11:03 14/10/2024 Năm 2024 đánh dấu 70 năm thành lập và phát triển Đoàn Chèo Hải Phòng. Là một trong những đoàn nghệ thuật được thành lập sớm ngay sau khi hào bình lặp lại, Đoàn Chèo Hải Phòng không chỉ được người dân thành phố Cảng mà còn được đông đảo cán bộ, nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước yêu mến. 70 năm, chặng đường đó các lớp nghệ sĩ, diễn viên luôn nỗ lực gìn giữ và phát huy nghệ thuật Chèo phố Cảng đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Ngày 15-10-1954, Ban Tuyên huấn Khu ủy Tả Ngạn ra quyết định thành lập Đội Văn công Sông Hồng. Ngay sau đó đổi thành Đoàn Văn công nhân dân Tả Ngạn, rồi Đoàn Chèo nhân dân khu Tả Ngạn. Đây là một đặc điểm quan trọng hình thành một phong cách nghệ thuật của Đoàn.
Khu Tả Ngạn bao gồm các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Kiến An. Vì vậy, Đoàn được kết hợp hài hòa, tinh tế giữa Chiếng Chèo Đông và Chiếng Chèo Nam, hội tụ được đông đảo lớp nghệ sĩ tài năng trong một phạm vi rộng lớn.
Tháng 8-1963, Đoàn Chèo Tả Ngạn trực thuộc thành phố Hải Phòng sát nhập với Đoàn Chèo Kiến An, từ đó mang tên Đoàn Chèo Phòng. Từ những thập kỷ 60, Đoàn còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như con người, nhưng với tình yêu với nghệ thuật chèo, Đoàn đã bám sát nhiệm vụ chính trị, biểu diễn ở nhiều nơi, mang lời ca, tiếng hát, điệu chèo đến các vùng miền nông thôn cho đến thành thị để phục vụ bà con nhân dân.
Hưởng ứng phong trào thi đua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với khẩu hiệu “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, trống Bắc Lý, cờ Ba Nhất”, năm 1966-1973 toàn đất nước chuyển sang thời chiến, đội ngũ văn nghệ sĩ của Đoàn được phân công đến từng nhà máy, xí nghiệp, các cùng miền nông thôn, hải đảo, tiền tiêu của tổ quốc, từng trận địa phòng không trọng điểm mà giặc Mỹ bắn phá để biểu diễn, động viên bà con nông dân, anh em công nhân, chiến sĩ hăng say lao động, sản xuất và chiến đấu.
Trưởng đoàn Đoàn Chèo Hải Phòng Nguyễn Văn Vận cho biết: Khi mới thành lập, Đoàn chỉ vẻn vẹn 16 thành viên. Chỉ 3 năm sau đó, năm 1957, Đoàn đã phát triển nhanh chóng, có tới 40 người và từ năm 1960-1964, số lượng biên chế lên đến 60 người. Điều đáng quý là đội ngũ diễn viên, nhạc công được truyền dạy từ các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, tiếp thu được những tinh hoa của nghệ thuật Chèo từ trung ương tới các địa phương.
Đặc biệt, Đoàn luôn có một đội ngũ sáng tạo nghệ thuật tài năng, từ tác giả và đạo diễn đàn anh Phan Tất Quang đến tác giả Trần Đình Ngôn, đạo diễn Nguyễn Công Mỹ, Vũ Tiến Đĩnh, Xuân Tạo, nhạc sĩ Khắc Mâu, họa sĩ Văn Quát, Lê Quân… đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển nghệ thuật chèo nói chung, Đoàn Chèo nói riêng. Bên cạnh đó phải kể đến những đóng góp to lớn cho các tác phẩm là các nhạc công tài năng như cụ Nhương, cụ Dầu, cụ Thú, cụ Biên, Đông Gian, Tuấn Ái, Văn Diệu, Quốc Việt, Quang Mây….
Bước sang thập niên 80, Đoàn Chèo thu hút một thế hệ diễn viên được đào tạo bài bản từ các trường trung ương đến địa phương như NSƯT Văn Bình, Anh Thìn, Trung Đức, Thu Dậu, Thanh Quý, nghệ sĩ-đạo diễn Lại Đình Ngọc, biên đạo múa - NSƯT Lê Thị Hồng Minh, NSƯT Trường Thành, Lê Trung Phương, Mạnh Hùng…
Trong 70 năm, đoàn đã xây dựng, diễn hàng trăm vở, trong đó có nhiều vở tạo được tiếng vang lớn, được nhiều khán giả yêu mến, tín nhiệm, khẳng định được vị thế của nghệ thuật chèo Hải Phòng trên cả nước.
Từ năm 1970-2005 nghệ thuật chèo Hải Phòng với nhiều dấu ấn qua các tác phẩm như: Người con gái sông Cấm, Trần Thành Ngọ, Bài ca chính khí, Tầm vóc đại hồng… đã được các nhà chuyên môn, lãnh đạo đương thời đánh giá về dụng ý nghệ thuật chẳng khác nào “binh đoàn xuất trận”.
Nghệ thuật Chèo mang phong cách công nhân Hải Phòng, tiết tấu nhanh gọn văn minh nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp của chèo truyền thống dân gian, giữ được giá trị nghệ thuật và phát triển không ngừng ở thời đại công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc và trong hòa bình xây dựng thành phố ngày hôm nay.
Trong đó phải kể đến, năm 2019 Đoàn đã dàn dựng thành công vở chèo “Hào khí Bạch Đằng Giang”. Đây là vở chèo thuộc đề tài lịch sử, ca ngợi những chiến công to lớn của người Hải Phòng trong trận chiến tiêu diệt quân Nguyên Mông lần thứ 3 trên sông Bạch Đằng.
Vở đã đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tác về thành phố với đề tài “Hải Phòng khát vọng vươn lên”, đoạt giải Xuất sắc về đề tài lịch sử tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 tại Bắc Giang, giành 2 Huy chương Vàng cá nhân cho NSƯT Thanh Bình, NSƯT Thùy Dung; 3 Huy chương Bạc cá nhân cho NSƯT Thanh Mai, NSƯT Văn Mởn, nghệ sĩ trẻ Thùy Dương và 1 giải biên đạo múa xuất sắc cho NSƯT Lê Thị Hồng Minh.
Cùng với đó, Đoàn đã dàn dựng thành công vở chèo dân gian “Phúc Đức tại tâm”, các vở Ông Vua hóa hổ, Của thiên giả địa, Thạch Sùng, Đồng tiền Vạn lịch, Mục niên tôn giả…
Mới đây, ngày 22/9/2024 vừa qua, Đoàn Chèo Hải Phòng đã xuất sắc nhận giải thưởng Đào Tấn- Giải thưởng dành cho các cá nhân, tập thể có những cống hiến tiêu biểu, xuất sắc; những sáng tạo không ngừng nghỉ trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, bao trùm trên nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Trong đó, vở diễn “Mưa đỏ” của Đoàn Chèo Hải Phòng nhận giải thưởng “Vở diễn xuất sắc”.
Năm 2022, Đoàn chèo Hải Phòng xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 vở diễn “Vang bóng một thời”. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ, diễn viên cũng giành nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tham gia các vở diễn. Trong đó, Phó Trưởng Đoàn Chèo Hải Phòng Trần Quốc Kiên vai viên quản ngục; NSƯT Thanh Bình vai Huấn Cao giành Huy chương Vàng. NSƯT Văn Mởn vai Phạm Triểu, Nghệ sĩ Thùy Dương vai Bà Tâm, NSƯT Thùy Dung vai mẹ Bột giành Huy chương Bạc tại Liên hoan.
Năm 2023, Đoàn Chèo Hải Phòng đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc phục vụ kiều bào đang sinh sống, làm việc tại Cộng hòa Séc và Cộng hòa Liên bang Đức. Chuyến lưu diễn thành công để lại dấu ấn tốt đẹp, sâu sắc, khó quên trong lòng khán giả quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam đến bạn bè nước ngoài, đồng thời mang hương vị quê nhà tới bà con Việt Nam sinh sống và làm việc xa quê hương.
Trong thời đại ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các loại hình nghệ thuật, dịch vụ giải trí hiện đại, các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng với tình yêu, niềm đam mê với nghệ thuật chèo, tập thể cán bộ, diễn viên, nhạc công Đoàn Chèo Hải Phòng vẫn luôn mong muốn được cống hiến, được cháy hết mình trên sân khấu để bảo tồn, phát huy những giá trị đẹp đẽ của văn hóa dân tộc hôm nay và cho ngày mai.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ suốt 70 năm qua, Đoàn chèo Hải Phòng vinh dự được Nhà nước trao tặng 01 Huân Chương Lao động Hạng Nhì , 04 Huân chương Lao động hạng ba, 01 Huân Chương Chiến công giải phóng.
Chặng đường 70 năm đầy thử thách và Vinh quang đã minh chứng cho sự cống hiến của Đoàn Chèo Hải Phòng vào nền nghệ thuật nước nhà. Các tác phẩm của Đoàn đã góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc Văn hóa dân tộc. Những đóng góp của các thế hệ Lãnh đạo, cán bộ, nghệ sĩ diễn viên, nhạc công người lao động của Đoàn đã góp phần và ghi dấu vào các tác phẩm có giá trị đạt nhiều giải thưởng cao quý của nhà nước. Tiếp nối vào sự tự hào và khát khao cống hiến nghệ thuật. Đoàn Chèo Hải Phòng không ngừng phấn đấu, phát triển, xứng đáng là một trong những đơn vị nghệ thuật được thành lập sớm nhất, một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt nam.
VŨ DUYÊN
16:26 06/01/2025
15:01 05/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh