18:46 23/10/2023 Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng mới đây với sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, vấn đề thành lập Khu Thương mại tự do một lần nữa được đề cập. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đề nghị Trung ương quan tâm cho phép Hải Phòng thành lập Khu Kinh tế ven biển phía nam với các chính sách đặc thù, vượt trội để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư. Trong đó dự kiến thành lập Khu thương mại tự do. Đây là đề xuất táo bạo, thể hiện tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Hải Phòng; cũng là mong muốn, khát vọng của Hải Phòng, được người dân thành phố và các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, mong muốn sớm được triển khai.
Hội đủ các điều kiện
Hải Phòng luôn được xác định là một địa phương phát triển quan trọng bậc nhất Việt Nam, là thành phố trực thuộc Trung ương luôn đứng thứ 3 về vai trò tổng thể, chỉ sau Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ sứ mệnh quốc gia và khẳng định chức năng khác biệt của Hải Phòng trong sự phát triển kinh tế cả nước và của vùng Bắc bộ. Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, giá trị đó còn được khẳng định ở tầm cao hơn với vị thế là trung tâm kết nối, hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển của Hải Phòng.
Vì vậy, khi triển khai xây dựng đề án thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù cho phát triển thành phố Hải Phòng theo tinh thần nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng mạnh dạn đề xuất với Chính phủ, Quốc hội cho phép thành phố nghiên cứu và triển khai xây dựng Khu Thương mại tự do với quan điểm sẽ tạo nên sự phát triển đột phá của Hải Phòng, kéo theo sự phát triển của cả vùng và cả nước.
Cơ sở dẫn tới đề xuất táo bạo như vậy là do Hải Phòng có vị trí rất thuận lợi, là cửa ngõ kết nối kinh tế phía Bắc với thị trường quốc tế. Hiện nay Hải Phòng đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, vượt trội, đồng bộ, ít địa phương nào có được. Những năm gần đây, Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế xã hội cùng tư duy đổi mới, cởi mở, thông thoáng, hành động quyết liệt và có sự bứt phá mạnh mẽ. Bởi vậy, ý kiến của các chuyên gia, các nhà kinh tế hàng đầu Việt Nam đều cho rằng, Hải Phòng hội đủ các điều kiện để thử nghiệm chính sách, thể chế mới thực sự vượt trội, đột phá.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, thời gian qua, đã có một số địa phương được ban hành các cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, theo tinh thần nghị quyết 45 thì điều Hải Phòng cần không phải là những cơ chế, chính sách đặc thù thông thường. Theo lý giải của các chuyên gia, một số cơ chế đặc thù hiện nay của các địa phương chủ yếu là chuyển một số quyền lực từ các cơ quan Trung ương về cấp tỉnh, thành phố. Nếu Hải Phòng cũng chỉ đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù như thế thì thực chất vẫn là giữ “đồng phục” cơ chế và “chia đều” nguồn lực như các địa phương, chưa thể hiện rõ được tính chất “mới, đột phá”. Nếu tiếp tục phát triển thành phố theo cách thức và cơ chế như vậy, sẽ khó giúp Hải Phòng giải quyết được các vấn đề tương lai, làm tròn sứ mệnh- chức năng đối với nền kinh tế và vùng.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: các lợi thế mà Hải Phòng sở hữu là lợi thế quốc gia. Từ đó, không thể chỉ nhìn Hải Phòng một cách riêng rẽ, là việc riêng của Hải Phòng và xuất phát từ lợi ích cục bộ của Hải Phòng mà phải là cách tiếp cận tổng thể, toàn cục, vì lợi ích quốc gia và là việc chung của quốc gia.Do đó, Hải Phòng không thể tiếp tục phát triển theo cách cũ, theo cách “xin” Trung ương ưu đãi thêm nguồn lực; bổ sung, “cơi nới”một số cơ chế, chính sách mà phải là một mô hình mới, đủ sức để Hải Phòng vượt lên, đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH-HĐH, trở thành đô thị đặc thù hiện đại, sánh vai quốc tế như các mục tiêu mà nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã xác định và đề xuất Khu thương mại tự do đáp ứng được các yêu cầu đó. Hơn nữa, trên địa bàn cả nước, hiện chưa có Khu thương mại tự do. Nếu Hải Phòng được thực hiện, sẽ tiếp tục là địa phương khai phá, mở đầu, là “tọa độ thử nghiệm quốc gia”, một hình mẫu cải cách phát triển đột phá của cả nước.
Những cơ sở lý luận và thực tiễn
Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu, đến nay, chưa có định nghĩa về cơ chế vượt trội, đặc thù cho các địa phương. Tuy nhiên, có rất nhiều hình thức và công cụ tạo thể chế vượt trội được sử dụng để phát triển kinh tế của các quốc gia như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do… Trong đó, Khu thương mại tự do là hình thức vượt trội, đặc thù lâu đời nhất và hiện nay đang khá phổ biến không chỉ ở các nước đang phát triển mà cả ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh; các quốc gia châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đơn cử như UAE và Trung Quốc đã và đang sử dụng Khu thương mại tự do như một công cụ chiến lược phát triển quốc gia. UAE đã sử dụng thành công Khu thương mại tự do, biến vùng đất sa mạc trở thành trung tâm thương mại tài chính quốc tế. Năm 2015, Quốc vụ Viện Trung Quốc ra chỉ thị đẩy nhanh thực hiện chiến lược Khu thương mại tự do. Trong vòng 7 năm 2015- 2021, có 11 Khu thương mại tự do được thành lập. Trong đó, Hải Nam (chỉ cách Hải Phòng 200 km) với vị trí thuận lợi, có tầm quan trọng chiến lược đã được chọn làm Khu thương mại tự do lớn nhất thế giới hiện nay.
Như vậy, Khu thương mại tự do rất khác với các hình thức khác, không phải là công cụ thu hút đầu tư tận dụng lợi thế lao động chi phí thấp như khu chế xuất hay khu công nghiệp. Khu thương mại tự do là mở cửa, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư cùng với đơn giản, tối thiểu hóa thủ tục hành chính và chế độ ưu đãi thuế, tăng mức độ và quyền tự do đầu tư kinh doanh, tăng cơ hội đầu tư kinh doanh, tăng thêm lợi ích cho nhà đầu tư, tạo nên sự phát triển sôi động và sức hấp dẫn đặc biệt cho địa phương.
Từ sự phân tích đó, nhóm chuyên gia đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng và đây cũng là mong muốn, khát vọng của thành phố. Chương trình xây dựng Khu thương mại tự do tập trung thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống cảng biển; xây dựng trung tâm logistics; phát triển hệ thống giao thông kết nối bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa; phát triển trung tâm công nghiệp mà trọng tâm là công nghiệp chế tác, chế tạo; xây dựng trung tâm du lịch quốc gia; trung tâm tài chính quốc tế; phát triển các trung tâm nghiên cứu…Đi kèm theo đó sẽ là các thể chế phù hợp như xây dựng khu giám sát hải quan đặc biệt; thực hiện chính sách thuế quan bằng 0 đối với một số mặt hàng nhập khẩu; giảm các hạn chế đối với thương mại dịch vụ xuyên biên giới; thực hiện hệ thống quản lý đầu tư đơn giản theo hướng một cửa; thí điểm chính sách tài trợ và thúc đẩy đầu tư chứng khoán xuyên biên giới…
Cùng với đó, bộ máy chính quyền cũng phải được tổ chức thông minh, hiệu quả, hoạt động theo cơ chế phù hợp với chức năng đặc thù và nhiệm vụ chiến lược quốc gia ưu tiên. Theo đó, chính quyền thành phố sẽ được trao nhiều quyền hơn, có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm đầy đủ hơn, được chủ động hơn trong tổ chức bộ máy, sắp xếp biên chế, tuyển dụng nhân sự, trả lương; được phép thí điểm tổ chức hoạt động theo hình mẫu chính quyền đô thị..
Có thể nói, đây mới chỉ là những gợi mở, hoạch định bước đầu. Để đi tới mô hình Khu thương mại tự do hoàn chỉnh nếu được Trung ương cho phép thực hiện, còn cần phải có một quá trình nghiên cứu toàn diện, tổng thể, với sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia, các nhà khoa học; các cấp, các ngành thành phố… Thế nhưng, với những gợi mở ban đầu này, đã có thể thấy được “hình dáng” của Khu thương mại tự do, đáp ứng sự mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Hải Phòng.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định: Khu thương mại tự do là đề xuất độc đáo, là sự đột phá, cách mạng của Hải Phòng. Chỉ với tinh thần như vậy Hải Phòng mới có đủ điều kiện thực hiện thành công nghị quyết 45, với những mục tiêu đặt ra rất lớn, với một tâm thế không chỉ vì sự phát triển của Hải Phòng mà là sự phát triển của cả khu vực, rộng hơn là của cả đất nước, bởi Hải Phòng đang giữ vai trò rất lớn, là đầu mối hội nhập, là nơi hội tụ nguồn lực, lan tỏa sự phát triển. Người dân thành phố Hải Phòng rất mong muốn đề xuất nghiên cứu xây dựng Khu Kinh té ven biển phía nam, trong đó có Khu thương mại tự do được Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua, tạo nên sự khác biệt, đặc thù, vượt trội để Hải Phòng phát triển bứt phá mạnh mẽ, trở thành hình mẫu của cả nước./.
Hồng Thanh
20:38 22/12/2024
15:50 22/12/2024
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết