Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

13:23 26/09/2022

Tại Hội nghị lần thứ 5 (khóa XIII), Trung ương Đảng đã thảo luận, đánh giá, cho ý kiến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX). Trên cơ sở đó, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.
Mô hình trồng cúc dược liệu tại HTX Thắng Thủy (Vĩnh Bảo – Hải Phòng)

          Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực. Đây là vấn đề hết sức quan trọng nhưng trong 20 năm qua chúng ta vẫn chưa có điều kiện tổng kết và ban hành nghị quyết mới.

          Bên cạnh đó, yêu cầu của đổi mới, phát triển kinh tế tập thể cho thấy,  mặc dù kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực nhưng đến nay vẫn chưa phát triển như mục tiêu đã đề ra.

          Tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Trung ương đã khẳng định, kinh tế tập thể nước ta đang đứng trước những thách thức, khó khăn và cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

          Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với khu vực kinh tế tập thể là phải phát huy nội lực vươn lên thoát khỏi những hạn chế, yếu kém, cho thấy việc ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW là hết sức cần thiết.

          Cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức đòi hỏi kinh tế tập thể cũng phải có sự đổi mới phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đóng góp phát triển kinh tế xã hội.

          Từ cơ sở đó, Nghị quyết 20-NQ/TW đề ra 5 quan điểm chỉ đạo đối với khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Khẳng định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng được củng cố và phát triển cùng với kinh tế nhà nước để trở thành một nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

          Theo đó, phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phát triển bền vững.

          Phát triển kinh tế tập thể là phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể với điều kiện, đặc điểm kinh tế xã hội của từng vùng, miền, của cả nước. Kinh tế tập thể không phủ nhận kinh tế hộ gia đình mà còn hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững.

          Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…) trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn.

          Quan điểm này kế thừa quan điểm trong Nghị quyết 13-NQ/TW, đồng thời làm rõ hơn về hình thức tổ chức và mục tiêu hướng tới nền kinh tế tập thể. Theo đó, xác định rõ những hình thức tổ chức và hướng tới mục tiêu là không chỉ là lợi ích của tập thể, lợi ích cho thành viên, lợi ích của Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

          Quan điểm thứ ba trong Nghị quyết 20-NQ/TW là kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp.

          Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích luỹ và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tập thể.

          Tiếp đó là phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

          Ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên.

          Quan điểm thứ 5 của Nghị quyết 20-NQ/TW, yêu cầu đối với cơ quan trong hệ thống chính trị, tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân phải phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể.

          Quan điểm này cũng kế thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, tiếp tục khẳng định phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với MTTQ và các đoàn thể Nhân dân, hệ thống Liên minh HTX trong việc phát triển kinh tế tập thể.

          Với các quan điểm nêu trên, Nghị quyết 20-NQ/TW đề ra mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.

           Góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông