Đền Thượng Đức: Nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân miền biển

18:16 05/07/2018

Với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời cũng như những đóng góp làm nên chiến thắng vang dội trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, Đền Thượng Đức (hay còn gọi là đền Đức Hậu xưa), phường Minh Đức, quận Đồ Sơn đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Đặc biệt, tháng 9-2013, Đền Thượng Đức vinh dự được UBND thành phố Hải Phòng công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.

Đền Thượng Đức đang được trùng tu lại

Đền Thượng Đức có nguồn gốc khởi dựng từ đầu thế kỷ XX, ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ thổ thần, là nơi thờ tự vị thành hoàng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Theo các cụ bô lão nơi đây kể lại, vùng đất Hải Phòng là một trong những chiến địa gắn với thân thế, sự nghiệp của người anh hùng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai, cửa biển Đồ Sơn là một căn cứ thủy quân của nhà Trần. Tại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288, khi quân giặc tập kết ở các tuyến sông phía đông Hải Dương (vùng Hải Phòng ngày nay), Hưng Đạo Đại Vương bố trí các cánh quân đề phòng giặc và đích thân chỉ huy quân Đại Việt tấn công địch trên sông Bạch Đằng.

Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông đại thắng, Trần Quốc Tuấn được vua Trần Thánh Tông phong là Hưng Đạo Đại Vương, được vua Trần Anh Tông phong là Thái sư Thượng Quốc Công. Sau khi ông mất nhiều nơi lập đền thờ, suy tôn ông là Đức Thánh Trần. Nhân dân làng Đức Hậu xưa cũng rước sắc phong về thờ tỏ lòng ngưỡng vọng, nhớ ơn công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc.

Ngay từ khi được xây dựng, Đền Thượng Đức là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương; là nơi truyền bá đạo phật đưa mọi người nhất tâm hướng thiện, từ bi bác ái, tuyên truyền, giáo dục, bồi đắp lòng quê hương đất nước.

Không những vậy, trong công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, Đền Thượng Đức còn là địa điểm hoạt động của cán bộ cách mạng, là nơi tuyên truyền, tổ chức thành lập đội tự vệ, nơi quyên góp ủng hộ cho cách mạng. Tuy nhiên, vào năm 1950, để phục vụ “tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân trong vùng buộc phải đốt bỏ đền. Đến năm 2003, đền được nhân dân đóng góp công, của phục dựng lại to đẹp và khang trang hơn.

Đền Thượng Đức nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Suốt gần một thế kỷ qua, cán bộ và nhân dân làng Đức Hậu xưa và phường Minh Đức nay luôn duy trì, phát huy truyền thống phong tục tập quán quê hương, tổ chức các lễ hội hàng năm, để tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng dân tộc đã có công đánh thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc.

Sau phần lễ trang trọng là phần hội đền với các trò chơi dân gian như: đua thuyền, đi cầu thùm, hát chèo sân đình, kéo co, chọi gà, tổ tôm điếm,…, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tới dâng hương, chiêm bái.

Trao đổi với ông Bùi Đức Duy - Phó Chủ tịch UBND phường Minh Đức - cho biết, Đền Thượng Đức không chỉ là điểm đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo nhân dân Đồ Sơn, mà còn là điểm đến dâng hương, chiêm bái của nhân dân thập phương.

Hàng năm, lễ hội Đền Thượng Đức được tổ chức, là dịp giáo dục, bồi đắp tình yêu, lòng tự hào về quê hương qua các hoạt động truyền thống, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, Đền Thượng Đức đang được trùng tu lại khang trang, sạch đẹp hơn bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông