11:24 24/08/2017 Cách đây 64 năm, mùa thu, tháng 8 năm 1953, quân và dân Tiên Lãng anh dũng phá tan trận càn Cờ - lốt (Claude) của thực dân Pháp. Hôm nay, quê hương anh dũng phá càn năm xưa có nhiều khởi sắc, yên bình và giàu đẹp. Đặc biệt, huyện đã và đang được triển khai một loạt dự án hạ tầng giao thông đường bộ, đem lại vận hội mới, hội nhập cùng thành phố Cảng trong thời kỳ CNH - HĐH.
Tượng đài anh hùng thiếu niên Phạm Ngọc Đa
Huyện Tiên Lãng xưa có tên gọi là Tân Minh, do vua Lê Thánh Tông đặt vào năm 1469, đến đời vua Thành Thái nhà Nguyễn đổi thành Tiên Lãng.
Theo phiên âm Hán Việt, Tiên Lãng vừa có nghĩa là nơi đón ánh sáng bình minh trước tiên, vừa là nơi đầu sóng. Với truyền thống văn vật phong phú, đa dạng, thời phong kiến, Tiên Lãng có 11 vị đỗ đại khoa, là quê ngoại của danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Phát huy bản tính bộc trực, hào sảng đặc trưng của con người miền sông nước, bao thế hệ người dân Tiên Lãng đã kiên cường, bản lĩnh, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó, bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.
Từ khi có Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, lớp lớp người con quê hương Tiên Lãng trung hậu, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, giành lại độc lập tự do.
Đảng bộ huyện thành lập ngày 15-2-1946, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Tiên Lãng lập được nhiều chiến công vẻ vang, phá tan hàng trăm trận đánh của quân giặc, trong đó, đỉnh cao là trận phá càn Cờ lốt tháng 8-1953.
Sáng ngày 28-8-1953, địch tấn công vào Tiên Lãng với 5 mũi, 21 tiểu đoàn quân tinh nhuệ, có máy bay, pháo binh yểm trợ, xe lội nước càn quét, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu, cất vó cán bộ của tỉnh và huyện.
Nhưng địch đã vấp phải sự kháng cự, chiến đấu kiên cường của quân và dân Tiên Lãng. Ngay từ trận đầu tiên, địch bị thất bại thảm hại ở trận độn thổ Hán Nam xã Kiến Thiết, đại đội 295 phối hợp với du kích xã Kiến Thiết, tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Địch tiếp tục thực hiện âm mưu càn quét, cướp phá, đốt nhà, vây bắt cán bộ, bộ đội chủ lực, bắn giết nhân dân ta. Với nhiều cách đánh sáng tạo, quân dân Tiên Lãng dùng chông, mìn, cạm bẫy, giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân.
Cả 5 cánh quân địch đi đến đâu đều bị bộ đội, du kích các xã chặn đánh quyết liệt. Trận đánh ngày 7-9 của Đại đội 295, 196 cùng quân dân các xã Khởi Nghĩa đánh tan 2.000 quân cơ động và đại đội địch.
Trận đánh ngày 9-9-1953 của đại đội 331 cùng với du kích xã Tiên Minh chiến đấu với 200 quân địch càn vào thôn Tiên Lãng, Xa Vĩ, có máy bay yểm trợ, quân địch 4 đợt vào làng đều bị đánh bật trở lại. Nhân dân và du kích các xã Hùng Thắng, Vinh Quang, Chấn Hưng chiến đấu mưu trí, đón đánh địch, đặc biệt là trận tiêu diệt 45 tên địch ở Chử Khê, Hùng Thắng.
Tính từ ngày đầu tiên đến khi kết thúc đợt phá càn từ ngày 28-8-1953 đến 20-9-1953, địch buộc phải rút quân khỏi Tiên Lãng, quân ta chiến đấu 182 trận lớn nhỏ, tiêu diệt được 677 quân địch...
Nhiều hiện vật về phá càn lưu giữ tại nhà truyền thống huyện
Đánh vào Tiên Lãng, địch thất điên, bát đảo. Thắng lợi của trận phá càn Cờ-lốt chính là kết quả của đường lối quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu ngoan cường, sự chịu đựng gian khổ, hi sinh của nhân dân, bộ đội và du kích.
Ghi nhận chiến công oanh liệt này, ngày 29-9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, nhân dân Tiên Lãng thi đua lao động sản xuất, làm hậu phương cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng vạn thanh niên Tiên Lãng lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở các chiến trường.
Trải qua các cuộc chiến tranh, toàn huyện có 4318 người con anh dũng hi sinh được phong tặng liệt sỹ, 499 Mẹ Việt Nam anh hùng, 2200 thương bệnh binh. Huyện và 10 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Giai đoạn hiện nay, Tiên Lãng tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát Đại hội 28 Đảng bộ huyện đề ra: “Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng huyện phát triển nhanh, bền vững, là một trong những trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp và thủy sản của thành phố; theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng cao, gắn với nông nghiệp sinh thái; văn hóa xã hội có chuyển biến rõ về chất lượng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng an ninh được giữ vững; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hệ thống chính trị vững mạnh, phấn đấu đến năm 2020 đạt huyện Nông thôn mới”.
Huyện Tiên Lãng tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, giáo dục đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh.
Nhờ đó, huyện đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Kinh tế tăng trưởng ổn định. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 7425 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm trước. Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành Nông nghiệp – Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tương ứng 42,1% - 23,7% và 34,2%. Thu nhập bình quân đầu người 32,5 triệu đồng/năm. Hoàn thành bình quân 14,4/19 tiêu chí và có 7 xã về đích nông thôn mới. Hệ thống chính trị củng cố vững mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức
Hiện nay, huyện Tiên Lãng được triển khai nhiều dự án công trình trọng điểm. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn đi qua huyện đã hoàn thành, trên địa bàn huyện tiếp tục triển khai dự án trọng điểm như: tuyến đường bộ ven biển; xây dựng cầu Hàn, cầu Đăng; đường nối Quốc lộ 5 với Quốc lộ 10; cải tạo, nâng cấp tuyến đường 25 từ tỉnh lộ 354 đến Quốc lộ 10; cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng…
Hàng năm cứ đến tháng 8, Tiên Lãng lại tổ chức lễ kỷ niệm
Khi những công trình trọng điểm này hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, làm chuyển biến mạnh mẽ diện mạo đô thị và nông thôn, tăng khả năng kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa huyện Tiên Lãng nói riêng, thành phố nói chung với các địa phương lân cận.
Cùng với những tiềm năng, lợi thế khác sẵn có như nguồn lao động dồi dào, có tay nghề, trình độ, mặt bằng rộng, sự quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện của chính quyền địa phương… chắc chắn, Tiên Lãng sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư lớn.
Tháng 8, mùa thu, nắng vàng trải thảm trên những cánh đồng lúa mùa xanh mướt nơi miền đất đầu sóng. Sức mạnh đoàn kết, kiên trung hun đúc từ truyền thống, cộng với sự sáng tạo, năng động hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Lãng tin tưởng sẽ nắm bắt vận hội mới, xây dựng quê hương hương ngày càng đổi mới, văn minh, hiện đại và giàu đẹp.
Văn Hải - Trung Kiên
10:11 20/10/2024
18:35 17/10/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh