Dịch vụ logistics, mũi nhọn gắn liền kinh tế biển Hải Phòng

09:51 25/06/2020

Như tin đã đưa, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là động thái hết sức tích cực, phù hợp với yêu cầu phát triển của Hải Phòng trong giai đoạn mới, với những định hướng mang tính đột phá.

Kỳ 1:  Trụ cột là dịch vụ cảng biển

 Dịch vụ cảng là trụ cột trong dịch vụ logistics của Hải Phòng

Theo khái niệm chung, Logistics là quá trình lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch hay thông tin liên quan từ điểm xuất phát sản xuất đến tới điểm tiêu thụ. Như vậy, dịch vụ logistics được hiểu là một hoạt động thương mại, tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho bãi, làm các thủ tục, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa…

Nhìn lại thời gian qua, Hải Phòng với tư thế là địa phương có hơn 100 năm sở hữu cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất khu vực phía Bắc, bản chất đã hình thành một phân ngành kinh tế dịch vụ rất lớn, mang hình thái logistics. Nhưng năm gần đây, Hải Phòng bứt tốc ngoạn mục trên lộ trình phát triển kinh tế đa dạng hình và hội nhập quốc tế.

Nhưng hầu hết các phân ngành kinh tế đều xoay quanh trụ cột là kinh tế biển, trong đó hệ thống dịch vụ cảng là cốt lõi. Điều này cũng đã được Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định nhiều lần, và tái khẳng định trong một hội nghị gần đây liên quan đến quy hoạch phát triển tổng thể thành phố.

Trở lại với Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đây là chiến lược mang tính dài hạn, nhằm triển khai có hiệu quả việc phát triển và quản lý hệ thống dịch vụ logistics nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực và quốc tế; tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời hỗ trợ, khuyến khích, kiến tạo môi trường thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics,

Có lẽ nói về tiềm năng, vị thế của Hải Phòng trong dịch vụ logistics, trước hết phải nói đến điểm nhấn quan trọng nhất là thế mạnh về dịch vụ giao thông. Tính về quy mô ở thời điểm hiện tại, ít có địa phương nào của có được hạ tầng đồng bộ các hình thức giao thông như Hải Phòng: đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không… và đặc biệt là hàng hải.

Điều đáng nói việc hình thành hệ thống này đều thuộc diện sớm nhất, xuất hiện trước cả thời gian hình thành cái tên của thành phố. Đây là nền tảng cơ sở quan trọng, để Hải Phòng tập trung phát triển ngành kinh tế đặc thù, đó là dịch vụ vận tải xuyên suốt chuỗi logistics.

5 năm trở lại đây, hạ tầng giao thông đường bộ Hải Phòng có sự phát triển đột phá, bên cạnh việc khánh thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, thành phố đã triển khai dự án đường bộ ven biển, nâng cấp quốc lộ 10... cùng với việc xây dựng hàng loạt cây cầu kết nối vượt sông, vượt cạn. Điều đó đã đưa Hải Phòng trở thành đầu mối của một hệ thống đường bộ hiện đại bậc nhất, kết nối từ tuyến địa đầu Móng Cái tới tận các tỉnh phía Nam, đồng thời ngược lên hành lang kinh tế phía Bắc tới tận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Nhưng dấu ấn đặc biệt chính là việc Hải Phòng đã vận dụng các nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương, hình thành một hệ thống đường bộ có độ mở hợp lý, với vai trò kết nối của những cây cầu, giải quyết dứt điểm tính hạn chế của giao thông đường bộ.

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi

Về đường sông, thế mạnh vượt trội của thành phố cũng tương tự vì có gần chục cửa sông, tạo thành 19 tuyến vận tải với gần 400km, 50 bến cảng nội địa. Về hàng không, Hải Phòng đang sở hữu cụm cảng hàng không quốc tế Cát Bi, tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E, bảo đảm tiếp nhận được máy bay lớn như B777-300, B777-200, A321…

Về đường sắt, thành phố hiện có một tuyến đường sắt do Pháp xây dựng từ năm 1901, kết nối từ Cảng Hải Phòng qua các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và điểm cuối là Hà Nội. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng những năm gần đây ngoài vận tải hành khách, giao thông đường sắt cũng đóng góp không nhỏ trong việc giải phóng lượng hàng qua cảng của Hải Phòng.

Nhưng trong hệ thống hạ tầng giao thông, có lẽ hệ thống cảng biển vẫn giữ vị trí quan trọng nhất, với vai trò là trung tâm kết nối của những dạng hình còn lại.  Sở hữu chiều dài bờ biển trên 125km, có 6 cửa sông lớn với mật độ bình quân 0,7km/km2 đổ ra biển, cấu trúc địa lý đã kiến tạo Hải Phòng thành đầu mối giao thông thủy huyết mạch.

Ngược dòng lịch sử, chính vì vị trí có tầm chiến lược này, mà ngay từ năm 1857 Cảng Hải Phòng đã được hình thành. Ngoài sự phát triển mạnh mẽ dạng hình tư bản tư nhân của người Pháp, thành quả kinh tế vận tải của những người Việt tại Hải Phòng thời kỳ thuộc Pháp cũng rất đáng nể. Có thể kể điển hình như doanh nhân Bạch Thái Bưởi gắn với công ty Giang Hải Luân, nổi danh cả nước về công nghiệp đóng tàu và vận tải hàng hải.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có hệ thống gần 40 cảng biển, với chiều dài cầu Cảng khoảng 12km (chưa tính quy mô phát triển trong tương lai), với đủ các dạng hình xếp dỡ như container, hàng dời, hàng lỏng…

Và đương nhiên, theo khái niệm đơn giản, “cảng” là nơi đầu mối dịch vụ cho xếp dỡ hàng hóa vận tải, thì hệ thống cảng càng phát triển, càng thể hiện rõ nét sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

          Lê Minh Thắng  (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông