11:56 29/08/2017 Trong chuyến công tác tại Trại giam Xuân Nguyên (Tổng cục VIII- Bộ Công an), chúng tôi được dịp tiếp xúc với phạm nhân Phạm Văn Quê, sinh 1960, ở đường Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân. Ít ai biết rằng, Phạm Văn Quê chính là người từng 2 lần lĩnh án “tử” bởi nếu không may mắn được đặc ân giảm án của pháp luật, có lẽ anh ta đã “xanh cỏ” từ lâu...
Cũng giống như nhiều tên tội phạm khác, nguồn cơn dẫn đến vòng lao lý, thậm chí từng phải đối diện với cái chết của Phạm Văn Quê xét đến cùng bởi muốn kiếm tiền nhanh, bất chính mà liều lĩnh phạm tội.
Vốn từng có thời gian làm cửu vạn bốc hàng thuê cho các chủ buôn lậu ở cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, khoảng đầu năm 2000, qua mối quan hệ quen biết, Khuê cùng Phạm Gia Khung, (tức Phạm Quý Khung), sinh 1967, quê ở Hải Dương, quay về đầu quân “dưới trướng” của Đinh Thị Xuân (tức Quạnh), sinh 1963, ở tổ 9, khu 1, phường Ka Long, Móng Cái. Về phần Xuân, thị quê ở xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Phạm Văn Quê kể lại may mắn cơ hội được pháp luật khoan hồng
Thời điểm ấy, Xuân nổi tiếng trong giới buôn lậu đường biên. Đặc biệt, thị chính là một “bà trùm” điều hành đường dây buôn bán trái phép chất ma túy là cần sa từ Campuchia qua TP Hồ Chí Minh rồi tuồn sang Trung Quốc.
Cùng nằm trong đường dây của Xuân, ngoài Quê và Khung, còn có các đối tượng như Đinh Thị Phong (em gái Xuân), sinh 1970, ở xã Hòa Bình, Nguyễn Tuấn Ngọc, sinh 1973, ở thị trấn Núi Đèo, cùng huyện Thủy Nguyên và Trần Văn Tuấn, sinh 1959, ở đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân…
Dưới chỉ đạo trực tiếp của Đinh Thị Xuân, các đối tượng trên nhiều lần vận chuyển trái phép chất ma túy là cần sa từ TP Hồ Chí Minh về Hải Phòng, cất giấu ở nhà Phong sau đó tiếp tục vận chuyển ra Móng Cái rồi đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.
Theo hồ sơ vụ việc: Quê cùng bọn Khung, Tuấn, Ngọc, Phong được Xuân “điều” vào TP Hồ Chí Minh rồi nhận “hàng” đưa lên xe đò chở từ bến xe miền Đông, TP Hồ Chí Minh ra bến xe Niệm Nghĩa (Hải Phòng).
Cả bọn dưới “vỏ bọc” như những doanh nhân “đi công tác”, lúc bằng tàu hỏa, khi thì đáp máy bay, nghỉ ở khách sạn, liên lạc với nhau qua điện thoại. Chuyến “hàng” đầu tiên vào ngày 30-11-2000, Quê đã cùng Xuân, Tuấn, Khung vận chuyển trót lọt 6 bao cần sa về Hải Phòng rồi đưa qua Móng Cái sang Trung Quốc.
Chiều 12-3-2001, các đối tượng lại đặt vé máy bay vào TP Hồ Chí Minh. Tại đây Xuân, Quê thuê xe taxi đến khu vực cây xăng Chí Tài nhận 15 chiếc túi du lịch “quần áo cũ” nhưng thực chất bên trong chứa 233 bánh cần sa ép khô rồi đưa ra bến xe miền Đông gửi chiếc xe khách về Hải Phòng. Đến sáng 17-3, chiếc xe khách về Hải Phòng, song đúng lúc các đối tượng đang nhận “hàng” thì bị lực lượng Công an quận Lê Chân phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ CATP bắt quả tang.
Từ đây, cơ quan công an đã khám phá, bóc gỡ một đường dây gồm hàng chục đối tượng chuyên vận chuyển, mua bán cần sa xuyên quốc gia, trong đó Phạm Văn Quê là một “mắt xích” quan trọng.
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2000 đến khi bị bắt, Quê đã tham gia vận chuyển 3 chuyến với tổng trọng lượng 699,7kg cần sa. Ngoài ra, Quê cũng thừa nhận trước đó đã cùng bọn Xuân, Phong, Tuấn, Ngọc vận chuyển 4 chuyến khác mà anh ta trực tiếp đi nhận hàng với số lượng khoảng 544 kg cần sa để đem sang Trung Quốc tiêu thụ.
Sau lần ra toà sơ thẩm bị tuyên án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy, rồi cả phiên phúc thẩm bị bác đơn y án, Phạm Văn Quê suy sụp hẳn. Biết tội mình chẳng oan nhưng khi cái “án tử” cứ thế lơ lửng treo trên đầu khiến Quê không khỏi run sợ. Một mình nằm trong phòng biệt giam, chẳng thiết ăn uống thời gian chậm chạp trôi từng giờ, từng ngày, ban ngày ngủ, nhưng cứ đêm đến là anh ta sợ đối diện với bóng tối, không tài nào chợp mắt được.
Có lần, nửa đêm Quê nghe rõ tiếng kêu ken két cánh cửa sắt của phòng biệt giam bên cạnh mở ra, rồi tiếng chân người, tiếng xích lê xuống sàn nhà. Biết người bạn tử tù đến giờ phải đi trả án, nghĩ đến thế thôi Quê liền bật dậy, mồ hôi vã ra như tắm.
Có người cha là một lão thành cách mạng, Quê viết đơn cầu xin khoan hồng của pháp luật với hi vọng cuối cùng.
Sau hơn 500 ngày dài dằng dặc nằm trong khu biệt giam, ngày 31-12-2003 Quê nhận được quyết định của Chủ tịch nước được ân giảm xuống chung thân do quá trình điều tra khai báo thành khẩn, gia đình có công với cách mạng. Nghe đọc quyết định, Quê lặng người rồi cứ thế bật khóc như một đứa trẻ. Sau khi “lỡ chuyến đò về âm phủ”, Quê được chuyển đến Trại giam Xuân Nguyên.
Biết mình may mắn hưởng đặc ân của pháp luật, quá trình cải tạo anh ta chấp hành tốt nội quy trại giam, tích cực rèn luyện bản thân.
Giờ đây, Phạm Văn Quê ngộ ra nhiều điều và nhắn nhủ bất cứ ai rằng đừng bao giờ bán mình cho những cám dỗ mà vi phạm pháp luật, rồi tự mình “đóng sập” cánh cửa của cuộc đời...
THỦY NGUYÊN
10:14 27/09/2024
10:14 27/09/2024
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024