08:32 21/05/2024 Sáng 20- 5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 khai mạc. Đây là một kỳ họp quan trọng, tiếp tục phản ánh tinh thần đổi mới trong các hoạt động của Quốc hội, được cử tri và nhân dân Hải Phòng cũng như cả nước đặc biệt quan tâm, chờ đón với sự phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng. Đáp lại sự tin tưởng đó, các đại biểu Quốc hội Hải Phòng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, có sự chuẩn bị chu đáo tất cả các nội dung liên quan tới kỳ họp, đặc biệt sẽ phản ánh tại diễn đàn Quốc hội nhiều vấn đề xuất phát từ thực tiễn phát triển của Hải Phòng.
Kỳ họp xem xét nhiều nội dung quan trọng
Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15 khai mạc ngày 20-5, dự kiến bế mạc ngày 27-6, được chia làm 2 đợt và họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết.
Trong đó, có nhiều dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng như Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp).
Cùng với đó là các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 11 dự án luật khác như Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân;Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đồng thời, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; các dự án trọng điểm; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện công tác nhân sự...
Theo Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Lã Thanh Tân, trọng trách của Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này rất nặng nề, không chỉ liên quan tới năm 2024; 2025 mà là kế hoạch dài hơi trong những năm tới, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng, sâu sắc, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu Quốc hội.
Mang tới diễn đàn Quốc hội nhiều vấn đề từ thực tiễn phát triển của Hải Phòng
Để chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cấp, các ngành góp ý vào các dự án Luật được thông qua và cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7. Đáng chú ý, đoàn có nhiều đổi mới trong hoạt động, lấy hiệu quả là mục tiêu.
Cụ thể, trong tiếp xúc cử tri, đoàn tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri trực tiếp tại các địa phương và nối trực tuyến tới điểm cầu các xã, thị trấn tại huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy… Đồng thời tổ chức cuộc làm việc với thường trực HĐND, UBND thành phố; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo các ngành, các đơn vị ghi nhận nhiều nội dung, ý kiến trực tiếp đóng góp vào các dự thảo Luật và các vấn đề liên quan tới phát triển KTXH, giữ vững QPAN xuất phát từ thực tiễn tại Hải Phòng.
Trong việc lấy ý kiến tham gia vào các dự án Luật, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với Hiệp hội Vận tải Hải Phòng về dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, thu nhận nhiều ý kiến chuyên môn sâu sắc. Ngoài ra, Đoàn có nhiều hình thức lấy ý kiến tham gia vào các dự án Luật bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, qua hội nghị và qua góp ý bằng văn bản của các ngành liên quan.
Đoàn tổ chức các đợt giám sát chuyên đề về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023; về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023; về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023; tổ chức khảo sát về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hải Phòng...
Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội cho biết, nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới sự phát triển của Hải Phòng được Đoàn tiếp thu, tổng hợp mang tới diễn đàn kỳ họp thứ 7. Cụ thể là những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị, bao gồm 21 nội dung vướng mắc ở 8 lĩnh vực; 26 nội dung kiến nghị thuộc 14 nhóm lĩnh vực gửi tới Quốc hội, Chính phủ và 12 Bộ, ngành Trung ương.
Cùng với đó là một loạt các vấn đề khác như tháo gỡ khó khăn trong phát triển điện gió tại Hải Phòng; chấp thuận cho Hải Phòng được đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn mà không phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60%; sớm phê duyệt các KCN mới cho thành phố; tăng cường phân cấp cho thành phố được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư hạ tầng KCN…
Về giao thông, Hải Phòng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tập trung các nguồn vốn và thực hiện thủ tục đầu tư một số công trình quan trọng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng như các bến tiếp theo Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; các dự án cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng; đường cao tốc Ninh Bình- Hải Phòng; các cảng khu vực nam Đồ Sơn; Văn Úc…
Đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia năm 2021- 2025. Trong đó, quan tâm bổ sung thêm một số chỉ tiêu sử dụng đất cho thành phố đã được phân bổ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Với Bộ Công Thương, Hải Phòng đề nghị sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển trung tâm logictics; xây dựng trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ Vùng đồng bằng sông Hồng đặt tại Hải Phòng…
Hải Phòng mong muốn Quốc hội, Chính phủ tăng mức phân bổ vốn đầu tư công hàng năm để thực hiện các dự án trọng điểm, tăng cường vai trò động lực phát triển của Hải Phòng; cho phép sử dụng linh hoạt nguồn quỹ cải cách tiền lương…
Theo lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, các vị đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, chú trọng hơn việc nghiên cứu kỹ tài liệu, nắm bắt tình hình thực tế để nâng cao chất lượng nội dung phát biểu, tập trung phân tích, đánh giá, kiến nghị các giải pháp thiết thực vì quyền lợi của nhân dân và các vấn đề liên quan tới sự phát triển của thành phố, đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên họp, góp phần tích cực vào thành công chung của kỳ họp./.
Hồng Thanh
20:38 22/12/2024
15:50 22/12/2024
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết