Để Hải Phòng trở thành Trung tâm Y tế của vùng duyên hải Bắc bộ: Xác định đúng, trúng điểm nghẽn; hành động nhanh và quyết liệt (Bài 3)

17:37 23/10/2023

Bài 3: Những chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, lãnh đạo thành phố Hải Phòng luôn nhất quán quan điểm, chủ trương và truyền đi thông điệp: tính mạng, sức khỏe nhân dân là trên hêt, trước hết. Bởi vậy mà trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thành phố không ngần ngại gác lại các khoản chi đầu tư khác để dành hàng nghìn tỷ đồng tập trung chống dịch. Và bây giờ, cũng với thông điệp nêu trên và xác định phải chạy nhanh hơn để chóng về đích, xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm Y tế vùng duyên hải Bắc bộ, Hải Phòng đang có những bước đi chắc chắn, hành động quyết liệt và hiệu quả với những chính sách mang tính đột phá, được lòng dân để phát triển y tế. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố được thể hiện và khẳng định qua các nghị quyết, đề án, chương trình hành động rõ ràng, cụ thể.

                                                                     Nhanh chóng ban hành cơ chế, chính sách

           Dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố còn nhớ rõ và ghi nhận, đánh giá rất cao khi ngày 29-7-2023, các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố cùng lãnh đạo các ngành, các địa phương trực tiếp kiểm tra thực trạng hoạt động của các Bệnh viện Kiến An, An Lão và cùng ngồi họp bàn xác định những việc cần phải làm, hướng đi cụ thể để phát triển Hải Phòng trở thành Trung tâm Y tế vùng duyên hải Bắc bộ.

                                            Lãnh đạo thành phố thăm hỏi người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Kiến An

Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiên Châu nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ rõ nhất những hạn chế, yếu kém của ngành Y tế Hải Phòng, đặc biệt là y tế dự phòng. Yêu cầu phát triển thành phố theo tinh thần NQ 45 của Bộ Chính trị; nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố đòi hỏi cần phải quan tâm thích đáng, đầu tư xứng tầm cho ngành Y tế vì “tính mạng, sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết”; đầu tư cho y tế chính là đầu tư cho con người và phục vụ các mục tiêu phát triển.

           Trước đó, từ giữa năm 2022, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố khóa 16 đã quyết định thành lập đoàn giám sát chuyên đề về triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Các đồng chi Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Bùi Đức Quang, Phó chủ tịch HĐND thành phố trực tiếp là Trưởng các đoàn giám sát đi tới từng bệnh viện, từng địa phương để lắng nghe, từ đó họp bàn, tìm cách tháo gỡ, hoạch định các cơ chế chính sách cụ thể. Các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND thành phố có nhiều cuộc họp nghe báo cáo và thống nhất quan điểm, nội dung, cách thức, lộ trình phát triển y tế Hải Phòng.

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án tổng thể phát triển ngành Y tế Hải Phòng để trình kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 của HĐND thành phố

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa 16 đã thông qua báo cáo giám sát và ban hành nghị quyết số 16 về kết quả giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật về công tác khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.  Từ đó đề nghị UBND thành phố chỉ đạo xây dựng đề án phát triển tổng thể ngành Y tế Hải Phòng để trỏ thành Trung tâm Y tế vùng duyên hải Bắc bộ, phấn đấu hoàn thiện đề án trình HĐND thành phố vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 để có cơ sở thực hiện ngay từ đầu năm 2024.

          Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy định hướng, cần thiết phải tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập thành phố, đồng thời cần quan tâm đến công tác phòng bệnh với cách tiếp cận toàn diện cả về dinh dưỡng, thể dục, thể thao, an toàn thực phẩm, y tế dự phòng; tăng cường hợp tác trong nước và ngoài nước. Trước mắt  tập trung giải quyết trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc nhất của y tế thành phố, bảo đảm tính khả thi. 

Cụ thể, đến năm 2025 phải đạt được mục tiêu: khắc phục triệt để tình trạng quá tải bệnh viện, tình trạng nợ đọng, trục lợi bảo hiểm xã hội, tiến tới 100% người dân có bảo hiểm y tế.  Theo đó,  rà soát hiện trạng các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện của thành phố đang bị quá tải để bố trí nguồn lực đầu tư cải tạo, mở rộng ngay. Đồng thời, cần tính toán và lựa chọn một số bệnh viện tuyến huyện, địa bàn tập trung đông dân cư, đã có nền tảng về nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu để đầu tư trọng điểm về trang thiết bị và gường bệnh nhằm giảm tải cho các Bệnh viện tuyến thành phố, đồng thời là trung tâm, hỗ trợ cho hệ thống y tế cấp xã (ví dụ: Bệnh viện Thủy Nguyên và Bệnh viện Vĩnh Bảo; một số cơ sở y tế có tính đặc thù như Trung tâm y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ… ).

          Đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý,  giai đoạn này cũng nên tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc biệt của thành phố về  đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có; các chính sách thu hút nguồn nhân lực bên ngoài thành phố, trong đó cần ưu tiên đào tạo đối với một số lĩnh vực y tế thiếu tính hấp dẫn như: chăm sóc sức khoẻ sinh sản, giải phẫu, lao, phong, tâm thần, pháp y... để giảm bớt tình trạng mất cân đối trong nhân lực các lĩnh vực của ngành y tế;  chính sách về tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực y tế (thu hút các cơ sở y tế công lập và các chính sách liên kết, hợp tác công tư…);  các cơ chế đặc thù về phân bổ nguồn lực của thành phố cho lĩnh vực y tế;  cơ chế phân cấp, ủy quyền cho các cơ sở y tế được quyết định một số vấn đề.

 Nếu cần thiết, thành phố có thể  nghiên cứu xây dựng một Nghị quyết của HĐND về chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế và giáo dục.  Đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định, quan điểm về xây dựng các chính sách này là: thành phố sẵn sàng ủng hộ các chính sách ưu đãi đặc biệt, bằng hoặc hơn so với các địa phương trên cả nước.

          Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng lưu ý đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ sở khám chữa bệnh và ngành Y  tế Hải Phòng phải đi đầu trong vấn đề này. Đi đôi với việc đầu tư trang thiết bị y tế, cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ y tế có chuyên môn, có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị y tế hiện đại, chất lượng cao, tránh trường hợp thiết bị đầu tư về nhưng không có người vận hành, gây lãng phí nguồn lực.  Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các sai phạm, nhất là vấn đề trục lợi bảo hiểm xã hội.

          Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, từ nay tới năm 2025 là giai đoạn tăng tốc và từ năm 2025-2030, trên cơ sở nền tảng căn cơ về cơ chế, chính sách đồng bộ, ưu việt và đã giải quyết cơ bản những bức xúc, những điểm quá tải ở giai đoạn đến năm 2025 thì sẽ bước vào giai đoạn “ưu tiên nguồn lực, đầu tư đồng bộ, tiến thẳng đến hiện đại”.

          Được biết, tới thời điểm này, ngành Y tế Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành Đề án phát triển tổng thể ngành Y tế Hải Phòng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, đủ điều kiện để trình HĐND thành phố khóa 16 vào kỳ họp cuối năm 2023. Theo lãnh đạo Sở Tài chính Hải Phòng, nắm bắt yêu cầu, mục tiêu và đề án phát triển Y tế, đã dự  kiến nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế Hải Phòng những năm tới. Theo đó, mỗi năm, ngân sách thành phố có thể dành ra từ 400- 500 tỷ đồng phục vụ các mục tiêu phát triển ngành Y tế. Đây là tin vui, là tín hiệu rất đáng phấn khởi và chắc chắn, từ năm 2024, ngành Y tế Hải Phòng sẽ có một diện mạo mới, thật sự khởi sắc.

          Tuy nhiên, phát triển tổng thể ngành Y tế không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực ngân sách. Đây chỉ là một phần, là nguồn vốn mồi quan trọng. Yếu tố quyết định vẫn là con người, là nhân lực chất lượng cao của ngành Y tế; là môi trường, điều kiện làm việc, cống hiến; là tạo dựng được lòng tin tưởng tuyệt đối trong nhân dân về chất lượng khám chữa bệnh; là công tác y tế dự phòng, phòng bệnh hơn chữa bệnh… Và cùng với đó là phải là các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào Y tế; đa dạng hóa các hình thức hợp tác công tư trong cung cấp dịch vụ y tế… Tất cả để phấn đấu đáp ứng tốt nhất nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận; các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại thành phố; tiến tới các mô hình du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng…

          Cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Trung ương

          Thực tế, những khó khăn, vướng mắc hiện nay và xu hướng phát triển giai đoạn tới của Y tế Hải Phòng còn có nhiều vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của thành phố, cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện, tháo gỡ của Trung ương. 

           Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân

          Qua thực tiễn giám sát tại 35 cơ sở y tế cả công lập và ngoài công lập, đoàn giám sát HĐND thành phố  ghi nhận nhiều kiến nghị. Theo đó, các bệnh viện đều đề nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về phát triển Y tế; có biện pháp tháo gỡ, xử lý nhanh các vướng mắc trong tự chủ tài chính bệnh viện… Một số ý kiến đề nghị có chính sách đặc thù cho phép các đơn vị tự chủ áp dụng hệ số lương đặc thù nhằm nâng cao thu nhập cho đội ngũ y, bác sỹ,  tránh tình trạng “chảy máu nhân lực y tế”. Đồng thời tính đúng, tính đủ và bảo đảm sự thống nhất về mức giá dịch vụ y tế; tháo gỡ nhanh những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế… Ngoài ra, những vướng mắc trong khám chữa bệnh BHXH cũng được đề cập rất nhiều , nhất là  thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, phân bổ thẻ BHYT, cần sớm có sự quan tâm giải quyết, xử lý thỏa đáng.

          Có thế thấy, chuyên đề giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật về công tác khám bệnh, chữa bệnh được HĐND thành phố Hải Phòng thực hiện rất đúng và trúng trong bối cảnh Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và cũng đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 với nhiều thay đổi cơ bản trong việc nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…

Từ sự đổi mới tư duy, quyết tâm hành động của Hải Phòng và sự quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực y tế của Chính phủ, Quốc hội, tin tưởng rằng ngay từ năm 2024 và cả giai đoạn 2024-2030, Y tế Hải Phòng sẽ thực sự phát triển với tốc độ bứt phá; là điểm tựa trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; từng bước hoàn thành các mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm Y tế vùng duyên hải Bắc bộ./.

                                                                                                                        Nhóm phóng viên kinh tế- xã hội

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông