Đến với những chiến sỹ phòng, chống tội phạm kinh tế

16:15 05/03/2011

Họ vẫn vậy, luôn tuân thủ kỷ luật và quy trình công tác, chăm lo xây dựng đơn vị thành một khối thống nhất với quyết tâm tìm ra mọi thủ đoạn tinh xảo, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm về kinh tế thời hội nhập.Đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến với những chiến sỹ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật kinh tế và chức vụ - CATP.

Không dễ gì mà trong năm 2010, đơn vị đã phối hợp cùng các lực lượng phát hiện điều tra, làm rõ đến 90 vụ việc, giá trị tài sản bị xâm hại, thiệt hại tới 55 tỷ đồng và 30.000 USD; thu nộp về ngân sách gần 6 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 100 triệu đồng và khởi tố 8 vụ án với 23 bị can. Và cũng chưa bao giờ tội phạm kinh tế lại có những “ngón nghề” lách luật để làm ăn phi pháp tinh vi như hiện nay. Thực tế đó đòi hỏi những chiến sỹ trên trận tuyến phòng, chống tội phạm kinh tế phải vượt lên chính mình mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thượng tá, Phó trưởng phòng Vũ Thanh Chương bật mí, công tác nắm tình tình, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm kinh tế là cả một quy trình công tác khoa học, chặt chẽ, chuyên sâu, từ trinh sát đến điều tra viên đều không được phép lơ là trong công việc. Làm ăn kinh tế bây giờ xuất hiện không ít những mánh khóe, né luật để thu lời bất chính. Nếu các cán bộ chiến sỹ ta không giỏi về kiến thức, không giỏi nghiệp vụ điều tra, hiệu quả công tác sẽ hạn chế, đồng nghĩa với việc các loại tội phạm kinh tế sẽ khó ngăn ngừa.

Đơn cử, lợi dụng thông thoáng của luật doanh nghiệp, nhiều đối tượng đã thành lập các doanh nghiệp “ma” nhằm mua, bán trái phép hóa đơn GTGT thu lợi bất chính, tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân “đục nước béo cò” trốn thuế, chiếm đoạt tài sản của nhà nước. Vụ án Vũ Mạnh Hà, sinh 1970 (ở xã Hồng Phong, huyện An Dương) là điển hình. Năm 2008, Hà cùng đồng bọn lập nên 13 doanh nghiệp “ma”, thuê người làm giám đốc các doanh nghiệp này cốt để hợp thức hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, khắc dấu, mua hóa đơn của cơ quan thuế để giao dịch mua bán kiếm lời.

Nhìn bề ngoài, sự xuất hiện của các doanh nghiệp “ma” tưởng như hợp pháp. Sau thời gian dài xác minh, điều tra, đơn vị đã quyết định phá án: bắt khám xét Vũ Mạnh Hà và đồng bọn, điều tra làm rõ và đưa ra truy tố trước pháp luật. Kết quả đấu tranh cho thấy, sự thật Hà cùng đồng bọn đã mua bán trái phép 1.309 hóa đơn GTGT, thu lợi bất chính khoảng 1,7 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các đối tượng khác chiếm đoạt, trốn thuế hàng chục tỷ đồng của nhà nước. Đây là kết quả sự nỗ lực của các trinh sát, điều tra viên, sự chỉ đạo sắc bén của lãnh đạo đơn vị.

Trên lĩnh vực dịch vụ cho vay tài chính, thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm giờ đây cũng “đạt” đến độ “siêu” mang tầm quốc tế. Khi phát hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các địa phương trong cả nước đang tiếp xúc bất thường với Cty TNHH MTV Thiên Phú An - Hải Phòng, đơn vị liền tiến hành xác minh việc làm ăn của cty này. Thành lập từ tháng 1-2007, Cty Thiên Phú An đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung vào dịch vụ cho vay tài chính. Trong khi đó, cty chưa hề kê khai nộp thuế và văn phòng cty là thuê, không có biểu hiện có tài sản.

Đây chính là dấu hiệu của phương thức, thủ đoạn phạm tội mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và có yếu tố nước ngoài, nên sau khi báo cáo Giám đốc CATP, đơn vị đã tổ chức đấu tranh làm rõ. Quả nhiên, khi vào cuộc, các trinh sát phải thử thách với quá nhiều khó khăn như kiến thức về lĩnh vực kinh tế mới, thủ thuật mới. Bằng lòng kiên trì tìm hiểu, học hỏi và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ với tinh thần mưu trí sáng tạo, lực lượng điều tra của đơn vị có đủ cơ sở xác định Ngô Bá Phiếu, sinh 1939, ở Dư Hàng, Lê Chân, làm GĐ cty đã từng giao dịch, quan hệ ký 251 hợp đồng hợp tác đầu tư với 218 doanh nghiệp trên 46 tỉnh, thành phố trong cả nước để thực hiện 383 dự án với vốn cam kết cho các doanh nghiệp vay 181.923 tỷ đồng và 31 tỷ USD.

Vì nắm được tâm lý khát vốn của các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ) Phiếu và đồng bọn đã làm giả nhiều tài liệu của các đơn vị, cá nhân, các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế chứng minh Cty Thiên Phú An có thế lực tài chính rất lớn và được các tập đoàn, tổ chức tín dụng ủy quyền thực hiện các dự án đầu tư tài chính hàng chục tỷ USD tại Việt Nam.

Sau khi các doanh nghiệp tin tưởng muốn được vay vốn, Phiếu “sẵn sàng” ký hợp đồng và yêu cầu chi phí một tỷ lệ nhất định để làm thủ tục giải ngân, đương nhiên Phiếu sẽ chiếm đoạt số tiền này. Phát hiện rõ thủ đoạn của Phiếu và không để kéo dài, nhiều cán bộ chiến sỹ đã vượt qua mọi khó khăn đến các doanh nghiệp từ biên giới phía Bắc, miền Trung, miền Nam để điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ.

Có doanh nghiệp biết mình bị lừa đã tố cáo Phiếu với công an. Đây chính là cơ sở cơ quan pháp luật quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt khám xét Ngô Bá Phiếu. Qua điều tra mở rộng, lực lượng điều tra của đơn vị đã làm rõ Phiếu lừa đảo chiếm đoạt của 23 doanh nghiệp trong cả nước với tổng số tiền 15,6 tỷ đồng. Việc làm rõ hành vi phạm tội của Ngô Bá Phiếu và đồng bọn chính là bài học cảnh báo các doanh nghiệp cảnh giác khi quan hệ làm ăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thú vị hơn, thực tiễn công tác, chiến đấu của cán bộ chiến sỹ đã giúp họ càng trưởng thành về nhiều mặt, đáp ứng nhiệm vụ nặng nề thời kinh tế mở cửa. Vì thế, ngoài các vụ án, chuyên án điển hình, tập thể đơn vị còn phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn khác với thủ đoạn xảo trá chưa từng có trước đây như các vụ nhập lậu ngà voi, rác thải công nghiệp, thực phẩm… qua hàng hoá tạm nhập tái xuất.

Thượng tá, Phó trưởng phòng Hoàng Hà Thủy, phụ trách chuyên môn nghiệp vụ cho biết, đơn vị luôn hoàn thành nhiệm vụ là do động lực từ lãnh đạo đến chiến sỹ đoàn kết, thống nhất, loại trừ những diễn biến bất lợi về tư tưởng. Vì vậy đơn vị không có CBCS nào vi phạm kỉ luật. Ngược lại, trong thời gian qua, đơn  vị đã 20 lần được BCĐ 127 Trung ương, Bộ Công an, UBND TP, GĐ CATP tặng bằng khen, giấy khen; 36 lượt đội công tác, 59 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, CATP khen thưởng.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển CNTT đang ở trình độ cao làm cho xu hướng hoạt động của các loại tội phạm kinh tế xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài sẽ còn diễn biến phức tạp trên lĩnh vực quản lý kinh tế với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, bởi vậy, dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng CBCS đơn vị tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần ổn định, xây dựng nếp sống kỷ cương, trật tự trong phát triển kinh tế thành phố cảng…

TÚ SƠN


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông