Giá lợn giảm nhẹ, tín hiệu tích cực cho thị trường thực phẩm

08:44 17/06/2020

Chuyện có thể chưa từng xảy ra đối với một nước nông nghiệp phát triển như Việt Nam, khi trong kỳ họp Quốc hội lần này, giá thịt lợn tiếp tục trở thành đề tài nóng. Trong khi đó ngoài thị trường tự do, giá lợn thịt các loại đã có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao, và còn xa mới xuống tới mức kỳ vọng.

Giá lợn thịt tăng tạo phản ứng dây chuyền, khiến giá nhiều thực phẩm khác tăng theo

          Khủng hoảng kéo dài

 Cần phải nhắc lại rằng, giá lợn thịt mấy năm trở lại đây không chỉ dùng từ biến động mà đủ, mà thực sự đã khủng hoảng, đem lại hệ lụy rất lớn cho thị trường thực phẩm trong nước.

Điều đáng nói, Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp phát triển, riêng lợn thịt cũng nằm trong nhóm được xuất khẩu mạnh, nên việc khủng hoảng kéo dài trong thời gian dài tới mấy năm (tính từ năm 2017) là điều hết sức bất cập.

 Mức độ nghiêm trọng đến nỗi, từ đầu năm đến nay Thủ tướng Chính phủ có ít nhất không dưới 3 lần trực tiếp chỉ đạo, điều hành mặt hàng này, với tinh thần “kéo giá lợn hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg”.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhiều giải pháp đã được đưa ra, như việc tăng cường nhập khẩu thịt lợn, đẩy mạnh tái tạo đàn lợn ở những vùng đã công bố hết dịch tả châu Phi.. Tuy nhiên, thời gian qua giá lợn vẫn ở mức rất cao, trong đó lợn hơi có lúc lên tới 105.000 đồng/kg, giá thịt lọc dao động trong khoảng 160.000 đồng đến 225.000 đồng/kg, tùy theo từng phân khúc thị trường.

Điều đáng nói, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một ngành chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về việc này, ngoài câu chuyện được cho là do dịch tả châu Phi.

Giá lợn tăng quá cao đã tác động mạnh mẽ tới an sinh xã hội, khi sản phẩm này là một trong những thành phần chính trong cơ cấu bữa ăn của người dân. Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Dung – một người nội trợ ở ngõ 69/Chợ Con/ Lê Chân, thì trong bối cảnh thu nhập không tăng, định mức chi tiêu cho sinh hoạt đã được ấn định, việc giá thịt lợn tăng cao đã ảnh hưởng tới chất lượng sinh hoạt của các gia đình, nhất là những gia đình có thu nhập thấp.

Một vấn đề nữa, giá lợn tăng đã tạo thành phản ứng dây chuyền, khiến hàng loạt thực phẩm khác tăng theo, cụ thể so với cùng thời điểm cách đây 1 năm, giá thủy sản đã tăng bình quân 20%, thịt gia cầm tăng từ 10 đến 25% tùy theo từng loại.

Trở lại với nội dung điều hành của Chính phủ đối với giá thịt lợn, thời gian qua một lượng thịt lợn khá lớn đã được nhập về Việt Nam. Nhưng phương thức này không những không tạo ra sự thay đổi, mà còn bộc lộ khá nhiều bất cập, đơn cử giá thịt đông lạnh được bán trong các siêu thị luôn ở mức trên 140.000 đồng/kg, thấp hơn không đáng kể so với hàng tươi sống ngoài thị trường tự do.

Trong khi đó, một số cơ quan truyền thông lại lấy mức giá nhập khẩu khoảng 60.000 đồng/kg để tuyên truyền, thành thử tạo ra phản ứng không hay từ dư luận. Đây chính là cơ sở để nhiều đại biểu Quốc hội ví von rằng: Muốn mua thịt giá rẻ chỉ có lên ti vi?!

Giá lợn hơi đã giảm đáng kể trong những ngày gần đây.

          Dấu hiệu tích cực

Theo tính toán của ngành chức năng, hiện chi phí giá thành cho 1kg lợn hơi khoảng từ 40.000 đồng đến 45.000 đồng/kg. Chính vì vậy có ý kiến cho rằng cần phải có sự can thiệp từ chính sách, để ngăn sự độc quyền của các nhà chăn nuôi và đưa giá lợn hơi về đúng mặt bằng cần thiết.

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng trong nền kinh tế thị trường, cốt lõi phải vận động theo quy luật cung - cầu, nên không có cơ sở để “xử lý” mảng trung gian phân phối mặt hàng này.

Vấn đề đặt ra là, cần “bắt” đúng bệnh, xác định rõ trách nhiệm và các yếu tố tác động của thị trường mới có thể đưa ra giải pháp tích cực. Có thể nói, thời gian qua chúng ta chưa thực sự làm tốt điều này, thậm chí có phần sốt sắng nên hiệu quả không đạt như mong muốn.

Việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh không những không đạt được mục tiêu giảm giá lợn trong nước, mà còn phát sinh thêm tính phức tạp khi bản thân các nhà phân phối cũng lợi dụng tình hình mà trục lợi.

Như đã nói ở trên, theo một số liệu được thông báo, giá thịt nhập khẩu về đến cảng Việt Nam trước thông quan chỉ khoảng 60.000 đồng/kg, nhưng đến tay người tiêu dùng đã vượt gấp hơn 2 lần, tương ứng trên 140.000 đồng/kg.

Không dừng ở đó, trong điều kiện thời tiết vô cùng nắng nóng của mùa hè năm nay, thịt lợn bán ngoài chợ truyền thống nhanh chóng ôi oai, giảm chất lượng, làm khó cả người mua và người bán.

Vì điều này, đồng thời để giảm chi phí, số lượng người sử dụng thực phẩm đông lạnh cũng tăng lên, dẫn đến gần đây một số siêu thị đồng loạt tăng giá mặt hàng này. Ngoài thịt lợn như đã nói ở trên, các loại thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ tăng khoảng 10%, đùi gà nhập từ Mỹ tăng tới 25%... Tuy nhiên, rất có thể  giá thực phẩm nhập khẩu tăng cũng một phần do kênh thương mại quốc tế bị tác động của dịch bệnh Covid-19?

Mấy ngày qua, tín hiệu vui đến với người tiêu dùng Hải Phòng cũng như cả nước, đó là thị trường lợn thịt đang có dấu hiệu giảm nhiệt. Cụ thể kết quả khảo sát thị trường Hải Phòng cho thấy, giá lợn hơi đã giảm khoảng 10.000 đồng/kg, hiện mức bình quân là 90.000 đồng/kg; giá lợn “móc hàm” bán tại các lò mổ còn 110.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng/kg; giá thịt đã phân lọc bán ở các chợ truyền thống cũng đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg.

Về nguyên nhân giảm giá lợn thịt, phần lớn các ý kiến đều cho rằng vì thông tin Việt Nam tiến hành nhập khẩu số lượng lớn, bao gồm cả thịt đông lạnh, lợn giống, lợn sữa tái tạo đàn và lợn sống để giết mổ từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Camphuchia... Nếu đúng như vậy, đây có lẽ là giải pháp phù hợp nhất, để chấm dứt đợt khủng hoảng, đưa thị trường lợn thịt trở về đúng quỹ đạo.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông