15:29 13/06/2022 Là thành phố Cảng biển lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng là nơi hội tụ của hàng nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn cũng như các tỉnh, thành phố lân cận. Những năm qua, thành phố và các ngành thực sự đổi mới, cải cách, mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng còn nhiều tâm tư, nguyện vọng, mong muốn thành phố, các ngành cùng chung tay giải quyết, vì sự phát triển chung của cả doanh nghiệp và thành phố.
Mong muốn tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng
Ông Kazuhiro Teshima, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH dầu nhờn Idemitsu Việt Nam cho biết, hiện nay cảng hàng lỏng của Đình Vũ đang bị quá tải và thường xuyên tắc nghẽn. Các tàu dầu nhập về thường phải chờ 3-5 ngày mới có thể cập cảng để bơm dầu. Phí phải chi trả cho hãng tàu do chậm làm hàng vào khoảng 10.000 USD/ngày gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Kazuhiro Teshima, khu vực này cảng khá nông, thường xuyên phải nạo nét mới bảo đảm cho các tàu cập cảng. Doanh nghiệp của ông gặp khó khăn trong việc tìm tàu chở nguyên vật liệu vì rất nhiều hãng tàu từ chối giao hàng tại cảng hàng lỏng Đình Vũ. Do đó, ông Kazuhiro Teshima kiến nghị thành phố quan tâm quy hoạch và phát triển hạ tầng cảng chuyên dùng cho mặt hàng đặc thù như xăng dầu…
Cũng liên quan tới hạ tầng cảng biển, ông Cáp Trọng Cường, Giám đốc khai thác Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam kiêm Giám đốc Công ty CP Cảng Xanh VIP đề nghị thành phố quan tâm xem xét, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm về giá nâng- hạ container. Theo ông Cáp Trọng Cường, đây là chi phí chiếm tỷ trọng khá cao trong hoạt động logistics. Hiện nay đang có hiện tượng một số đơn vị kho bãi tăng giá liên tục nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng, làm tăng chi phí, thời gian…, ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ông Cường phản ánh, có doanh nghiệp thu phí nâng hạ vỏ container rỗng cao gấp 1,5 lần các cảng thu nâng hạ đối với container có hàng. Đây là điều hết sức phi lý và cần có biện pháp chấn chỉnh.
Đại diện doanh nghiệp FDI phản ánh mong muốn, kiến nghị với thành phố
Ông Cáp Trọng Cường cũng kiến nghị thành phố cho phép các tập đoàn lớn, có năng lực trong lĩnh vực logistics nghiên cứu, khảo sát và lập dự án phát triển kho, bãi, cảng tại khu vực nam Đồ Sơn để có thể triển khai ngay khi đường ven biển hoàn thành và đưa vào khai thác, nhằm phát huy hiệu quả của tuyến đường này trong việc kết nối giao thông, giảm chi phí vận tải, logistics…
Ông Nguyễn Trí Cường, phụ trách khai thác của Hãng tàu Evergreen mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa tới việc duy tu, nâng cấp, nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng để độ sâu vào các bến được bảo đảm. Từ đó, các hãng tàu có thể khai thác các tàu lớn chở container và hàng rời cập cảng, mang tới những dịch vụ tốt hơn với chi phí rẻ hơn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ông Nguyễn Trí Cường cũng đề nghị thành phố quan tâm giảm ùn tắc giao thông tại các tuyến đường huyết mạch vào Tân cảng 128, Tân Vũ, Cảng Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Cảng VIP Green…
Ông Nguyễn Thế Hoạt, đại diện Công ty Yazaki Hải Phòng (KCN Nomura) đề nghị thành phố thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các bãi Deport gần các khu công nghiệp có sản lượng hàng xuất nhập khẩu lớn như KCN Nomura, Tràng Duệ. Các bãi Deport này có hệ thống đường sắt từ cảng Lạch Huyện chạy qua, có thiết bị đầu cuối nâng, hạ để xếp dỡ, vận chuyển container từ ga này tới các doanh nghiệp trong KCN bằng xe tải, góp phần giảm chi phí nội địa cho doanh nghiệp XNK cũng như giảm tải cho hệ thống đường bộ Hải Phòng.
Ông Nguyễn Thế Hoạt cũng mong muốn thành phố sớm mở rộng nâng công suất Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi cả về hành khách và hàng hóa, để các doanh nghiệp Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương có thể sử dụng cảng hàng không Cát Bi để vận chuyển hàng hóa, giảm thời gian, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa đường bộ…
Một số doanh nghiệp đề nghị thành phố quy hoạch các KCN có địa điểm cho thuê kho hoặc kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương cho phép doanh nghiệp được linh hoạt thuê kho, bãi ngoài KCN để lưu trữ nguyên vật liệu và các thành phẩm phục vụ sản xuất xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn mong muốn thành phố chú trọng xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng các nhà trẻ, trường học gần các KCN; đào tạo, thu hút để đáp ứng đủ nguồn lao động cho các doanh nghiệp…
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thuế, phí
Đây là vấn đề cũng nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bà Đoàn Thị Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thành Hưng cho biết, hệ thống khai báo nộp phí hạ tầng cảng biển còn chưa ổn định, đôi khi bị lỗi mạng, xử lý dữ liệu chậm làm ảnh hưởng tới việc khai báo, thông quan hàng hóa XNK, nhất là vào các thời điểm trước và sau các kỳ nghỉ dài như lễ, Tết…
Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng cũng phản ánh, hệ thống thu phí hạ tầng cảng biển thường xuyên bị lỗi không nộp được phí cơ sở và đề nghị thành phố nâng cấp lại hệ thống thu phí. Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải biển Falcon Khai cho biết đã nộp nhầm phí sử dụng hạ tầng và đã có công văn xin hoàn phí từ tháng 9-2021 nhưng đến tháng 2-2022 mới được giải quyết. Doanh nghiệp kiến nghị cần rút ngắn thời gian giải quyết hơn nữa.
Doanh nghiệp mong muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu phí hạ tầng cảng biển
Đại diện công ty Idemitsu cho rằng, việc phân tích phân loại, xác định mã số hàng hóa nhập khẩu hiện còn bất cập. Doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng dầu mỡ nhờn và các phụ gia, nguyên liệu để sản xuất dầu bôi trơn cần phải xác định qua phân tích, giám định thành phần vì tỷ lệ hóa chất liên quan tới mã HS code. Doanh nghiệp không muốn khai báo sai mã số và cũng đề nghị lấy mẫu để giám định, kiểm định hải quan xác định mã số HS code. Tuy nhiên, sau khi có kết luận mã HS code dẫn đến tăng thuế hoặc giảm thuế thì ngoài việc phải khai, nộp thuế bổ sung các tờ khai đã thông quan trước đó, doanh nghiệp còn phải chịu phạt vi phạm hành chính về hải quan.
Doanh nghiệp cho rằng, quy định này chưa phù hợp và kiến nghị cần sửa đổi, không xử phạt khi doanh nghiệp đã chủ động đề nghị lấy mẫu đi phân tích xác định mã HS code.
Doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề liên quan tới các thủ tục tại cảng biển
Ngoài ra, còn có một số ý kiến khác như Công ty Cổ phần Cảng Vật Cách phản ánh, công tác kiểm dịch còn chậm mất thời gian chờ đợi, đề nghị đơn vị kiểm dịch kết hợp với chủ hàng làm sớm và có kết quả sớm nhất để đơn vị khai thác cảng tranh thủ làm hàng. Công ty TNHH VINA-BINGO cho biết, hồ sơ cấp CO vẫn còn nhiều giấy tờ và đề nghị đã đính kèm online thì không cần bản cứng giấy tờ nữa…
Có thể thấy, thành phố, các ngành đã nỗ lực, cố gắng nhưng trên thực tế luôn phát sinh những vấn đề mới, những vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp rất mong muốn được xử lý, giải quyết nhanh. Những vấn đề doanh nghiệp nêu lên là rất chính đáng cần được thành phố chỉ đạo, giao các ngành liên quan trực tiếp tìm hiểu, lắng nghe, tháo gỡ, giải quyết, thiết thực đồng hàng với doanh nghiệp vì sự phát triển chung của thành phố và doanh nghiệp./.
Hồng Thanh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết