Du lịch theo mùa đã lỗi thời?

14:30 19/10/2017

Trên thế giới, khái niệm du lịch từ lâu rồi đã không còn đồng nghĩa với “tham quan danh thắng”. Du lịch theo mùa cũng đã trở nên lỗi thời. Nếu cứ giữ mãi cách làm du lịch bám vào rừng vàng biển bạc, Việt Nam chắc sẽ còn tiếp tục lỡ nhịp với thế giới?

Những “phương thức du lịch” mới

Tại Hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch” cuối tháng 8 vừa qua ở Hà Nội, bà Lê Thu Trang, Giám đốc Marketing, Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, mô hình “du lịch thăm quan danh thắng” không còn gì quá mới mẻ, trong khi đó, du lịch theo mùa cũng có hạn chế, bởi không phải ai cũng sắp xếp được thời gian để tận hưởng. Do đó, cần tiếp cận “những phương thức mới” nhằm phát triển nền công nghiệp du lịch trong thời đại mới.

Một trong những “phương thức mới” mà Tổng cục Du lịch Hàn Quốc đã áp dụng thành công là mô hình “du lịch theo chủ đề”, có thể là Nghệ thuật biểu diễn, Chợ truyền thống; Lễ hội du lịch văn hoá; Du lịch thể thao; Các sự kiện quốc tế; Trải nghiệm đặc biệt; Michellin Guide Seoul; Trường quay phim truyền hình… với những chương trình riêng biệt, sáng tạo, đem đến cho du khách những trải nghiệm đặc sắc. Cũng nhờ mô hình này mà năm 2016 đã chứng kiến số lượng khách du lịch Việt Nam tới Hàn Quốc tăng trưởng tới 54%, bà Trang cho biết.

 Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Du lịch thì xét về năng lực cạnh tranh, du lịch Việt Nam hai năm qua tăng 8 bậc nhưng vẫn ở mức trung bình, so với các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam vẫn ở khoảng cách rất xa. “Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch lớn, tuy nhiên khoảng cách từ tiềm năng tới sản phẩm còn hạn chế. Phải thẳng thắn nhìn nhận chất lượng và tính khác biệt của sản phẩm còn yếu”, ông Tuấn nói.

 Biến “tiềm năng” thành sản phẩm, xóa bỏ du lịch theo mùa

Muốn đuổi kịp thế giới, muốn phát triển công nghiệp không khói trong thời đại mà du khách không còn coi du lịch chỉ đơn giản là nằm dài trên bãi biển hoặc sáng câu cá, chiều ăn hải sản rồi về, chẳng có cách nào khác là phải tạo ra những sản phẩm mới, những trải nghiệm mới để du khách đến một lần rồi thì muốn quay lại lần nữa, lần tiếp theo.

Những năm gần đây, nhiều điểm đến ở Việt Nam đã “thức tỉnh”. Như Đà Nẵng chẳng hạn, thành phố này biết tạo ra những trải nghiệm du lịch hấp dẫn bên những bãi biển dài, những ngọn núi đẹp. Ví như lên núi Chúa thì sẽ được “lên tiên cảnh” với Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, nơi có những tòa lâu đài Pháp cổ kính, nơi du khách được vui chơi thả sức trong Fantasy Park lớn nhất Đông Nam Á, được thiền ở khu tâm linh, được lãng đãng thả hồn ở 9 vườn hoa chủ đề, được tưng bừng rộn ràng theo những vũ điệu với các nghệ sỹ châu Âu tại Carnival đường phố mỗi ngày. Thay vì chỉ đến Bà Nà đông nhất vào mùa hè, thì giờ đây, du khách đến Bà Nà đông quanh năm, là bởi mùa nào nơi đây cũng có những lễ hội ngất ngay, vui quên lối về. Năm 2016, trong 5,3 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, lượng khách đến Bà Nà đã chiếm 2 triệu.

Với Đà Nẵng, khái niệm du lịch theo mùa cũng đang dần được thành phố này “làm cho lỗi thời”, khi mùa nào tới đây du khách cũng có thể vui chơi thỏa sức trong những công viên với vài chục trò chơi thử thách lòng can đảm như Sun World Danang Wonders hay thả mình trên bãi biển hoặc tham dự những lớp học làm đèn lồng, làm nón lá và cảm nhận văn hóa bản địa chảy trong những dòng suy tưởng khi đến InterContinental Danang Sun Peninsula Resort để nghỉ dưỡng.

Sự tăng trưởng cả ở thời điểm “bĩ cực” nhất của du lịch Việt Nam đã biến Đà Nẵng trở thành một ví dụ điển hình cho sự sáng tạo trong cách làm du lịch. Những địa phương khác, với những tiềm năng du lịch còn dồi dào hơn thế, tất nhiên, không thể đứng ngoài.

Sa Pa chuyển mình, bằng việc khánh thành một khu du lịch Sun World Fansipan Legend hiện đại nhưng lại mang trong mình một bản sắc văn hóa bản địa đậm đặc trong những lễ hội triền miên trên đỉnh Fansipan huyền thoại. Lập tức, tăng trưởng du khách tới địa bàn đã nhìn thấy rõ, khi 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách tới Lào Cai tăng 77% so với cùng kỳ năm 2016.

Quảng Ninh, Hạ Long cũng chứng kiến một lượng khách khủng đổ về đây từ đầu năm 2017, khi tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Ha Long Complex của Sun Group xóa bỏ một hình ảnh một khu vực Bãi Cháy nhếch nhác, ô nhiễm xưa kia. Sáu tháng đầu năm 2017, tổ hợp này đã góp phần mang lại cho Quảng Ninh hơn 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.320 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.

Ở Phú Quốc, sự ra đời của JW Marriott Phu Quốc Emerald Bay lập tức đưa đảo ngọc lên hàng những điểm đến xa xỉ, khi WTA trao tặng cho resort danh hiệu Khu nghỉ dưỡng mới tốt nhất châu Á 2017. Với những tổ hợp vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng sẽ khánh thành trong tương lai, Phú Quốc đang trở thành một điển hình mới cho sự bứt phá trong làm du lịch.

Những ví dụ nhỏ nói trên đủ cho thấy, để phát triển ngành công nghiệp không khói trong thời đại du lịch theo mùa không còn là xu thế, khi du khách không còn thích những phương thức du lịch xưa cũ, thì việc chỉ khai thác lợi thế thiên nhiên cũng đã lỗi thời.

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông