Để hệ thống quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả

23:29 15/11/2020

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn thành phố đã tạo điệu kiện hỗ trợ cho các thành viên và người dân tham gia vay vốn phát triển hợp tác xã (HTX), kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới tại các địa phương…

Đã gần 2 năm sau khi ngôi nhà khang trang của gia đình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, anh Nguyễn Văn Hiếu, ở Tân Viên, An Lão, vẫn thấy quyết định vay vốn tại QTDND An Lão để xây mới ngôi nhà là hoàn toàn hợp lý. Từ khi có nhà mới, “an cư lạc nghiệp”, vợ chồng anh phấn khởi và càng chí thú làm ăn. Sinh hoạt của gia đình và học hành của con cái cố tằn tiện trong khoản lương 7 triệu của anh, còn 4 triệu tiền lương của vợ là để trả dần khoản vay. Đến nay, số nợ của anh chị không còn nhiều, với đà này, chắc chỉ khoảng hơn 1 năm nữa là vợ chồng anh có thể hoàn trả toàn bộ số vay.

Sau khi nghỉ việc giày da, nhận thấy gia đình mình ở vị trí đầu xóm có nhiều người qua lại, chị Phạm Thị Hoàn, ở An Đồng, An Dương, bàn với chồng mở tiệm tạp hóa nhỏ. Để có một số vốn vài chục triệu, sau khi tham khảo, thăm dò nhiều “địa chỉ”, cuối cùng chị Quyết định lựa chọn QTDND để tạo cho gia đình mình một cơ hội sinh kế bền vững.

Thời gian qua, hệ thống Quỹ TDND có nhiều đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố

Theo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh thành phố, hiện nay trên địa bàn Hải Phòng có 26 QTDND, hoạt động trên địa bàn 8 quận, 6 huyện gồm: Hải An, Đồ Sơn, An Dương, Thủy Nguyên, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo. Tính đến hết quý 3, hệ thống QTD có tổng số 22.241 thành viên, tăng so với cùng kỳ năm 2019 là 1.573 thành viên. Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.898 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ 303 tỷ đồng (tăng 19%), tăng so với đầu năm là 249 tỷ đồng (tăng 15%). Đặc biệt, 6 QTD có tổng nguồn vốn hoạt động từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng.

  Cũng tính đến hết quý 3, huy động tiền gửi đạt 1.719 tỷ, bằng 90,6% tổng nguồn vốn, tăng so với cùng kỳ năm 2019 là 283 tỷ (tăng 19,7%), tăng so với đầu năm là 243 tỷ (tăng 16,5%). Có 13 QTD số dư tiền gửi đến dưới 50 tỷ đồng; 9 QTD số dư tiền gửi từ 50 đến dưới 100 tỷ đồng; 4 QTD số dư tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên. Tổng dư nợ cho vay đạt 1.379 tỷ, bằng 72,6% tổng nguồn vốn hoạt động, tăng so với cùng kỳ năm 2019 là 146 tỷ (tăng 11,8%), tăng so với đầu năm 59 tỷ (tăng 4,5%). Có 15 QTD có dư nợ đến dưới 50 tỷ đồng; 5 QTD có dư nợ từ 50 tỷ đến dưới 70 tỷ đồng; 6 QTD dư nợ cho vay từ 70 tỷ đồng đến dưới 150 tỷ. Nợ xấu là 7.080 triệu, bằng 0,52%/tổng dư nợ, giảm so với đầu năm 821 triệu đồng (giảm 13%)…

Qua công tác thanh tra, về cơ bản các QTDND chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật, thực hiện rà soát và xây dựng phương án củng cố, chấn chỉnh những tồn tại yếu kém được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra và kiểm soát nội bộ; rà soát, khắc phục những tồn tại yếu kém đã được nêu tại Chỉ thị 06 để nghiêm túc khắc phục, chỉnh sửa kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn một số QTDND hoạt động còn yếu, một số nội dung tồn tại.

Nguyễn nhân chủ yếu là do quy mô hoạt động của các QTDND trên địa bàn nhỏ, thấp hơn bình quân chung của cả nước, đã phần nào hạn chế hoạt động của Quỹ. Tổng nguồn vốn bình quân 1 Quỹ là 61 tỷ đồng (bình quân cả nước là 92 tỷ đồng); vốn điều lệ bình quân 1 QTD là 2,1 tỷ đồng (bình quân cả nước là 3,7 tỷ đồng/QTD). Dư nợ cho vay bình quân 1 quỹ là 47,4 tỷ đồng (bình quân cả nước là 75 tỷ đồng). Mặt khác, về nhân sự QTDND tuy từng bước tăng cường nhưng nhìn chung tuổi đời bình quân cao, trình độ năng lực còn hạn chế. Một số QTDND có Chủ tịch HĐQT, Trưởng BKS, Giám đốc chưa đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 21 của NHNN; Việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành còn hạn chế, nhất là việc vận hành và thao tác các phần mềm nghiệp vụ của TCTD.

Bên cạnh đó, công tác quản trị điều hành và kiểm soát nội bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung một số quy chế, quy trình, quy định nội bộ cho phù hợp với các quy định của văn bản pháp luật hiện hành. Ngoài ra, hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ: nội dung kiểm tra còn sơ sài, chưa thực hiện theo kế hoạch xây dựng; tần suất kiểm tra đối chiếu, xác minh trực tiếp khách hàng có tiền gửi, tiền vay tại quỹ còn thấp; chất lượng công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ còn hạn chế, chưa phát hiện được các tồn tại, sai sót để khắc phục, chỉnh sửa hoặc đã kiến nghị, chỉ ra những tồn tại, thiếu sót nhưng chưa thực hiện kiểm tra kiến nghị đã đề cập. Đồng thời công tác thẩm định trước khi cho vay còn sơ sài, thiếu chặt chẽ…

 

Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn thành phố góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đồng thời bảo đảm cho hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, đúng tính chấ của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10 của UBND thành phố và chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về "Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn thành phố". Chỉ thị số 06 của Ngân hàng nhà nước về "chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND".

  Trong đó tập trung tăng cường công tác giám sát các QTDND trên địa bàn triển khai thực hiện Phương án cơ cấu lại QTDND gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Đề án "Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" của NHNN Việt Nam.  Tiếp tục củng cố, chấn chỉnh hoạt động QTDND, đảm bảo QTDND phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả; tôn chỉ mục tiêu hoạt động, hỗ trợ, đáp ứng như cầu vay vốn của thành viên để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó Chi nhánh tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có hoạt động QTDND để giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động QTDND và đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ QTDND trong công tác xử lý thu hồi nợ, tài sản cho QTDND. Đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động QTDND về chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động ngân hàng và các quy định về an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt. Đồng thời tiếp tục phổ biến, quán triệt để nâng cao ý thức cảnh giác, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên QTDND. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định, quy trình nội bộ và quy định của NHNN…

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông