20:17 25/08/2017 Nằm trên phường mang tên người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dânTrần Thành Ngọ, đền Tây Sơn - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được nhà nước công nhận năm 1992 như một bằng chứng về lịch sử văn hóa hào hùng của người dân Kiến An xưa. Đền thờ công chúa Chiêu Chinh – người đã giúp dân mở mang điền ấp, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống no ấm.
Đền Tây Sơn được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1992.
Nơi gắn bó với cuộc đời công chúa Chiêu Chinh
Theo ngọc phả để lại, Đền Tây Sơn là một công trình kiến trúc truyền thống, nơi tưởng niệm công chúa Chiêu Chinh, con gái vua Trần Thánh Tông. Đền do nhân dân khu núi phía Tây thị xã Kiến An (nay thuộc phường Trần Thành Ngọ, quận Kiến An) xây dựng. Công chúa Chiêu Chinh tên thật là Trần Thị Hinh, là con gái của Hoàng Thái Tử (tức vua Trần Thánh Tông sau này) và cô thôn nữ Trần Thị Hương, con gái một gia đình ở Kha Lâm. Sinh thời, do sức khỏe yếu nên công chúa Chiêu Chinh được nuôi dưỡng bằng nước mạch vùng Tây Sơn mà trở nên khoẻ mạnh, xinh đẹp. Suốt thời niên thiếu, công chúa được hai ông Trần Nhật Duật dạy chữ, Trần Quang Khải dạy võ, trở thành một công chúa văn võ song toàn.
Mùa đông năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên – Mông sang xâm chiếm nước ta, công chúa xin vua cha về quê mẹ ở Đông Sơn (tức làng Kha Lâm, xã Nam Hà, thị xã Kiến An), dựng cờ khởi nghĩa Tây Sơn, lập ra 10 đô thần tử, chọn khe núi vùng Tây Sơn luyện quân đánh giặc. Đội quân Tây Sơn do công chúa chỉ huy ngày một hùng mạnh, tinh nhuệ và được chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Hưng Đạo Vương, có mặt ở nhiều chiến trường quan trọng, lập công lớn. Với nhiều công lao to lớn trong công cuộc giữ nước, vua Trần Nhân Tông đã hạ chiếu sắc phong công chúa là Chiêu Chinh Công chúa Đại vương.
Giếng Ngọc ngay cửa đền với nguồn nước quanh năm trong mát.
Sau nhiều năm binh đao khói lửa chốn biên thuỳ, mùa thu năm Đinh Hợi, Chiêu Chinh công chúa xin Thượng hoàng về thăm quê mẹ, thăm lại nguồn nước mạch Tây Sơn đã nuôi bà khôn lớn, thăm nơi dựng cờ chiêu mộ quân sĩ năm xưa. Thấy nơi mình dựng cờ đã được xây thành Đền thờ, Bà ở lại 3 tuần trăng giảng giải cho dân Thập thiện. Một thời gian sau, bà quay trở về Đông Sơn, thuê người xây dựng chùa, mở mang đồng ruộng, dậy dân đúc đồng, đúc chuông, giúp dân mở mang điền ấp, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.
Ngày mồng 3 tháng 6 năm Giáp Ngọ (1294), Bà lên chùa, một tay gõ mõ, một tay thỉnh chuông, ngồi yên bất động, mặt hướng về cõi Phật, nhanh chóng hoá thân một cách mau lẹ. Đúng 100 ngày sau ngày Bà mất, vua Trần Anh Tôn xuống chiếu phong tặng: “Chiêu Chinh công chúa thượng đẳng thần”, tặng công chúa 8 chữ: “Phương Dung - Ý Đức - Tế Thế - An Dân” với nghĩa dung nhân đẹp, đức hạnh tốt, giúp đời yên dân.
Niềm tự hào của người dân địa phương
Để tưởng nhớ công ơn của công chúa Chiêu Chinh, năm 1915, ngôi đền được tôn tạo lại. Đền tọa lạc trên một triền đất cao ráo, thoáng đãng bên sườn đồi Thiên Văn – ngọn đồi trung tâm của quận Kiến An ngày nay. Mặt chính của ngôi đền quay về hướng Tây Bắc, hồi tả của đền giáp với đường thung núi, dẫn lên ngọn đồi có độ cao 50m.
Đền được thiết kế theo kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền, 2 gian ống muống hậu cung. Khi đó, mái đình được lợp ngói mũi hài cổ, tường và hồi trụ được xây bằng đá núi đánh thành tảng. Hồi đốc được xây dựng theo kiểu bổ trụ giật tam cấp. Mái đền không trang trí gì ngoài năm đường chỉ chạy song song theo bờ nóc mái. Nóc mái được trang trí đơn sơ, ngoài 3 trụ đầu hình chữ nhật ở hai đầu đốc và hoa văn chữ triện thoáng sát trên đầu góc tàu lá mái.
Ngày nay, trải qua thời gian, để bảo tồn những giá trị văn hóa của địa phương, đền Tây Sơn đã nhiều lần được trùng tu lại nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa cổ xưa. Đặc biệt là tấm bia đá, bức tượng công chúa Chiêu Chinh và giếng Ngọc vẫn trường tồn cùng thời gian.
Mặc dù đã được trùng tu lại nhưng đền Tây Sơn vẫn giữ được những giá trị lịch sử văn hóa.
Tượng công chúa Chiêu Chinh được đặt chính giữa trong gian hậu cung, hai bên tả hữu là tượng hai nữ tỳ hầu cận. Tượng công chúa với trang phục cầu kỳ, đầu đội mũ kiểu vương giả, đính ngọc, vàng dây lấp lánh, có đủ các hình thêu phượng, rồng, hoa, lá, mặt nguyệt,… Mặt pho tượng đặc tả công chú mắt phượng, mày ngài, lông mày lá liễu, mặt bầu bĩnh. Vị tượng công chúa Chiêu Chinh sang trọng trong bộ áo dài nhiều nếp, hai tà áo đan chéo nhau thêu hình rồng phượng. Bia đá Hậu thần được đặt phía hồi tả ngôi đền, hiện chỉ còn nổi rõ mặt nguyệt. Tấm bia đá được trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật Lê Trung Hưng. Giếng Ngọc quanh năm trong mát, nước không bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán.
Ngoài ra, theo ngọc phả đền Tây Sơn, công chúa Chiêu Chinh dẫn đội quân vùng Tây Sơn dưới sự chỉ huy chiến đấu của vị Quốc công Trần Hưng Đạo nên tại đền Tây Sơn còn thờ tượng vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cùng các vị vương đã có công trong việc giữ yên bờ cõi của tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó chủ tịch phường Trần Thành Ngọ chia sẻ: “Đền Tây Sơn là công trình lịch sử văn hóa cấp quốc gia được công nhận từ năm 1992. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đền Tây Sơn luôn được chính quyền và nhân dân phường Trần Thành Ngọ quan tâm. Hàng năm, cứ đến ngày sinh của công chúa Chiêu Chinh (6-2 âm lịch), nhân dân địa phương lại mở hội để tưởng nhớ công đức của Bà”.
Di tích đền Tây Sơn hiện nay cùng với hệ thống di tích là đền, chùa, miếu còn lại của khu vưc Kiến An như chùa Đại Giáo, Phù Lưu,… đã thể hiện trình độ của người dân khu vực khi khéo léo kết hợp kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo với cảnh vật tuyệt vời của Kiến An xưa và nay. Với những giá trị lịch sửa văn hóa này, trong tương lai di tích đền Tây Sơn còn có vai trò nhất định trong việc phát triển du lịch của Hải Phòng.
Ngân Phạm
10:11 20/10/2024
18:35 17/10/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh