08:11 30/10/2017 Thật khó có thể tìm được từ ngữ nào diễn tả hết được vẻ đẹp của quê hương Việt Nam. Về với thôn Nhân Lý, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên những ngày này mới cảm nhận hết được vẻ yên bình, tĩnh lặng của một miền quê trù phú. Bên cạnh đó, nơi đây còn được biết đến với những khu di tích lịch sử, văn hóa từ ngàn xưa để lại như một minh chứng trung thực nhất với thời gian.
Chùa Nhân Lý thuộc địa phận thôn Nhân Lý, xã Cao Nhân, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương. Tên chùa Nhân Lý chính vì thế mà ra đời. Tuy nhiên theo tìm hiểu cũng như những hiện vật còn lưu giữ lại tại chùa, ngay trước sân tòa Phật điện có cây Thạch Đài hình trụ chữ nhật cao 1,50m phía trên tạo thành bệ đặt bát hương nhỏ, xung quanh khắc chìm chữ Hán “Linh Phúc Tự” vào niên đại Chính Hòa 16 thời vua Lê Hy Tông 1676.
Chùa “Linh Phúc” như thể hiện ước muốn tốt lành của chúng sinh trước cửa Phật, mong làm việc thiện, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống...
Cây Thạch Đài niên đại từ thời vua Lê Hy Tông 1676.
Chùa Linh Phúc thuộc môn phái Trúc Lâm, chùa được xây dựng trên khu đất cao ráo, xung quanh có lũy tre bao bọc. Mặt chính ngôi chùa quay về hướng Đông Nam giáp cánh đồng lúa ven bờ tả của dòng sông Cấm. Toàn bộ kiến trúc ngôi chùa kể cả đất nội và ngoại tự đều nằm độc lập, xa hẳn với làng xóm.
Gian Phật điện làm theo kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường. Không gian yên tĩnh, thoáng đạt hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên như làm cho ngôi chùa thêm phần uy nghiêm, cung kính. Chùa được nhà nước xếp hạng là khu di tích lịch sử văn hóa có giá trị vào năm 1992.
Cảnh sắc tuyệt đẹp gian Phật điện chủa Linh Phúc.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, chùa Linh Phúc vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật quý có giá trị như ba pho tượng Tam Thế, pho tượng A di đà, bộ đèn nến đỉnh đồng dùng để bài trí nơi Phật điện, đôi chóe sứ men xanh lam..., đặc biệt là quả chuông đồng cao 1,25m. Quai chuông là một đôi rồng lưng đấu vào nhau. Vẩy rồng, vuốt móng trông dữ tợn thể hiện phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỉ 19.
Tại vườn tháp của nhà chùa, đáng chú ý có chiếc tháp phía tả mang tên Phả Đồng Tháp, cao ba tầng, khoang to nhất của tháp có gắn bài minh bằng chữ Hán ghi “Cảnh Thịnh bát niên” tức năm 1801. Theo lời của cố hòa thượng Thích Thanh Thái cho biết đây là ngôi tháp thờ vị sư tổ đầu tiên trụ trì tại chùa Linh Phúc.
Nơi thờ các vị Sư tổ đã trụ trì tại chùa Linh Phúc.
Khuôn viên chùa Linh Phúc mang nhiều nét còn nguyên vẹn của một nơi tu hành nhưng vẫn gần gũi với khung cảnh đời thường, gắn bó với cuộc sống tín ngưỡng của người dân bản địa bao đời nay.
Giống như nhiều làng cổ trên địa bàn huyện Thủy Nguyên có tục thờ cúng các nhân vật thời Hùng Vương. Theo một số nhà nghiên cứu trước đây làng Nhân Lý có 3 ngôi miếu và 1 ngôi đình thờ ba nhân vật lịch sử khác nhau tuy nhiên do chiến tranh tàn phá 3 vị thành hoàng được nhân dân rước về phối thờ tại nhà thờ tổ của Chùa. Ba vị thành hoàng là: Quý Minh đại vương, Quảng Tế Hùng cư sĩ, Lôi Công. Theo ghi chép để lại, nơi thờ 3 vị mang kiến trúc cổ kiểu chữ Nhị, tòa kiến trúc quay cùng hướng với tòa Phật điện.
Cả ba vị thành hoàng trang phục mũ, đai... theo sắc phục thời Nguyễn thế kỉ 19, qua cốt cách tạo hình, hoa văn trang trí trên bệ, ngai rồng, các pho tượng mang sức sống thể hiện bàn tay điêu luyện của người thợ thời bấy giờ. Trải qua thời gian, ngôi đình được người dân nơi đây trùng tu, sửa chữa với quy mô bề thế như ngày nay.
Đình Nhân Lý ngày nay.
Trong suốt quá trình lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc, trải qua biết bao nhiêu biến cố lịch sử, với không gian u tịnh của cõi linh hòa với cảnh sắc yên bình, thoáng đạt của miên quê trù phú, nơi dân làng mở hội mùa xuân, Đình - chùa Nhân Lý đã và đang là địa chỉ thu hút khách thập phương về tham quan, thưởng ngoạn, là minh chứng lịch sử sống mãi với thời gian.
Hoàng Long
15:05 08/01/2025
16:26 06/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh