Đoàn Chèo Hải Phòng: Khai trương vở diễn “Dòng sông ân nghĩa”

13:46 15/03/2023

Chiều 14-3, Đoàn Chèo Hải Phòng tổ chức khai trương vở diễn “Dòng sông ân nghĩa”. Chương trình nghệ thuật thuộc Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng số phát sóng tháng 4/2023

Vở diễn được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao; Đoàn Chèo Hải Phòng chủ trì thực hiện với êkip gồm: Tác giả Đỗ Hồng Sơn, Đạo diễn NSND Tự Long, Âm nhạc NSƯT Phạm Vương,…cùng tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng thể hiện.

Nội dung vở diễn nhằm ca ngợi tài trí, công đức của Thái úy Tô Hiến Thành, người con sinh ra và lớn lên từ quê hương Vĩnh Bảo. Theo sách “Địa chí Hải Phòng”, dưới thời nhà Lý, Thái úy Tô Hiến Thành được Triều đình cử về huấn dụ quan lại địa phương và chúng dân huyện Vĩnh Lại (thuộc phủ Ninh Giang) đắp đê biển ngăn mặn, chống bão, tạo nên con đê bao bọc quanh cả huyện.

Sau khi ông mất, người dân Vĩnh Lại (huyện Vĩnh Bảo ngày nay) ghi công, phong ông làm Thành hoàng và đưa vào phụng thờ tại đình làng Cổ Am.

Đạo diễn vở diễn NSND Tự Long phát biểu tại Lễ khai trương

Sau hàng trăm năm biến cố của lịch sử, thời tiết biến đổi, nước biển ngày càng xâm lấn mạnh hơn, đê biển bị nước mặn tràn vào, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất ngày càng cấp bách. Mùa khô thì cạn, mùa mưa thì ngập úng, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ, đời sống người dân trong huyện muôn vàn khốn khó.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất ấy, chàng trai đất học Cổ Am Đào Trọng Kỳ (1839 – 1914) quá hiểu nỗi cơ hàn mà người dân nơi đây gánh chịu. Ông gắng gỏi học hành, mưu cầu đỗ đạt để giúp dân, giúp nước. Năm 1864 ông đỗ cử nhân và làm quan Triều đình Huế dưới thời Vua Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái.

Năm 1869 được Vua Tự Đức bổ nhiệm Hành tẩu, năm 1871 được thăng chức Hàn lâm Tu soạn. Năm 1887, Vua Đồng Khánh bổ nhiệm chức Hàn lâm Thị độc. Năm 1890 ông được Vua Thành Thái bổ nhiệm Tổng đốc Nam Định, sau đó là Tổng đốc Sơn Tây phụ trách một số tỉnh phía Bắc.

Ghi nhận tài năng và cống hiến của ông, Triều đình đã phong ông những phẩm hàm cao quý Vinh lộc Đại phu, Hiệp tá Đại học sĩ, Tướng công. Năm 1900, khi 61 tuổi, ông được Vua Thành Thái ban nghỉ hưu.

Quang cảnh Lễ khai trương

Về trí sĩ tại quê nhà, ông tận mắt chứng kiến đồng quê tiêu điều, kiệt quệ vì thiên tai, đời sống dân tình vẫn khổ. Nặng lòng đau đáu nỗi thương dân, cùng với tài năng và đức độ hơn người, Tổng đốc Đào Trọng Kỳ quyết làm việc “kinh thiên động địa”.

Có bao nhiêu tiền bạc tiết kiệm mấy chục năm làm quan và bổng lộc, vườn ruộng Vua ban, ông công đức cho dân, tìm bạn hữu và người thân dồn hết tâm sức vào việc kiến tạo dòng sông “dẫn thủy nhập điền” chạy dọc huyện Vĩnh Bảo có tên là sông Chanh Dương ( chảy từ thôn Chanh Chử (xã Thắng Thủy) xuống đến xã Trấn Dương giáp biển). Dài 23 km, rộng 40 m, sâu 4m, một công trình thủy nông vĩ đại của huyện Vĩnh Bảo lúc bấy giờ.

Việc làm của ông đã được nhân dân Vĩnh Bảo kính trọng tôn thờ. Năm 1938, cử nhân Vũ Văn Nhạ khi về nhậm chức Tri huyện Vĩnh Bảo được tận mắt chứng kiến tấm lòng tri ân của người dân Vĩnh Bảo đối với quan Tổng đốc, Tri huyện đã cùng các bậc cao niên, hào lý và dòng tộc Đào Trọng (Cổ Am) lập nhà bia tưởng nhớ công trạng của Người. 

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông