09:57 19/09/2021 Trung Quốc có thể đã chống dịch COVID-19 thành công, nhưng nước này lại đang đứng trước sự đe dọa mới khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Trong một hội thảo cách đây 2 năm, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã khuyến khích giới chức phụ trách y tế tăng cườn nỗ lực chống dịch bất chấp “kết quả tích cực” ban đầu và đề xuất rằng các biện pháp “tăng cường giám sát, cách ly” sẽ giúp ngăn virus lây lan.
Kênh DW (Đức) cho biết phát biểu của ông Hồ Xuân Hoa được đưa ra trước khi phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó đề cập đến dịch tả lợn châu Phi.
Trung Quốc lần đầu tiên ghi nhận dịch tả lợn châu Phi vào năm 2018 tại tỉnh Liêu Ninh, ở phía Đông Bắc nước này. Không giống như virus SARS-CoV-2, virus gây dịch tả lợn châu Phi không đe dọa đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, căn bệnh này có độc lực cao ở lợn và tỷ lệ tử vong có thể lên tới 100%.
Một trang trại nuôi lợn tại tình Hà Bắc (Trung Quốc). Ảnh: AP
Dịch tả lợn châu Phi là mối quan tâm đặc biệt ở Trung Quốc, nước tiêu thụ thịt lợn hàng đầu thế giới và là quê hương của khoảng một nửa số lợn trên thế giới. Với số lượng lợn khổng lồ, dịch tả lợn châu Phi có thể biến Trung Quốc thành một ổ chứa dịch bệnh lớn và gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực.
Năm nay, Trung Quốc thông báo với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) ghi nhận nước này có 12 trường hợp mắc dịch tả lợn châu Phi, giảm so với mức 105 trường hợp vào năm 2018. Nhưng kênh DW (Đức) dẫn lời một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể đã báo cáo thiếu số lượng lợn mắc dịch tả lợn châu Phi thực chất.
Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính rằng thiệt hại kinh tế mà dịch tả lợn châu Phi gây ra cho Trung Quốc trong năm 2020 là ở mức 50-121 tỷ USD. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đánh giá rằng dịch tả lợn châu Phi “gia tăng nghèo đói, ảnh hưởng đến an ninh lương thực” đồng thời gây rủi ro tiềm tàng cho sức khỏe con người cũng như việc chống biến đổi khí hậu.
Đối tượng chịu tác động lớn vì dịch bệnh này là các nông dân nuôi lợn quy mô nhỏ. Các biện pháp như giám sát đàn gia súc một cách thận trọng và tiêu hủy những con lợn có biểu hiện của dịch tả lợn châu Phi có thể giúp ngăn chặn sự bùng phát tại Trung Quốc. Nhưng ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Chăn nuôi lợn quy mô nhỏ với quy mô từ 50 con trở xuống, là một mạng lưới an toàn kinh tế hoặc nguồn thu nhập đáng kể cho hàng chục triệu người Trung Quốc, và chiếm gần một phần ba sản lượng lợn cả nước. Nhưng hình thức này lại có thể khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc. Khi nghi ngờ xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại địa phương, một số nông dân có thể bán bớt lợn của họ, điều này gia tăng nguy cơ lây lan virus gây dịch bệnh này trên khắp cả nước.
Triệu chứng mắc tả lợn châu Phi là con vật chán ăn, tăng nhiệt, nôn, tiêu chảy, khó thở, đứng không vững. Dịch tả lợn châu Phi không lây lan từ lợn sang người. Lợn mắc bệnh này do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua côn trùng như ve. Virus dịch tả lợn châu Phi có thể ẩn mình vài tháng trong thịt lợn đã qua xử lý và thậm chí vài năm trời trong thịt lợn đông lạnh. Dịch tả lợn châu Phi thường lây lan ở lợn sống trong môi trường vệ sinh kém.
Bà Linda Dixon tại Viện nghiên cứu Pirbright (Anh) đánh giá, do tính phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, hiện rất khó để tạo ra vaccine hiệu quả phòng chống dịch bệnh này.
Theo TTXVN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết