11:18 31/05/2023 Chiều 30-5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, Quốc hội thảo luận tổ về 2 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng tham gia thảo luận ở tổ 4 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Cà Mau.
Đa số ĐBQH cho rằng, việc ban hành Nghị quyết bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND được thực hiện nghiêm túc, khách quan, minh bạch, đúng pháp luật. Tuy nhiên, cần bổ sung nguồn thông tin với người được lấy phiếu tín nhiệm, làm cơ sở cho việc đánh giá toàn diện hơn.
Liên quan đến quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND, tại Khoản 2, Điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định: người được lấy phiếu tín nhiệm gửi Báo cáo, Bản kê khai tài sản, thu nhập, Báo cáo giải trình (nếu có) theo mẫu..., một số ĐBQH cho rằng, để có thông tin cho việc bỏ phiếu thì quan trọng nhất là các đại biểu phải có thông tin nhiều chiều chứ không chỉ là báo cáo.
Do đó, cần bổ sung báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ Việt Nam hoặc báo cáo việc giải quyết kiến nghị các của các đoàn giám sát, kể cả Đoàn ĐBQH và HĐND... để cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu. Bởi, việc bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những chế tài để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành, các cấp nên cần có cơ sở để việc đánh giá toàn diện hơn.
Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 12), dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Theo nhiều đại biểu, vẫn nên quy định theo hướng, trường hợp có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì có cơ chế để cán bộ có thể chủ động xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mới trình Quốc hội, HĐND xem xét miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó. Bởi, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để “tự soi”, “tự sửa” cũng như tạo cơ hội để cán bộ khi có khuyết điểm, vi phạm thì tự động làm đơn xin thôi giữ nhiệm vụ, xin từ chức.
Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, đa số đại biểu đồng tình nhưng kiến nghị cần ban hành những cơ chế thực sự đặc thù, vượt trội mới có thể có tác động thúc đẩy sự phát triển của trung tâm kinh tế, đầu tàu của cả nước.
Đại biểu Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng nêu rõ, Bộ Chính trị đã có chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Hiện nay, ở một số địa phương cũng đã thể chế chủ trương này của Bộ Chính trị trong các quy định của cấp ủy, chính quyền địa phương. Do đó, dự thảo Nghị quyết cần làm rõ thêm vấn đề này. Về khoản 3, Điều 1 dự thảo Nghị quyết, tại mục b đối với các chức vụ HĐND bầu cần xem xét lại bởi trên thực tế không có trường hợp đồng thời vừa là Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND vừa là Trưởng Ban HĐND...
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, quy định dự thảo Nghị quyết bổ sung trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết quy định mốc thời gian 6 tháng là chưa rõ tính cộng dồn, hay liên tục, đề nghị cần làm rõ.
Tại khoản 4, Điều 5 dự thảo, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị sửa cụm từ “ kết quả lấy phiếu tín nhiệm được báo cáo cấp có thẩm quyền” thành “kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền, cấp quản lý cán bộ”. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ.
Dự thảo cũng cần sửa cụm từ “người được lấy phiếu tín nhiệm có kết quả quá nửa, đến dưới 2/3 số đại biểu” thành “người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 50%, nhưng dưới 2/3 tổng số đại biểu” cho phù hợp với Quy định số 96-QĐ/TW . Ngoài ra, khoản 1 Điều 13 quy định 4 trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng khoản 1 Điều 14 dự thảo lại chỉ quy định về thủ tục đề nghị, kiến nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với 3 trường hợp là chưa đầy đủ, cần bổ sung.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) nhất trí cao sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc ban hành Nghị quyết cần nghiêm túc đánh giá tính thực tế, tính khả thi của các chính sách đặc thù, từ đó phát huy tối đa hiệu quả Nghị quyết. Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cần loại bỏ cảm tính, hạn chế tính ước lệ để kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đạt chất lượng cao, đánh giá đúng năng lực, sở trường của cán bộ./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024