Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ về 4 dự án Luật và 1 Nghị quyết

15:02 11/11/2023

Ngày 10-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Sau đó thảo luận tổ về dự án Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Lai Châu, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thừa Thiên- Huế. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự thảo luận tổ.

                                                                  Ủng hộ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Nhấn mạnh rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô, các đại biểu cho rằng, các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực. Đồng thời, cần bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền tiếp gắn với chế độ trách nhiệm.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Lai Châu, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thừa Thiên- Huế

          Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt. Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt thì có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

          Khác với Nghị quyết 11-NQ/TW trước đây đã xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn văn hóa, giáo dục và đào tạo, kinh tế…Nghị quyết số 15-NQ/TW đặt kinh tế lên trước, bởi quy mô kinh tế của Thủ đô ngày càng lớn, đến nay về quy mô chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Thu ngân sách của Hà Nội cũng đã gần với tổng thu của thành phố Hồ Chí Minh, trong khi thành phố Hồ Chí Minh có cảng biển. Tính riêng về thu nội địa thì Hà Nội đứng đầu cả nước. Với quy mô như vậy nên trong Nghị quyết lần này đã có định vị lại.

          Cùng với đó, Hà Nội cũng được xác định là đầu não chính trị, hành chính quốc gia, vừa là bộ mặt và là trái tim của cả nước, là tất cả những gì tinh túy nhất. Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng; thành phố vì hòa bình là những danh hiệu được thế giới trao tặng. Gần đây UNESCO trao tặng cho Hà Nội danh hiệu Thành phố thiết kế sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo trên thế giới.

          Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với nhiều nội dung như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến tận giữa thế kỷ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước. Như nhiều đại biểu đã nói: Xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 17 Đảng bộ thành phố Hà Nội thì nêu tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả Nhà nước”. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

          Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô  đầu tư rất lớn công sức cho dự án luật này, khởi động từ sớm ngay từ  đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

          Cơ quan trình dự án Luật là Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã làm việc với nhau từ sớm về dự án Luật Thủ đô và đầu tư nhiều công sức. Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp hai lần làm việc chính thức với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội cho biết,  cá nhân ông không chỉ thực hiện trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà cũng là trách nhiệm của công dân trên địa bàn Thủ đô và từng đảm nhận nhiệm vụ là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Do đó dành nhiều sự quan tâm, đầu tư nhiều thời gian, công sức đến dự án Luật này.

          Đến nay dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 được các đại biểu ghi nhận dù mới trình lần đầu nhưng đã có chất lượng khá tốt.

          Nhằm khắc phục tính chất luật khung, luật ống, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định cụ thể, tăng thêm 3 chương và 27 Điều so với Luật hiện hành. Các điều khoản mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng khả thi.

          Định hướng chung xây dựng Luật vừa quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt vừa có tính đặc thù của Thủ đô, riêng có của Thủ đô. Thực chất đây là đạo luật về cơ chế đặc thù và  là đạo luật về  giao quyền, phân quyền, phân cấp;  trong đó có gắn với trách nhiệm giám sát và kiểm tra. Quán triệt nội dung này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến để qua hai kỳ họp có được dự án Luật với chất lượng tốt nhất.

          Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có thuận lợi hơn khi đã xây dựng Nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh với quy mô gần như một đạo luật với 44 chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với những chính sách đã áp dụng cho các địa phương khác trong toàn quốc. Đây là nền tảng để tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa những nội dung phù hợp với Thủ đô.

          Cho ý kiến về mô hình tổ chức chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện trong cả nước có Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thành phố Hồ Chí Minh  thực hiện chính thức. Giữa mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội so với Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh có điểm khác biệt.

          Qua tổng kết thực hiện, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Nội nhận thấy mô hình chính quyền đô thị như của Hà Nội có vẻ là phù hợp hơn khi chỉ quy định không tổ chức Hội đồng nhân dân phường, giữ Hội đồng nhân dân quận, huyện; còn chính quyền ở nông thôn vẫn có cả Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân.Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cấp quận không tổ chức Hội đồng nhân dân thì không còn là một cấp ngân sách mà chỉ là đơn vị dự toán, khi đó không được bố trí dự phòng ngân sách, không có được cơ chế của một cấp ngân sách nên gặp nhiều khó khăn.

          Theo lý thuyết về cấp chính quyền thì ở đâu có Ủy ban nhân dân thì phải có Hội đồng nhân dân, ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải có giám sát. Do tính chất địa lý nên mô hình của Hà Nội chỉ bỏ cấp phường mà vẫn giữ lại cấp quận cho thấy sự ổn định và hiệu quả hơn. Nhận thấy mô hình của Hà Nội phù hợp hơn Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đồng ý để Hà Nội tiếp tục áp dụng mô hình này. Đến nay sau khi tổng kết thì muốn luật hóa về nội dung này. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là nội dung tương đối "chín".

          Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội cho biết khi xây dựng dự thảo ban đầu có nhiều vướng mắc về vấn đề này. Bởi Trung ương có quy định là từng bước giảm số lượng Hội đồng nhân dân các cấp. Cho nên các cơ quan soạn thảo khi thấy thành phố đề xuất tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp thành phố từ 90 lên 125 thì không đồng ý.

          Tuy nhiên qua nghiên cứu các nghị quyết của Trung ương cho thấy đề xuất của thành phố là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì khi mà không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp phường thì Hà Nội đã giảm được khoảng 6000 người. Nay đề xuất tăng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố thì tổng số đại biểu vẫn giảm mạnh. Nghị quyết của Trung ương không yêu cầu trực tiếp phải giảm cụ thể ở cấp nào là bao nhiêu mà yêu cầu về giảm về tổng số. Do đó đề xuất của thành phố là dễ hiểu và hợp lý. Với các thức tiếp cận và nhận thức như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất của thành phố.

          Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc phân cấp, phân quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố là cần thiết và cần thí điểm để sau này có tổng kết, đánh giá.

          Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có quy định Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì bao gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân thực hiện quyền hạn theo quy định của luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Như vậy Thường trực Hội đồng nhân dân dù chưa là một cấp nhưng là thiết chế có những quyền hạn riêng.

           Dẫn lại kinh nghiệm từ quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công khi không quy định cho Thường trực Hội đồng nhân dân những quyền hạn liên quan đến đầu tư công, sau đó Chính phủ đã phải ban hành Nghị định quy định cho phép Thường trực Hội đồng nhân dân được điều chỉnh tên dự án, tổng mức đầu tư đối với dự án nhóm C và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Đến Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội trong điều kiện phòng, chống dịch đã cho phép Thường trực Hội đồng nhân dân được quyết một số nội dung. Chủ tịch Quốc hội cho rằng tới đây cần có nghiên cứu để quy định trong pháp luật về một số quyền hạn cho Thường trực Hội đồng nhân dân.

          Ủng hộ quy định của dự thảo Luật về việc trao quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng, song Chủ tịch Quốc hội lưu ý rằng việc trao những quyền cụ thể nào cần phải tính toán phù hợp. Nếu thực tiễn Hà Nội triển khai tốt thì có thể quy định phổ quát nội dung này.

           Nhất trí ban hành nghị quyết của Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu

          Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, tại tổ 4, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, đồng thời cho rằng cần tính toán đến các chính sách để bảo đảm lợi thế cạnh trạnh, thu hút đầu tư của nước ta, có sự đồng bộ thống nhất của pháp luật về thuế.

Đại biểu Quốc hội Hải Phòng trong phiên thảo luận tổ

          Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định là "đã rõ ràng", “không cần phải tranh luận” bởi các quy định về việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, hay còn gọi là quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, được OECD đề xuất và sẽ bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

          Nội dung thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu này đã đạt được sự thoả thuận tham gia của hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%.

          Làm rõ một số quy định trong Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

           Đại biểu Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) nhất trí với tờ trình và báo cáo thẩm tra 2 dự án luật để bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong hiện tại và tương lai về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cũng như trật tự an toàn giao thông, an toàn của người dân khi tham gia giao thông; xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của từng lực lượng liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng phát biểu thảo luận tổ

Tuy nhiên, theo đại biểu, cần tính toán khả năng phối hợp của dự thảo luật này đối với các luật khác khi triển khai thực tế. Đó là trong quá trình kiểm soát trật tự an toàn giao thông phải tính đến phân luồng, quy hoạch dân cư, quy hoạch khu công nghiệp để bảo đảm lưu lượng người tham gia giao thông hợp lý, phù hợp với sức chịu tải của hệ thống hạ tầng giao thông; có giải pháp quản lý, xử lý việc chấp hành quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe...

Đại biểu đề nghị cần có giám sát hành trình để quản lý nhưng chọn lọc một số loại hình vận tải bắt buộc phải có, còn lại có thể linh hoạt, tự nguyện. Đại biểu Vũ Thanh Chương cũng đề nghị, việc đấu giá biển số xe nên đưa vào Luật. Theo đại biểu,  sau 35 ngày tổ chức thí điểm, đã đấu giá 4600 biển số xe,  thu về ngân sách 600 tỷ đồng. Đây  là nguồn không nhỏ,nếu đưa vào Luật, sau này  có thể đấu giá cả biển số xe máy, cả biển số xe kinh doanh vận tải vì kho số là nguồn tài nguyên vô tận, rất nhiều người có nhu cầu.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

          Theo đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng), 2 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ được tách từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và  đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

          Góp ý vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo luật có nhiều ý trùng lặp với một số luật khác nên đề nghị ban soạn thảo đánh giá, phân tách cụ thể. Tại Khoản 1, Điều 61 có đề cập đến việc cảnh sát giao thông đường bộ yêu cầu dừng xe để kiểm tra, kiểm soát, trong đó quy định “dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

     Theo đại biểu, đây là khái niệm rộng, nếu không quy định rõ trường hợp cụ thể khi yêu cầu dừng xe sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền, vi phạm quyền công dân hoặc quyền tham gia giao thông của người dân. Đại biểu cũng nêu rõ, có một số nội dung, dự thảo luật quy định nhiều thủ tục còn phức tạp, rườm rà và đề nghị cần có chế tài quy định rõ về việc lắp còi, tín hiệu xe ưu tiên.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

          Về Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) đề nghị trong phần phạm vi điều chỉnh nên cơ cấu lại phạm vi điều chỉnh hoặc ghi rõ “Luật này quy định về quy hoạch, khai thác, sử dụng, quản lý và quản lý nhà nước về đường bộ, hoạt động đường bộ”. Trong Điều 3 về giải thích từ ngữ, cần sử dụng chính xác một số từ ngữ dùng trong văn bản luật.

Về hệ thống giao thông thông minh, bao gồm cả hạ tầng giao thông và hạ tầng tự nhiên,  cần bổ sung một mục hoặc chương quy định về hành lang xanh dọc theo tuyến đường giao thông. Về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu đề nghị cần thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trong việc quy định rõ trách nhiệm của người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông./.

                                                                                                                  Hồng Thanh

       

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông