Định hướng phát triển phân ngành kinh tế rau màu

10:39 06/05/2019

Với đặc thù là địa phương ven biển, mùa du lịch Hải Phòng bắt đầu được khởi động vào tháng 4, nhưng thực sự bùng nổ từ tháng 5 hàng năm. Thời điểm này, khách du lịch khắp nơi đổ dồn về Hải Phòng, vừa để tham quan vừa thỏa mãn nhu cầu nghỉ mát. Chính vì vậy, việc tiêu thụ thực phẩm tươi sống cũng tăng đột biến, trong đó có các loại rau màu…

Các gian hàng siệu thị thiếu vắng nguồn rau, củ, quả Hải Phòng

Vẫn còn lúng túng

Rau, củ, quả… mà lâu nay được quen gọi là sản phẩm của ngành nông nghiệp rau màu, không phải thế mạnh của Hải Phòng. Tuy nhiên với dân số khoảng 2 triệu dân cùng hàng vạn người dân nhập cư, lượng tiêu thụ rau của Hải Phòng không thể coi là nhỏ. Chính vì vậy, dù ở góc độ sản xuất hay phân phối, sản phẩm rau màu thực sự xứng đáng là một tiểu ngành kinh tế trong cơ cấu chung.

Hải Phòng là thành phố công nghiệp, dịch vụ, nên tỷ lệ đất dành cho rau màu không lớn so với các địa phương lân cận. Hiện hầu hết các huyện ngoại thành Hải Phòng đều có vùng trồng, nhưng do tính chất xen canh nên diện tích mỗi thời điểm đều có sự thay đổi. Theo số liệu thống kê, trong vụ Đông nối giữa năm 2018-2019, toàn thành phố có khoảng 7.449ha rau màu được canh tác, trong đó rau các loại là 5.473ha, còn lại là diện tích trông các loại cây ngô, khoai lang, ớt, đậu…

Còn số liệu báo cáo mới nhất tính đến hết tháng 4-2019, trong tổng diện tích đất đang khai thác gieo trồng là 40.125,7ha, diện tích rau màu có khoảng 7.480ha.

Theo phản ánh của những người trồng rau, vụ đông-xuân năm nay thời tiết ấm nên một số loại rau mùa lạnh năng suất bị giảm. Nhiều loại rau mới được đưa trồng tại Hải Phòng cũng không gặp thuận lợi, như các giống bắp cải TN059, TN066, KKCross, đậu Co-ve leo, bí ngô xanh... Nguyên nhân khác được cho là ảnh hưởng của biến động thị trường, dẫn đến kết cấu nhiều vùng rau thay đổi, nên sản lượng các tỉnh lân cận cũng  bị ảnh hưởng. Đây là một trong những lý do khiến giá rau phân hóa, khiến giá một số loại đang mức khá cao.

Vấn đề đặt ra là, hiện tiểu ngành trồng rau màu vẫn gặp lúng túng vì quy hoạch định hướng chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh một số vùng canh tác được chuyên canh như trồng ớt, thuốc lào ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… nhiều bà con nông dân vẫn sản xuất thụ động theo dự báo thị trường nên dễ bị mất cân đối trong cơ cấu, dẫn đến giá trị giảm.

Chẳng hạn vùng rau Tú Sơn, Thụy Hương (Kiến Thụy), mọi năm chủ yếu trồng rau có lá, vụ đông vừa qua dồn diện tích vào khoai tây, thì giá khoai tây trên thị trường lại đạt thấp.

Mặt khác, tính kết nối giữa nhà sản xuất với thị trường chưa đủ mạnh để tạo sự chủ động cho người dân. Việc tiêu thụ năm nay cũng vậy, rau được phân phối chủ yếu vẫn thông qua các thương lái nhỏ lẻ, còn kênh phân phối lớn như các siêu thị hầu như không trực tiếp nhập rau tại Hải Phòng. Điều này rất cần sự điều chỉnh mang tính vĩ mô, mà chỉ có các nhà quản lý mới có thể định hướng, ví dụ việc đánh giá thị trường tiêu thụ mùa du lịch để phân loại và quy hoạch giúp bà con nông dân, thiết nghĩ cũng là một ví dụ.

Hướng mở cho phát triển

Hiện nay, thị trường rau thành phố được hình thành 3 nguồn chính: nguồn tại chỗ từ các vùng trồng của thành phố; nguồn lân cận từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Thái Bình; phần còn lại cơ bản được nhập từ Trung Quốc và một số tỉnh phía Nam. Trong đó nguồn tại chỗ chủ yếu là rau có lá, nguồn các tỉnh lân cận tương đối đầy đủ các dạng rau, còn nguồn từ phía Nam và Trung Quốc lại nghiêng về các loại củ quả có thể bảo quản ở môi trường tự nhiên lâu hơn.

Thị trường rau khu vực truyền thống còn bất cập trong định hướng

Diễn biến thị trường mấy năm gần đây cho thấy, giá rau xanh thường tăng giảm phụ thuộc rất nhiều vào mùa vụ. Tuy nhiên năm nay tình hình có vẻ đổi khác, tính từ tết Nguyên đán đến nay giá rau ở mức khá cao so với mọi năm, đặc biệt loại nhập ngoài tăng gấp nhiều lần. Kể từ đầu tháng 4, khi lễ hội làng cá Cát Bà được tổ chức, khởi đầu cho mùa du lịch 2019, rau xanh các loại bắt đầu được tăng cường tiêu thụ.

Kinh nghiệm cho thấy, dù không sôi động như dịp tết Nguyên đán truyền thống, nhưng bắt đầu từ tháng 4 hàng năm cũng được coi là điều kiện lý tưởng cho việc tiêu thụ rau xanh, bởi lẽ đây là thời điểm mùa du lịch ở Hải Phòng trùng với mùa nắng nóng, các loại rau đều được ưa chuộng.

Trong sinh hoạt hàng ngày, tỷ lệ của rau màu chiếm không lớn về giá trị kinh tế trong cơ cấu bữa ăn, nhưng như đã nói ở trên, nếu tính tổng cả nguồn cung cho thị trường hơn 2 triệu dân của Hải Phòng là không hề nhỏ. Trong khi đó thực trạng sản xuất rau của thành phố chưa thể giành thế chủ động, để thị trường cơ bản vẫn vận động theo sự điều chỉnh mang nhiều yếu tố ngoại lai.

Mới đây, khi Tập đoàn Lavifood khởi động dự án xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả (dự kiến đặt tại huyện Tiên Lãng), vấn đề quy hoạch vùng rau càng được chú ý. Bởi nếu dự án của Lavifood thành hiện thực, thì nguồn rau không chỉ đóng vai trò phục vụ sinh hoạt, mà còn là nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến. Như vậy, yếu tố kinh tế ngành của rau màu Hải Phòng càng rõ nét.

Thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Đáng chú ý từ  tháng 7-2017, tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND, về “cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp…”.

Trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, tuy nhiên ngoại trừ Vineco (Vĩnh Bảo) chuyên canh rau theo công nghệ hiện đại, còn lại hầu hết các mô hình tập trung khác vẫn là vật nuôi và cây công nghiệp. Được biết gần đây, ngành NN&PTNT được giao xây dựng Đề án phát triển sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, chủ trương phát triển các vùng trồng rau, quả tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng diện tích trồng rau, quả lên 17.500 ha, tương ứng sản lượng 600.000 tấn vào năm 2025. Đề xuất 6 cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất rau, quả, cụ thể là:

Hỗ trợ cải tạo đất, chuyển đổi sản xuất; hỗ trợ giống và vật tư thiết yếu; hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và chứng nhận chất lượng sản phẩm; hỗ trợ tổ chức quản lý sản xuất, thu mua sản phẩm; hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất tập trung. Đồng thời hình thành các vùng sản xuất tập trung, an toàn thực phẩm; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng vượt trội, đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và xuất khẩu.

Với hướng tiếp cận này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan, kỳ vọng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp sẽ đạt 0,8 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; hiệu quả kinh tế tăng 6 đến 10 lần so với sản xuất hiện nay. Như vậy có thể thấy, cùng với việc đầu tư định hướng phát triển trên các mũi nhọn khác, rau màu đang đứng trước cơ hội lớn, thực sự trở thành một phân ngành quan trọng trên bản đồ kinh tế thành phố trong thời gian không xa.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông