Giá tăng và nỗi lo bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm

10:31 11/11/2021

Thời gian gần đây, trong bối cảnh cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, thị trường cũng từng bước vận hành trở lại bình thường. Tuy nhiên nhìn từ Hải Phòng, diễn biến cho thấy nhiều mặt hàng thiết yếu đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, tạo nỗi lo không chỉ đối với an sinh xã hội hiện tại, mà còn rất bất lợi cho công tác bình ổn giá dịp cuối năm.

Giá rau củ quả đang ở mức rất cao

          Trước hết về phân khúc thực phẩm, nhóm hàng luôn thuộc diện thiết yếu nhất đối với nhu cầu cộng đồng. Trong đợt bùng phát lần thứ tư kể từ 27-4-2021, với cường độ lây lan mạnh mẽ do biến thể Delta, dịch Covid-19 đã làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng trên bình diện rộng, không chỉ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Riêng trong hoạt động thương mại, dịch vụ, thời điểm hàng loạt địa phương áp dụng các biện pháp mạnh, đồng thời giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, thị trường Hải Phòng đã xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả nhiều mặt hàng tăng đáng kể.

          Trong đó, khảo sát tại thị trường thành phố cho thấy, nguồn hàng khai thác từ các địa phương phía Nam hầu như đứt mạch, nhất là thực phẩm chế biến công nghệ, nhóm hàng mà thị trường Hải Phòng cơ bản rất yếu về khả năng tự cung.

          Bước sang tháng 10, khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng dịu bớt, một số hoạt động lưu thông được vận hành, thì liên tiếp nhiều đợt thời tiết xấu xuất hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến cả khâu sản xuất và lưu thông, đặc biệt là nhóm hàng rau màu.

Tính trong vòng một tháng qua, giá rau tăng gấp hơn hai lần so với mức bình quân nửa đầu năm, đáng lưu ý là, tất cả các loại rau bao gồm rau có lá, rau dạng củ quả đều tăng mạnh, đây là điều hầu như chưa xảy ra trong tiền lệ.

          Cũng liên quan đến nhóm hàng thực phẩm, điều đáng mừng là trong mấy tháng liên tục thị trường Hải Phòng cũng như cả nước chứng kiến sự giảm giá của mặt hàng lợn thịt, với mức đáy chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh cũng tính từ đầu năm đến nay.

Nhưng ngay trong nhóm hàng này cũng bộc lộ bất cập, khi giá lợn hơi giảm nhanh và sâu, nhưng giá thịt đã phân lọc giảm không tương xứng, rất cao so với tỷ lệ truyền thống.

Theo kinh nghiệm của những người chăn nuôi cũng như kinh doanh lợn thịt, thì thời gian qua giá thịt lợn thời điểm thấp nhất tính theo tỷ lệ thông thường tương ứng với giá lợn hơi khoảng 50 nghìn đồng/kg, nhưng thực tế đã có lúc giá lợn hơi giảm sâu xuống 35 nghìn đồng/kg, được thiết lập cách đây hai tuần.

Những ngày gần đây, giá lợn hơi lại tăng và luôn nhấp nhổm, cho thấy mặt hàng này còn nhiều điều đáng lo.

Giá xăng dầu tăng đang tạo áp lực cho thị trường hàng hóa

          Ở một diễn biến khác, vào chiều 26-10 vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố điều hành giá xăng dầu theo hướng tăng. Theo đó giá xăng RON92 tăng 1.427 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 1.427 đồng/lít; dầu Diesel tăng 1.171 đồng/lít… đưa giá các loại xăng dầu phổ biến trên thị trường lên mức cao nhất kể từ hàng chục năm qua.

Giá xăng dầu tăng đã trở thành một áp lực mới, gây khó khăn cho ngành dịch vụ vận tải bởi chi phí xăng dầu chiếm tỷ lệ rất cao trong giá cước vận chuyển.

Trong khi đối với Hải Phòng, lâu nay các hoạt động vận tải vốn rất phát triển, trên cả các dạng hình đường biển, đường sông, đường sắt, đường hàng không và đường bộ.

Bao gồm cả vận tải hàng hóa gắn với dịch vụ cảng biển, dịch vụ vận tải xây dựng, dịch vụ vận tải thương mại nội địa, dịch vụ vận tải hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh, vận tải hành khách và phương tiện cá nhân. Nếu hạch toán chi phí phát sinh do giá xăng dầu tăng, tổn hao của nền kinh tế thành phố là không hề nhỏ.

Mặt khác, giá xăng dầu tăng gây áp lực lên ngành vận tải là một lẽ, mà nỗi lo lớn hơn là khi giá cước tăng, sẽ ngay lập tức tác động vào giá thành sản xuất cũng như giá cả sản phẩm lưu thông trên thị trường, tạo ra hệ lụy dây chuyền trong cả nền kinh tế cũng như sinh hoạt cộng đồng.

Cũng trong thời gian qua, một mặt hàng nhạy cảm khác được coi là “anh em ruột” với xăng dầu là gas cũng đã có cũng có mấy tháng tăng liên tục, hiện mức bán lẻ bình quân của gas trên thị trường thành phố đâng khoảng 450 nghìn đồng/bình 12kg. Khỏi phải nói đến tác động của giá nhiên liệu đối với xã hội, bởi đây là nhóm hàng vô cùng thiết yếu, nên dù giá tăng cao đến mấy cũng phải dùng.

Trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, thu nhập của người dân phần nhiều giảm sút, lại đúng vào thời điểm nỗi lo về các khoản thu đầu năm học đã tạo ra tâm lý không mấy tích cực. Hơn nữa, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường hàng hóa, vốn dĩ cũng đang ngập ngụa trong thời dịch.

           Khảo sát thị trường thành phố những ngày gần đây cho thấy, phản ứng của hàng tiêu dùng trước việc giá xăng dầu tăng tuy chưa thực sự rõ nét, nhưng nó đang gây áp lực về tâm lý.

Đối với người tiêu dùng, khi thu nhập không tăng, lại phải tăng chi phí cho xăng dầu, gas, điện, nước thì đương nhiên các chi phí sinh hoạt khác phải giảm, hiệu ứng này như “đổ thêm nước vào bếp”, từ các nhà sản xuất, phân phối cho đến người tiêu dùng.

          Trước tình hình này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, vừa qua Ủy ban Nhân dân thành phố đã có ý kiến chỉ đạo các sở ngành liên quan, trong đó Sở Công thương giữ vai trò chủ trì, chủ động thực hiện các biện pháp nhằm điều hòa và cân đối cung, cầu, ổn định giá cả thị trường.

Hy vọng từ động thái này, thành phố sẽ đưa ra chính sách kịp thời và phù hợp, để ngăn chặn nguy cơ bất ổn của thị trường dịp cuối năm.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông