13:03 28/05/2023 Với mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2024, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, đẩy mạnh giám sát của Quốc hội là khâu trọng tâm, then chốt.
Đề xuất 4 chuyên đề giám sát
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày, căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đặc điểm tình hình năm 2024 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát gồm:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như: Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1) (dự kiến giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự kiến giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).
Trong số 4 chuyên đề giám sát dự kiến, các đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hoá), Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị Quốc hội lựa chọn Chuyên đề 4 để giám sát tối cao. Với chuyên đề này, đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng đề nghị, cần tập trung hơn vào phát triển, quản lý nhà ở xã hội vì chính sách nhà ở xã hội là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng trên thực tế việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, còn khoảng cách xa so với mục tiêu, nhu cầu đặt ra.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn cũng đề nghị, qua giám sát, phải định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách. Phạm vi giám sát cần toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, thời gian giám sát cần bắt đầu từ năm 2006 (thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở năm 2005) đến năm 2023 để quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân. Nội dung giám sát cần trả lời được các vấn đề tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, thực trạng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao, việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội…
Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) tán thành chọn giám sát tối cao đối với Chuyên đề 2. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét đổi tên chuyên đề giám sát thành “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”.
Đối với nội dung giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan, đại biểu Tao Văn Giót đề nghị xem xét lại giai đoạn giám sát, vì giai đoạn giám sát như trong tờ trình quá dài, trong khi đó, việc giám sát cần có tính thời sự. Đại biểu đề nghị điều chỉnh giai đoạn giám sát là 5 năm trở lại đây và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chú trọng nâng cao hiệu quả giám sát
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) và Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đánh giá cao sự đổi mới, hiệu quả trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đánh giá cao tính phản biện của các báo cáo giám sát. Đoàn giám sát đã cá thể hóa trách nhiệm của từng thành viên Đoàn giám sát. Tất cả thành viên tham gia Đoàn giám sát đều có những báo cáo độc lập, nêu quan điểm, chính kiến rõ ràng, chịu trách nhiệm về chất lượng của báo cáo. Nhờ vậy, báo cáo của Đoàn giám sát ngày càng chất lượng hơn, tính phản biện cao hơn. Bởi lẽ, tính phản biện của giám sát càng cao thì sự kiến tạo phát triển, đồng hành cùng Chính phủ càng tốt.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề xuất đưa vào chương tình giám sát tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8 nội dung việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chât vấn và vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 5.
Theo đại biểu, trong các kỳ họp vừa qua, hoạt động chất vấn được thực hiện dân chủ, công khai minh bạch. Chính phủ và các bộ ngành trả lời đầy trách nhiệm, thẳng thắn và đưa các giải pháp khắc phục cụ thể. Tuy nhiên, việc giám sát kết quả thực hiện các vấn đề đã hứa chưa được quan tâm kịp thời.
Để nâng cao hiệu quả giám sát lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khoá 14 và Quốc hội khoá 15 về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Do đó, việc đưa nội dung giám sát việc thực hiện nghị quyết chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn là điều rất cần thiết và phù hợp với quy chế giám sát của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác giám sát.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cũng đề nghị quan tâm hoạt động, hiệu quả giám sát lại, với mục đích đánh giá toàn diện việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nghị quyết của các cơ quan và người đứng đầu chịu sự giám sát.Trong đó, cần quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa khi chất vấn, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội theo dõi, giám sát đến cùng nội dung đã được giám sát, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cũng đề nghị tiếp tục quan tâm giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ. Đây là vấn đề cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Nâng mức kinh phí cho hoạt động giám sát tại địa phương
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc bố trí kinh phí để Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương và các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, khảo sát theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho rằng, kinh phí cấp cho công tác giám sát ở địa phương mới chỉ bảo đảm phục vụ cho giám sát theo Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề, giám sát, khảo sát theo cá nhân đại biểu Quốc hội chưa được quan tâm bố trí kinh phí phù hợp để đại biểu Quốc hội có thể triển khai các hoạt động này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu rõ, kinh phí dành cho hoạt động giám sát tại các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương còn quá ít. Để tổ chức được các hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở thì ngoài các thành viên Đoàn giám sát là các đại biểu Quốc hội của Đoàn, thì Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương phải có sự phối hợp hết sức chặt chẽ với nhiều cơ quan, ban, ngành khác nhau của địa phương và mời các thành viên khác, các chuyên gia cùng tham gia giám sát. Với kinh phí như hiện nay, việc mời các thành viên của các cơ quan tham gia Đoàn giám sát chưa được thuận lợi. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động giám sát cả về chất lượng lẫn khâu tổ chức. Đại biểu đề nghị Quốc hội rà soát, xem xét để nâng mức kinh phí phục vụ hoạt động giám sát cho phù hợp với thực tế./.
Hồng Thanh
21:44 24/12/2024
21:20 24/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết
Công an thành phố tập huấn Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
CAH Tiên Lãng tuyên truyền TTATGT tới hơn 400 giáo viên, học sinh
Tối 20/12, phát hiện 7 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng tăng cường kiểm tra xử lý xe ba bánh, xe tự chế