết số 16 ngày 18-7-2023 xác định rõ những việc cần phải làm; các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố trực tiếp kiểm tra, giám sát, lắng nghe tại cơ sở và chỉ đạo nhiều nội dung cốt yếu… Tất cả những động thái này được thực hiện từ giữa năm 2022 tới nay và đều nhằm tới một mục tiêu chung nhất là quyết tâm xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm Y tế vùng duyên hải Bắc bộ. Đây là công cuộc lâu dài, rất khó khăn, phức tạp, nhiều vướng mắc, lực cản nhưng quyết tâm đã có, ý chí rất cao, hành động rất quyết liệt, Hải Phòng sẽ hiện thực hóa mục tiêu này trong thời gian không xa nữa.
Bài 1:
Xác định đúng thực trạng; tìm ra điểm nghẽn
Hải Phòng chỉ cách Hà Nội, trung tâm y tế, tuyến khám chữa bệnh cao nhất của cả nước chỉ 100 km. Từ hàng chục năm nay, giao thông thuận tiện với trục đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, thời gian di chuyển chỉ mất 1,5 giờ nên nhiều người Hải Phòng đã chọn cách lên các bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội để khám, chữa bệnh. Một số khác chọn đi nước ngoài hoặc thậm chí lại chọn một số bệnh viện ở các tỉnh, thành phố khác tuy không phải trung tâm nhưng có khả năng chữa được bệnh cho họ. Đây có thể coi là một thực trạng đáng băn khoăn, là điểm nghẽn đáng kể nhất của y tế Hải Phòng. Trên thực tế, mặc dù được quan tâm đầu tư, huy động nhiều nguồn lực phát triển nhưng nhìn tổng thể, y tế Hải Phòng còn nhiều điểm thiếu, yếu, hạn chế.
“Nghẽn” mạch vì cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
Trong tháng 4 và tháng 5- 2023, Đoàn giám sát của HĐND thành phố giám sát, khảo sát đối với 35 đơn vị y tế tại Hải Phòng. Đồng thời làm việc với lãnh đạo UBND thành phố; với các sở, ngành như Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Bảo hiểm xã hội Hải Phòng… Qua đây, bức tranh tổng thể của ngành Y tế Hải Phòng hiện lên khá rõ, cả điểm mạnh và điểm yếu. Trong đó, điểm yếu, hạn chế khá nhiều và câu chuyện hạ tầng, trang thiết bị được nói tới nhiều nhất.
Hiện Hải Phòng có 29 cơ sở khám chữa bệnh công lập (trong đó có 9 bệnh viện tuyến thành phố; 5 bệnh viện tuyến huyện; 11 Trung tâm y tế quận, huyện có giường bệnh; 4 Trung tâm y tế quận, huyện không có giường bệnh); 8 Trung tâm chuyên khoa; 2 Chi cục và 217 Trạm y tế xã, phường, thị trấn; 6 Bệnh viện trực thuộc các Bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn thành phố có 1.233 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập. Trong đó có 9 bệnh viện đa khoa, 28 phòng khám đa khoa, 975 phòng khám chuyên khoa; 221 cơ sở hành nghề y học cổ truyền, 137 cơ sở dịch vụ y tế, khám chữa bệnh thuốc gia truyền; 2 cơ sở vận chuyển cấp cứu.
Đáng chú ý, nhiều cơ sở y tế công lập đều chưa đạt chỉ tiêu diện tích sàn bình quân (m2/giường bệnh) theo các Tiêu chuẩn quốc gia. Nếu tính trên số giường kế hoạch chỉ có 5/26 đơn vị (Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Tâm Thần, TTYT huyện Tiên Lãng, TTYT huyện Cát Hải, TTYT quận Hải An) đạt chỉ tiêu diện tích sàn bình quân theo tiêu chuẩn. Nếu tính trên số giường thực kê chỉ có duy nhất TTYT quận Hải An đạt chỉ tiêu diện tích sàn bình quân (m2/giường bệnh) theo tiêu chuẩn.
Cũng rất đáng quan tâm khi trang thiết bị y tế cơ bản tại các cơ sở y tế công lập còn đạt tỷ lệ thấp so với tiêu chuẩn, định mức; thiếu trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu kỹ thuật cao; nhiều trang thiết bị đã hỏng không sử dụng được. Theo thống kê, so với tiêu chuẩn định mức, trang thiết bị tuyến thành phố hiện có 2.519/5.420 thiết bị (chiếm 47%); tuyến huyện và tuyến xã hiện có 526/1.391 thiết bị (chiếm 38%). Việc đầu tư ngân sách cho mua sắm trang thiết bị y tế còn hạn chế. Mức đầu tư cho trang thiết bị y tế năm 2021 là 23,53 tỷ đồng; năm 2022 là 10,59 tỷ đồng, thấp hơn một số tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Đà Nẵng… Do thiếu trang thiết bị y tế và các điều kiện khác nên các cơ sở y tế tuyến huyện mới thực hiện được 40-50% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, không đáp ứng được yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân và gây áp lực quá tải lên các bệnh viện tuyến trên.
Giám đốc Bệnh viện Kiến An Nguyễn Bá Phước cho biết, các toà nhà của bệnh viện được xây dựng từ những năm 1956; toà nhà mới nhất cũng đã được 20 năm. Vì thế, các khu nhà đều xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh (cả về công năng và diện tích). Các thiết bị của bệnh viện phần lớn đã cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh hiện tại. Bệnh viện còn thiếu nhiều trang thiết bị tương ứng của bệnh viện hạng 1 như: máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp CT scanner 64 - 128 dãy, máy nội soi hô hấp, máy và kính hiển vi phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật laser, máy thở, hệ thống xét nghiệm, máy lọc máu...
Đây cũng là nỗi niềm chung của Bệnh viện An Lão. Giám đốc bệnh viện Vũ Văn Vui cho biết, nhiều dãy nhà do thời gian sử dụng đã nhiều năm không được cải tạo, sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, làm mất an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế như: khoa khám bệnh; khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa dược; khu hành chính;cơ sở 2 Mỹ Đức... Trang thiết bị phục vụ cho khám bệnh, chữa bệnh còn thiếu, nhiều máy móc thiết bị đã quá cũ phải sửa chữa thường xuyên. Hiện tại bệnh viện chưa có hệ thống máy xét nghiệm miễn dịch, máy xét nghiệm sinh hóa; máy siêu âm màu; máy chụp X-Quang (cơ sở 2); máy chụp cắt lớp; chưa có hệ thống phẫu thuật nội soi nên một số dịch vụ kỹ thuật phẫu thuật nội soi bệnh viện đề nghị bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật từ năm 2019 chưa hoàn thành như các phẫu thuật nội soi: viêm ruột thừa; chửa ngoài tử cung, u nang buồng trứng…
Theo Giám đốc Bệnh viện Mắt Hải Phòng Nguyễn Đức Quân, bệnh viện còn thiếu các trang thiết bị hiện đại để có thể triển khai các kỹ thuật chuyên sâu như hệ thống Laser Excimer, máy tạo vạt giác mạc, hệ thống Femtosecond Laser mắt cắt dịch kính, hệ thống BIOM… Vì thế, khả năng đáp ứng nhu cầu cao trong công tác chăm sóc và điều trị các bệnh về mắt cho người dân thành phố còn hạn chế, chưa nói tới cho người dân các tỉnh lân cận.
Bất cập về nguồn nhân lực
Nhân lực y tế là yếu tố quyết định nhất tới chất lượng khám, chữa bệnh và tạo dựng niềm tin trong nhân dân. Thế nhưng, tại Hải Phòng, số lượng nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập còn thiếu so với định mức tối thiểu quy định tại Thông tư 03/2023/TT- BYT của Bộ Y tế.
Theo thống kê hiện nay, so với định mức tối thiểu, số bác sỹ còn thiếu là 15,2%; số dược sỹ đại học còn thiếu 32,5%; số điều dưỡng còn thiếu 8,7%; số hộ sinh còn thiếu 4,8%; số kỹ thuật viên y tế còn thiếu 33,1%. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu ở một số chuyên ngành sâu; thiếu bác sỹ ở các bệnh viện tuyến quận, huyện, trạm y tế xã, phường. Thậm chí, tại các bệnh viện chuyên khoa khó như Tâm thần, Lao, Phục hồi chức năng, Trung tâm cấp cứu 115 và các đơn vị tuyến huyện, trạm y tế, do không thu hút được bác sĩ về công tác nên phải sử dụng y sỹ khám chữa bệnh. Thêm vào đó, thu nhập và các khoản phụ cấp của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập có sự chênh lệch cao giữa các tuyến thành phố; tuyến thành phố và tuyến quận, huyện... Theo đó, mức thu nhập bình quân của nhân viên y tế khối thành phố khoảng 12 triệu đồng, nhưng tuyến huyện chỉ khoảng 8 triệu đồng, có đơn vị ở mức rất thấp như Bệnh viện Đôn Lương (Cát Hải) chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện An Lão Vũ Văn Vui cho biết: bệnh viện rất thiếu nhân lực chuyên môn sâu, đặc biệt là bác sỹ sau đại học các chuyên ngành. Vì thế, tại một số khoa, bác sĩ phải trực dày, quá số buổi theo quy định; một số khoa, phòng viên chức phải kiêm nhiệm nhiều việc; không giải quyết được đủ chế độ nghỉ bù trực cho viên chức. Thiếu như thế nhưng tuyển không dễ. Năm 2022, bệnh viện xây dựng kế hoạch tuyển 17 viên chức nhưng cũng chỉ được 16 người. Cũng đáng chú ý khi từ năm 2020 đến nay, CBVC- lao động không có thu nhập tăng thêm. Toàn bộ số thu của đơn vị chỉ để chi mua thuốc, vật tư y tế và chi lương, các khoản đóng góp cho viên chức và người lao động. Cám cảnh hơn, với số ngân sách cấp chi thường xuyên năm 2023 và dự toán số thu dịch vụ năm 2023 thì những tháng cuối năm 2023, đơn vị sẽ không còn kinh phí để chi đủ lương cho viên chức và người lao động. Cũng do không có chế độ đãi ngộ nên khó giữ chân nhân viên, năm 2022 và 2023 đã có 7 người xin nghỉ việc, chuyển công tác…
Còn theo Sở Y tế Hải Phòng, số nhân viên y tế nghỉ việc và chuyển công tác có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2018 có 65 người, năm 2019 là 67 người, năm 2021 là 121 người và năm 2022 có 128 người. Đến nay, thành phố chưa có chính sách đặc thù để thu hút, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao trong ngành Y tế.
Ngoài những khó khăn, bất cập trên, ngành Y tế Hải Phòng còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong tự chủ tài chính; đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế; giá dịch vụ y tế; thực hiện chính sách khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế… Tất cả những điều đó đặt các cơ sở y tế công lập vào thế khó trong cạnh tranh; “lực bất tòng tâm” trong quá trình phát triển.
(Còn tiếp)
Nhóm phóng viên kinh tế- xã hội
20:38 22/12/2024
15:50 22/12/2024
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết