Đề xuất cấm bán rượu, bia sau 22h: Thiết thực nhưng cần tính khả thi

22:13 02/07/2018

Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế đã gửi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác tới Bộ Tư pháp để thẩm định. Trước đó, dự thảo Luật này đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các bộ ngành và người dân.

Theo đó, một trong những điểm đáng lưu ý nhất của dự thảo này là đề xuất quy định chỉ được bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong khoảng thời gian từ 6h-22h, trừ trường hợp bán tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thành nơi chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Tuy nhiên ngay khi công bố, quy định này đã nhận được rất nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Rõ ràng không thể phủ nhận Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác là một nỗ lực rất lớn của ngành Y tế trong việc kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng rượu, bia cũng như đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; giảm tác hại; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống tác hại rượu, bia để nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Cũng theo thống kê từ Bộ Y tế, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm đã tăng từ 3,8 lít (giai đoạn 2003-2005) lên 6,6 lít (giai đoạn 2008-2010) và lên tới 8,3 lít năm 2016 - tức là đã tăng tới 118% và tăng 30 bậc, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 nước, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể.

Đề xuất chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22h nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều (ảnh minh họa)

Tỷ lệ người sử dụng bia rượu tăng cũng tỷ lệ thuận với việc gia tăng bệnh tật khi rượu bia là nguyên nhân của 200 loại bệnh tật chấn thương. Bên cạnh đó, rượu bia làm tăng vấn nạn tai nạn giao thông, những vụ án giết người, làm băng hoại đạo đức, các vấn đề xã hội lâu dài…

Một báo cáo từ Bộ Y tế cho thấy, rượu là nguyên nhân chính của 31% vụ đánh nhau, giết người; 33% vụ hiếp dâm; 18% vụ tai nạn giao thông, nhiều tệ nạn xã hội và 60 loại bệnh khác nhau như ung thư, suy đa tạng...

Trước thực trạng đó, có thể thấy quy định chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22 giờ trong dự thảo trên được nhiều người đồng thuận. Trên thực tế, đề xuất trên hoàn toàn có cơ sở bởi một số quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới đã có quy định giờ cấm bán rượu bia và hiện đang thực hiện rất hiệu quả.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo lắng là tính khả thi của những quy định khi áp dụng vào thực tế ở nước ta có không ít vướng mắc, bất cập.

Theo các chuyên gia, việc quy định khung giờ bán rượu, bia sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà ngược lại sẽ thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế. Mặt khác, nó sẽ làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu bia bất hợp pháp, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hơn nữa, việc kiểm tra, giám sát thực thi quy định thế nào cũng khó khả thi bởi câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người giám sát, xử phạt? Ở nước ta, từ thành thị đến nông thôn ngày nay có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cơ sở kinh doanh bia rượu đua nhau mọc lên, đa dạng về loại hình kinh doanh như quán bia, quán nhậu, nhà hàng, quán karaoke, thậm chí quán trà đá vỉa hè cũng tranh thủ bán bia rượu.

Vậy nên, nếu thực hiện quy định chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22 giờ thì sẽ rất khó để cơ quan chức năng có đủ nhân lực chỉ để đi kiểm tra, giám sát, nhất là trong khoảng thời gian từ 22h tối đến 6h sáng ngày hôm sau.

Nhiều hội thảo, cuộc họp xin ý kiến góp ý cho dự thảo Luật đã được tổ chức với sự tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội, các cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế. Đa số các ý kiến đều cho rằng, thay vì đưa ra những quy định khó khả thi ở thời điểm hiện tại như quy định “Chỉ được bán rượu bia, đồ uống có cồn từ 6-22h”, Bộ Y tế nên đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, khuyến cáo để người dân thấy tác hại của việc dùng quá nhiều rượu bia để tự điều chỉnh hành vi của mình.

Đồng thời, nên đề xuất phương án đánh thuế cao với mặt hàng rượu bia để toàn dân hạn chế sử dụng thì sẽ có hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải làm sao để các quy định mới khi đưa ra phải sát thực tế, khả thi và tạo được sự đồng thuận lớn từ cộng đồng, xã hội.

Lâm Phong  

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông