Đốt vàng mã - nguy cơ cháy nổ cao

17:01 31/08/2017

Lễ Vu Lan (rằm tháng 7) là thời điểm mà việc thắp hương nến, đốt vàng mã của người dân tăng cao. Tục lệ này không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và đền chùa mà còn ở các cơ quan, tổ chức kinh doanh, trở thành một nghi thức không thể thiếu. Tuy nhiên, việc thắp hương, nến, đốt vàng mã không cẩn trọng sẽ nguy cơ xảy ra cháy gây thiệt hại khó lường.

"Bà hỏa" ghé thăm

Dư luận vẫn chưa quên vụ cháy cửa hàng bán vàng mã của gia đình ông Hồ Văn Thủy, ở số 291 Phan Bội Châu, phường Phạm Hồng Thái, quận Hồng Bàng, xảy ra vào lúc 3 giờ 7 phút sáng ngày 12-02-2011. Khi hỏa hoạn xảy ra, Phòng Cảnh sát PCCC-CATP Hải Phòng đã phải huy động gần 10 xe chữa cháy tới hiện trường chữa cháy, và phải mất hơn 2 giờ tích cực chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC mới khống chế được đám cháy, không để cháy lan sang các hộ dân bên cạnh. Tuy không xảy ra thương vong, nhưng vụ cháy thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, vật dụng trong gia đình gia chủ, thiệt hại ước lên tới hàng trăm triệu đồng.

 Hay vụ cháy xảy ra vào 9h20 ngày 24/7/2016, tại nhà ông Đỗ Văn Thanh, sản xuất, kinh doanh  hàng mã  ở tỉnh lộ 360, thôn Đâu Kiên, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão. Nhận được tin báo, ngay lập tức, Phòng Cảnh sát PCCC số 7 (Cảnh sát PCCC thành phố) điều động 3 xe chữa cháy cùng trên 30 CBCS tới hiện trường.

Mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã nỗ lực, khẩn trương phối hợp với gia đình, người dân xung quanh tích cực chữa cháy, nhưng do trong nhà  tồn chứa nhiều hàng  mã và các chất dễ cháy, nên đám cháy đã  phát triển rất nhanh, làm 2 cháu bé là con và cháu ruột của chủ nhà tử vong tại phòng ngủ tầng 2 của ngôi nhà. Toàn bộ tài sản trong ngôi nhà bị thiêu rụi.

Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về Phòng cháy - Cảnh sát PCCC thành phố cho biết: Do vô ý, do thiếu hiểu biết, người dân thắp hương nến, đốt vàng mã gây nên nguy cơ cháy nổ cao tại đình chùa, gia đình, hay ngay chính nơi làm việc, các khu chung cư tập trung đông người. Chợ cũng là nơi mà việc đốt hương, vàng mã vào ngày thường, ngày rằm, mồng một… diễn ra phổ biến.

Sự vô ý, bất cẩn của người dân khi thắp hương, đốt vàng mã thì muôn hình vạn trạng: Thắp hương, đốt vàng mã không có người trông coi, gần các vật dễ cháy, để hương, vàng mã cháy tự do tàn lửa bay vào vật liệu dễ cháy gây cháy lan, cháy lớn…

Tăng cường công tác tuyên truyền

Tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, nhiều người cho đó là một trong những nét đẹp văn hoá của phong tục thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, người dân cần cẩn trọng việc thắp hương, nến thờ cúng và hóa vàng. Khi có nhu cầu thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn PCCC như: Thắp hương cách xa trần nhà, xa các vật dụng dễ cháy và phải có người trông coi.

Người dân không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã lớn, như nhà, xe ô tô… để tránh nguy cơ gây hỏa hoạn. Người dân nên đốt vàng mã ở nơi ít người qua lại, cách xa các vật liệu dễ cháy.

Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy ngún. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy…

Đặc biệt, bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh.

Tại các hộ gia đình, doanh nghiệp, người dân nên đặt bàn thờ tại nơi không có vật liệu dễ cháy, khi rời khỏi nhà phải tắt hết hương đèn. Tại các chợ, phải có khu vực riêng cho việc đốt hương, thờ cúng của tiểu thương.

Trong thời điểm này, thiết nghĩ cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng người dân, từng hộ gia đình  bằng các biện pháp tích cực như: phát tờ rơi, tuyên truyền trên báo chí, truyền hình, trên hệ thống loa của các chợ, đình, chùa, khu dân cư… Bản thân người dân cũng cần có ý thức hơn nữa để hạn chế thấp nhất nguy cơ hỏa hoạn.

Trang Anh 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông