Diễn đàn an ninh: Cần trang bị thêm nhiều kiến thức cho các cô dâu Việt

09:05 19/07/2019

Tuần vừa qua, dư luận trong nước và quốc tế đã bày tỏ phẫn nộ và lên án gay gắt hành vi bạo lực của người chồng Hàn Quốc 36 tuổi, sống tại Yeongam, tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc, đánh đập tàn nhẫn vợ người Việt trong suốt 3 giờ đồng hồ, ngay trước mặt con trai 2 tuổi.

Đoạn video ghi lại cảnh tượng trên được phát tán trên mạng làm rúng động dư luận Hàn Quốc và Việt Nam. Người vợ là nạn nhân bị đánh nứt xương sườn và chịu nhiều chấn thương khác.

Ngay sau đó, người chồng bạo hành vợ đã bị cảnh sát bắt khẩn cấp hôm 7-7 với tội danh gây thương tích nghiêm trọng và vi phạm luật Phúc lợi Trẻ em. Đáng nói, khoảng 10.000 người Hàn Quốc đã ký đơn kiến nghị yêu cầu giới chức xử phạt thật nặng hành vi "không thể chấp nhận được" của người chồng.

Người chồng Hàn Quốc (ở giữa) bị cảnh sát bắt sau khi hành hung vợ Việt hôm 4-7

Như vậy, vụ cô dâu Việt bị chồng đánh đập tàn nhẫn ở Hàn Quốc tuần qua cho thấy thực trạng đáng báo động về nạn bạo hành trong các gia đình có yếu tố ngoại quốc ở nước này.

Theo Bộ Tư pháp Hàn Quốc, nước này có 132.391 cô dâu đã được đăng ký là người nhập cư kết hôn tính đến tháng 12/2018, chiếm 1/10 tổng số người nước ngoài sống ở Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia với 920 người cho thấy 42,1% bị bạo hành gia đình, 38% bị lạm dụng thể chất, và gần 20% người được hỏi cho biết họ bị đe dọa bằng vũ khí.

Đáng nói, số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy có khoảng 6.000 người Việt kết hôn với người Hàn mỗi năm. Từ 2015, cô dâu Việt chiếm số lượng lớn nhất trong số cô dâu ngoại ở Hàn.

Báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc cho biết cứ 10 cô dâu nhập cư thì có 4 người bị chồng bản địa bạo hành, trong đó các hình thức bạo hành phổ biến nhất là xúc phạm bằng lời nói, cưỡng ép hoặc lạm dụng tình dục. Gần 20% nạn nhân cũng cho biết họ bị đe dọa bằng vũ khí. 19 người đã bị sát hại trong 10 năm qua.

Trước thực trạng đáng quan ngại trên, nhiều ý kiến đã chỉ ra nguyên nhân khách quan bắt nguồn từ việc xã hội có phần “trọng nam khinh nữ” đã khiến những người phụ nữ làm dâu tại Hàn Quốc dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, hệ thống nhập cư nơi đây cũng đẩy những người phụ nữ dễ rơi vào thế trở thành người phụ thuộc chồng, làm gia tăng bạo hành gia đình.

Về nguyên nhân chủ quan, tại hội thảo đánh giá chương trình giáo dục định hướng cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn trước khi sang Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018, nhiều chuyên gia cho biết: Phần lớn cô dâu Việt lấy chồng Hàn ở vùng quê, vì mục đích báo hiếu, muốn thay đổi hoàn cảnh sống của gia đình mà quên đi bản thân mình, không trang bị chút kiến thức giao tiếp gì.

Bên cạnh đó, cô dâu Việt cũng nên hiểu rằng cuộc sống ở Hàn Quốc không dễ dàng và hạnh phúc như tưởng tượng vì phải xa xứ, khác biệt ngôn ngữ và chịu sự phân biệt đối xử, đến khi “vỡ mộng” thì đã quá muộn…

Do đó, để hạn chế đến mức thấp nhất những trường hợp không mong muốn trong cuộc sống hôn nhân với người nước ngoài có thể xảy ra, các chuyên gia khuyến khích phụ nữ di cư theo diện kết hôn cần chủ động tham gia các lớp học hướng dẫn, tập huấn, tìm hiểu kĩ một số nội dung quan trọng trước khi lấy chồng nước ngoài như: phong tục tập quán, kỹ năng sống, gia đình, mang thai, việc làm, phương án xử lý bạo lực gia đình, thông tin pháp luật…

Ngoài ra, cần tập trung giảng dạy cho đối tượng phụ nữ di cư theo diện kết hôn về đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, kỹ năng sống, kiến thức tổ chức gia đình hạnh phúc.

Mặt khác, các chuyên gia khuyên cô dâu Việt nên tham gia những chương trình về phòng chống bạo lực gia đình để hiểu rõ rằng ngoài bị bạo hành thân thể, người vợ cũng có nguy cơ bị khủng bố tinh thần, lạm dụng tình dục hoặc bị khống chế tài chính.

Khi có vấn đề, các cô dâu Việt không nên giấu mà hãy mạnh dạn khai báo với cảnh sát hoặc các tổ chức bảo vệ nhân quyền, trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa và các tổ chức người Việt tại Hàn Quốc để được bảo vệ và giúp đỡ kịp thời.

Lâm Phong 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông