Điều tra doanh nghiệp năm 2023: Góp phần hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước

10:12 31/03/2023

Cùng với cả nước, từ ngày 1-4, Cục Thống kê Hải Phòng chính thức triển khai cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2023. Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng Lê Gia Phong, điều tra doanh nghiệp là một trong các cuộc điều tra thống kê quốc gia được thực hiện hằng năm nhằm thu thập các thông tin phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển doanh nghiệp. Kết quả của điều tra này còn được sử dụng để tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Bởi thế, Cục có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận để cuộc điều tra đạt kết quả cao nhất.

Cuộc điều tra quy mô lớn, toàn diện

Theo ông Lê Gia Phong, cuộc điều tra được tiến hành theo Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình điều tra thống kê quốc gia); và theo Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2023 do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành (Quyết định số 270/QĐ-TCTK ngày 7-3-2023).

Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của Hải Phòng thuộc diện điều tra doanh nghiệp 2023

Mục tiêu của cuộc điều tra là nhằm thu thập các thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã- liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương. Số liệu thu thập từ điều tra được sử dụng để tính một số chỉ tiêu quan trọng như: Chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) năm 2022, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê của các chuyên ngành kinh tế.

Kết quả từ điều tra doanh nghiệp năm 2023 cũng được dùng để biên soạn "Sách trắng doanh nghiệp năm 2023" và “Sách trắng hợp tác xã năm 2023”; cập nhật cơ sở dữ liệu làm dàn mẫu của các cuộc điều tra thống kê về doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác.

Điều tra doanh nghiệp năm 2023 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc tất cả các ngành trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VSIC 2018) trừ 3 ngành (do đối tượng điều tra không phát sinh trong các ngành này): Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh - quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc; Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế; hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình.

Cũng theo ông Lê Gia Phong, điều tra doanh nghiệp năm 2023 là cuộc điều tra thực hiện điều tra toàn bộ (áp dụng đối với toàn bộ doanh nghiệp nhằm thu thập thông tin cơ bản về thông tin định danh, ngành nghề sản xuất kinh doanh, lao động, kết quả sản xuất kinh doanh) kết hợp với điều tra chọn mẫu (áp dụng đối với các doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra nhằm mục đích mở rộng nội dung điều tra, phục vụ tính các chỉ tiêu chuyên ngành, giúp nâng cao chất lượng điều tra nhất là đối với các câu hỏi phức tạp, chuyên sâu).

Điều tra doanh nghiệp năm 2023 sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp thông qua hình thức thu thập thông tin trực tuyến. Các đơn vị điều tra thực hiện cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin thống kê).

Do tính chất quy mô không giống nhau nên các địa phương trong cả nước có thời gian tiến hành điều tra khác nhau. Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tiến hành từ ngày 1- 4-2023 đến hết ngày 31-7-2023. Các tỉnh, thành phố có số lượng từ 5.000 doanh nghiệp trở lên, thời gian

tiến hành từ ngày 1-4- 2023 đến hết ngày 30-6-2023. Các tỉnh, thành phố còn lại, thời gian tiến hành từ ngày 1-4-2023 đến hết ngày 30-5-2023.

Dự kiến kết quả chính thức của cuộc điều tra sẽ được công bố vào quý 2 năm 2024.

Bảo đảm chất lượng, tiến độ điều tra

Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng Lê Gia Phong cho biết thêm, để đáp ứng yêu cầu của cuộc điều tra quan trọng này, Cục đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố; thành lập tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp năm 2023; phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế; các ngành; các quận, huyện  trong quá trình triển khai điều tra. Đặc biệt, tập trung vào công tác rà soát doanh nghiệp trước khi chính thức tiến hành điều tra và tập trung tuyên truyền phổ biến chủ trương đến các doanh nghiệp.

Đối với cấp quận, huyện, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra như xây dựng kế hoạch, tuyển chọn, phân công nhiệm vụ cho điều tra viên theo danh sách doanh nghiệp được giao, chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện cuộc điều tra trên địa bàn và báo cáo đầy đủ với Tổ Thường trực chỉ đạo của thành phố. Cục Thống kê cũng tăng cường tuyên truyền về cuộc điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên các trang thông tin điện tử; gửi email tới doanh nghiệp; qua các hội nghị, hội thảo... nhằm tạo sự ủng hộ, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần vào thành công chung cuộc điều tra của cả nước.

Theo số liệu sơ bộ từ kết quả rà soát, đến thời điểm tháng 12-2022, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố là 22.592 doanh nghiệp. Cục Thống kê cũng đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư cung cấp danh sách doanh nghiệp thành lập mới (tăng mới) trong năm 2022 trên địa bàn thành phố. Qua đó chuẩn hóa danh sách trên 3.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong năm 2022 làm cơ sở cho danh sách nền trên địa bàn trước khi thực hiện rà soát.

Sản xuất tủ lạnh tại Công ty LG Electronics tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ

Để phục vụ cho công tác thu thập thông tin điều tra doanh nghiệp năm 2023, ngành Thống kê đã huy động hơn 200 điều tra viên được tập huấn chuyên sâu kỹ năng nghiệp vụ và có trình độ năng lực sử dụng thành thạo chương trình phần mềm kê khai thông tin trực tuyến.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thu thập thông tin của các cuộc điều tra Thống kê nói chung có một số khó khăn chủ quan cũng như khách quan.  Công tác thu thập thông tin trong điều tra thống kê hiện nay được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin. Theo đó, khâu thu thập thông tin được thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tuyến, doanh nghiệp cung cấp thông tin vào bảng hỏi điện tử trên website.

Đây là bước cải tiến đột phá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin, tiết kiệm thời gian, công sức. Để có được dữ liệu đầu vào tốt phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của các doanh nghiệp. Do đó, Cục Thống kê mong muốn doanh nghiệp cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn. Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng còn có một số vướng mắc vì đây là một trong những cuộc điều tra khó cả về tính chất phức tạp của thông tin thu thập, khó cả về tiếp cận đối tượng điều tra, với hàng chục loại phiếu áp dụng cho nhiều đối tượng doanh nghiệp và hợp tác xã khác nhau. Câu hỏi trong điều tra doanh nghiệp liên quan đến các nội dung về lao động, tài sản, vốn, doanh thu…, liên quan đến nhiều phòng ban chức năng của doanh nghiệp, thông tin có tính nhạy cảm.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thu thập thông tin, có nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng hợp tác, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp chiếu lệ, không đầy đủ, không chính xác, không kịp thời. Những vấn đề này cần sớm được chấn chỉnh để cuộc điều tra doanh nghiệp đạt kết quả tốt nhất, chính xác nhất góp phần  phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước.

Hiệp Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông