60 năm giữ gìn, phát huy những giá trị của cải lương Hải Phòng

15:46 20/09/2019

Đã hơn nửa thế kỷ, dù trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống nhưng ngọn lửa đam mê với nghệ thuật cải lương, với những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc luôn rực cháy trong trái tim của những con người này. Họ là những cán bộ, nghệ sĩ diên viên Đoàn Cải lương Hải Phòng…

Một số cảnh diễn trong với “Thất lạc giữa gia đình” của Đoàn Cải lương Hải Phòng tham gia tại Liên khoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018

Đoàn cải lương Hải Phòng được thành lập thành lập vào năm 1959 theo quyết định của UBND TP Hải Phòng trên cơ sở sát nhập 4 đoàn, bao gồm Đoàn Cải lương Kim Phượng, Phượng Hoàng, Kim Thành, Việt Hồng với tên gọi là đoàn Cải Lương Phương Đông. Năm 1970, được Ủy ban hành chính thành phố quyết định lấy tên là Đoàn Cải lương Hải Phòng.

Trong suốt 60 năm qua với 6 thế hệ, Đoàn Cải lương thành phố dù ở đỉnh cao của nghệ thuật và vinh quang hay phải trải qua những khó khăn, vất vả, nhưng hơn 200 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên vẫn luôn chung sức, chung lòng, tâm huyết, lăn lộn với nghệ thuật cải lương để có thể cống hiến cho khán giả những chương trình, vở diễn tốt nhất không chỉ có chiều sâu của nội dung tư tưởng, mà còn mang giá trị nghệ thuật cao.

Đó cũng là cách mà anh em cán bộ, nghệ sĩ của Đoàn gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp của nghệ thuật, văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

Trong chừng ấy thời gian, Đoàn Cải lương Hải Phòng đã đi biểu diễn phục vụ nhân dân ở nhiều nơi.  Đặc biệt, anh em cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đoàn từng có mặt nhiều lần trên tuyến lửa trong những năm Chiến tranh chống Mĩ.

Trong khói bom đạn lửa, trong sự thiếu thốn, đầy gian khó, khắc nghiệt của chiến tranh, họ vẫn “hồn nhiên” mang lời ca, tiếng hát để phục vụ nhân dân nơi hậu phương cũng như các chiến sĩ trên mặt trận.

Từ đó, góp phần động viên, tạo hậu phương vững chắc và tiếp lửa cho người chiến sĩ thêm vững cây súng trên chiến trường, tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên những mùa xuân của ngày hôm nay.

Được biết, những tháng năm đó, Đoàn đã dàn kịch mục biểu diễn gồm 34 vở. Những vở chủ yếu như "Kêu cứu", "Đời cô Lựu", "Tô Ánh Nguyệt", "Dệt gấm", "Kiều" (3 hồi), "Hoàng Hoa Thám", "Tống Trân Cúc Hoa", "Triệu Trinh Nương", "Lý Thường Kiệt", "Hoàng tử Priêm và nàng Sita", "Lôi Vũ"...

Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn Cải lương Hải Phòng Hoàng Văn Thọ chia sẻ: Những năm 1986-1990 có thể coi là thời kỳ “hoàng kim” của nghệ thuật cải lương Hải Phòng. Ngày ấy, hầu như ngày nào nhà hát cũng sáng đèn, Đoàn thường diễn 1-2 chương trình trong ngày. Dù thời gian đó, đời sống anh em nghệ sĩ, diễn viên còn nhiều khó khăn nhưng vô cùng hạnh phúc, tự hào về nghề nghiệp vì được đông đảo khán giả yêu mến, trân trọng. Các chương trình biểu diễn, Đoàn thường bán vé trước hàng tháng. Khi Đoàn tổ chức biểu diễn, các Nhà hát Tháng Tám, Công đoàn, Sông Cấm lúc nào cũng ăm ắp khán giả. Nhất là có chương trình Đoàn biểu diễn ở sân khấu ngoài trời, không chỉ ở các quận huyện trên địa bàn thành phố mà ở nhiều tỉnh thành phố lân cận đều thu hút đến 2.000-3.000 khán giả.

Vui nhất là sau khi diễn được nhiều khán giả mến mộ xin gặp để hỏi thăm, tặng quà. Những món quà rất giản dị như chiếc khăn mùi xoa, chiếc bánh xà phòng thơm hoa hồng của Đức… nhưng lại chứa đựng nhiều tình cảm chân thành. Đó là những kỉ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm nghề của người nghệ sĩ-Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn Cải lương Hải Phòng Hoàng Văn Thọ trải lòng.

Tuy nhiên hiện nay, với sự canh tranh khốc liệt của nhiều loại hình văn hóa, nhiều kênh thông tin, giải trí, nghệ thuật cải lương đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

Phó trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy cho biết: Khó khăn hiện nay của Đoàn trong nhiều năm qua là cơ sở vật chất đang xuống cấp. Dù được thành phố cũng như Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm nhưng sự đầu tư về cơ sở vật chất chưa được đồng bộ nên ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn, chương trình biểu diễn nên không thu hút được sự  quan tâm của khán giả. Về con người, hiện nay Đoàn có 21 người, trong đó lực lượng diễn viên, nghệ sĩ lớn tuổi (trên 50 tuổi) chiếm đến khoảng 40%, chủ yếu là các nghệ sĩ ở lứa tuổi 40, trong khi lớp trẻ chỉ có 2-3 người. Vì vậy, Đoàn không chỉ khó khăn về lực lượng biểu diễn mà còn rất hạn chế về lớp diễn viên, nghệ sĩ kế cận sau này .

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng điều đáng quý, tập thể cán bố, nghệ sĩ diễn viên Đoàn Cải lương luôn có nhiều cố gắng trong sáng tạo nghệ thuật để tạo ra hiệu quả đích thực, với nhiều vở diễn, vai diễn thành công, tạo nên bức tranh đẹp mang những nét riêng của sân khấu Hải Phòng trong hơn nửa thế kỷ qua.

Được biết từ 1959-2018, Đoàn Cải lương Hải Phòng đã dàn dựng 136 vở diễn, với các vở diễn kinh điển có tiếng vang lớn, khẳng định được vị trí của Đoàn trong làng cải lương cả nước với những tác phẩm như: “Kêu cứu”, “Tiền và nghĩa”, “Hòn đất”, “Biển bờ”, “Đen đỏ mặt người”….

Đoàn đã biểu diễn trên 80 nghìn buổi, thu hút trên 10 triệu khán giả. Cùng với đó, Đoàn đã tham dự nhiều Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp các tỉnh phía Bắc, đoạt được nhiều huy chương cao quý.

Gần đây nhất, năm 2015, Đoàn tham gia Cuộc thi Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp Toàn quốc tại tỉnh Bạc Liêu với vở “Đen -Đỏ mặt người” đoạt 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc cho cá nhân.

Năm 2018, Đoàn tham gia Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp Toàn quốc tại tỉnh Long An với vở “Thất lạc giữa gia đình” đoạt 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc cho cá nhân…

Từ những kết quả đạt được, Đoàn Cải lương Hải Phòng đã được phong tặng nhiều danh hiệu cao  quý. Trong đó, 4 nghệ sĩ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, 10 nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng NSƯT.

Năm 2007, Đoàn vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba và năm 2014 trao tặng hạng Nhì. Đoàn luôn tự hào vì Cải lương Hải Phòng là đoàn mạnh nhất của sân khấu cải lương miền Bắc.

Nghệ sĩ Kim Oanh, Đoàn Cải lương Hải Phòng tâm sự: Chị về Đoàn từ năm 1995. Ngày đó, chị còn rất trẻ, mới chỉ là cô bé 16 tuổi. Được tiếp cận với những nghệ sĩ không chỉ là cây đa, cây đề của cải lương Hải Phòng mà còn là nghệ sĩ nổi tiếng được cả nước biết đến như NSND Phi Nga, NSƯT Thu Huyền, Thanh Tùng, Lê Hải, cố nghệ sĩ Mạnh Hải… chị thấy vô cùng ngưỡng mộ và hạnh phúc, nhất là đã học hỏi được rất nhiều từ các nghệ sĩ. Đến nay đã 24 năm, chị vẫn luôn gắn bó, coi Đoàn như gia đình của mình. Vì vậy, kể cả trong khó khăn, chị cũng như anh em nghệ sĩ của đoàn vẫn luôn tâm huyết với nghề, cố gắng phấn dấu, trau dồi nghề nghiệp, gắn bó với sân khấu cải lương.

Chia sẻ về những định hướng trong tương lai, Phó trưởng đoàn Cải lương Hải Phòng Vũ Gia Thùy cho biết: Với tình yêu đối với nghệ thuật cải lương, Đoàn cải lương Hải Phòng càng ngày càng nỗ lực hơn nữa để khẳng định tên tuổi, cũng như mang nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với đông đảo công chúng, khán giả cũng như khách du lịch trong và ngoài thành phố... Mặt khác, chú trọng tới công tác đào tạo, xây dựng các lớp kế cận cho cải lương Hải Phòng.

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông