Giá thép xây dựng liên tục “nhảy múa”

10:27 17/04/2021

Sự đóng băng của thị trường bất động sản kéo dài hàng chục năm, cùng với những tác động khác là những nguyên nhân khiến thị trường thép xây dựng trong nhiều năm trở lại đây không mấy khởi sắc. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, giá thép xây dựng có sự gia tăng mạnh mẽ, hòa nhịp vào sự sôi động của thị trường bất động sản.

Giá thép xây dựng liên tục tăng trong thời gian qua

Nguyên nhân cộng hưởng

Trong hơn một năm qua, giữa những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hầu hết các ngành kinh tế đều bị tổn thất, ngành xây dựng cũng không phải ngoại lệ.

Trên bình diện chung của cả nước, tiến độ triển khai vốn cũng như thi công của nhiều công trình, dự án lớn đã diễn ra không theo kế hoạch dự kiến, có thời điểm phải ngưng trệ. Đây là nguyên nhân dẫn đến thị trường thép xây dựng không mấy suôn sẻ, giá giậm chân tại chỗ và tiêu thụ thiếu ổn định.

Nhưng ngay sau tết nguyên đán Tân Sửu 2021 gió đã đổi chiều, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng chính sách “trạng thái bình thường mới” của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các công trình, dự án xây dựng hoạt động tốt, giá thép xây dựng bắt đầu tăng mạnh, và cường độ tăng ngày càng cao, nhất là trong những ngày gần đây.

Chỉ trong tuần đầu của tháng 4, giá thép đã có 5 lần tăng, với mức tăng tương ứng trên 15%. Tính đến thời điểm hiện tại, giá thép đang ở mức cao hơn thời điểm đầu năm khoảng 27%, cụ thể giá bán lẻ tại một số đại lý đang áp dụng có mức bình quân trên 17 triệu đồng/tấn

Giá phôi đang ở mức rất cao, được cho là nguyên nhân chính gây biến động thị trường thép xây dựng

Một chủ doanh nghiệp kinh doanh thép ở quận Lê Chân nhận xét, đây là đợt tăng giá nhanh, mạnh nhất của thép xây dựng trong vòng 5 năm qua, kể từ đợt biến động mạnh năm 2016. Theo lý giải, bên cạnh những yếu tố liên quan đến các chính sách mới được áp dụng, giá thép tăng còn có nhiều nguyên nhân khác.

Trong đó như đã đề cập, sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình, dự án tiếp tục được triển khai là một trong những nguyên nhân tích cực. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay khá thích hợp cho việc thi công những công trình dân sinh, cũng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ thép thành phẩm.

Nhưng nguyên nhân lớn nhất, dẫn đến giá thép tăng được cho là do nguồn nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, thép phế, phôi… đang ở mức cao, với cả thị trường trong nước và thế giới. Đơn cử như giá quặng sắt hiện đang ở mức trên 170USD/tấn, tăng hơn 50% so với thời điểm cuối năm 2020.

Về nguyên nhân giá thép tăng mạnh có phải vì sức nóng của thị trường bất động sản? Chủ doanh nghiệp này cho biết, về cơ bản thị trường bất động sản đang rất nóng, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thị trường thép xây dựng. Bởi lẽ, với cơn sốt bất động sản hơn 10 năm trước, khi mà giá đất và giá nhà cùng chung nhịp điệu “bốc đồng”, nhu cầu xây nhà kinh doanh rất lớn, dẫn đến cường độ tiêu thụ thép xây dựng cũng như các vật liệu liên quan tăng cao.

Còn trong đợt sốt lần này, sức nóng phần lớn nằm ở đất, dù giá nhà cũng tăng mạnh nhưng quỹ nhà ở từng bị đóng băng trước đó vẫn còn khá lớn.

Chỉ mang tính cục bộ?

Nhìn lại diễn biến của thị trường thép xây dựng, thực tế với mức giá bình quân trên 17 triệu đồng/tấn như hiện nay chưa phải là đỉnh. Bởi thời điểm cao nhất giá thép đã từng đạt kỷ lục tới 22 triệu đồng/tấn, được thiết lập vào năm 2008.

Sau sự kiện “vỡ bong bóng bất động sản” đầu năm 2011, cộng với các chính sắt thắt chặt đầu tư công, giá thép xây dựng có những đợt lao dốc thê thảm, thời điểm thấp nhất được xác lập năm 2015 chỉ có 9 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, mức giá ổn định nhất được giữ bình quân trong vòng 10 năm qua vào khoảng 16,5 triệu đồng/tấn.

Như vậy, so với mức bình quân 10 năm, thì mức giá hiện nay không chênh lệch lớn. Ông T.- Một chủ thầu xây dựng ở quận Dương Kinh cho rằng: “nếu giá thép dừng lại và ổn định như mức vừa tăng thì là một chỉ số hợp lý cho cả thị trường, nhà cung cấp phôi, nhà sản xuất thành phẩm và cả nhà thầu…”.

Tuy nhiên, theo ông T.,  thép xây dựng tăng giá với nhiều thang bậc trong thời gian ngắn vừa qua cũng đã tác động không nhỏ đối với một số công trình xây dựng, làm đau đầu nhiều nhà thầu, nhất là những nhà thầu lớn. “Vì các công trình lớn đều được khái toán hoặc dự toán từ trước đó rất lâu, khi mà giá thép cơ sở để xây dựng kế hoạch còn rất thấp…” – ông T. nói.

Nhiều công trình dự án lớn đang bị áp lực khi giá thép tăng cao

          Đối với các công trình dân sinh, ông T. cho biết, thép xây dựng chiếm tỷ lệ bình quân 15% trong cơ cấu tiêu chuẩn, nên việc giá thép tăng liên tục thời gian qua cũng khiến không ít nhà thầu nhỏ bị tổn hại, khi nhận khoán công trình.

Điều đáng lo là, thị trường thép biến động rất dễ kéo theo sự biến động của những mặt hàng khác trong nhóm vật liệu xây dựng. Hiện tại, hầu hết giá bán các loại vật liệu thô như gạch, cát, đá, xi măng… đang tương đối ổn định, giá một số nhóm sản phẩm khác như nội thất, sơn công nghiệp, vật liệu điện – nước cũng tương tự.

Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt, nếu nhu cầu xây dựng tăng thực sự, thì rất có thể những sản phẩm liên quan sẽ bị tác động trước sự gia tăng của giá thép.

          Cũng theo ông T., biến động của thị trường thép cũng như vật liệu xây dựng nói chung thường mang tính cục bộ. Bởi có cầu ắt có cung, trong điều kiện cạnh tranh hiện nay, mặt hàng thép không phải là độc quyền, khi giá tăng cao thì sẽ có rất nhiều nguồn cung được khai thác, thị trường sẽ trở lại bão hòa, giá cũng vì thế mà giảm theo.

Hơn nữa, ngoài những nguyên nhân nêu trên, vật liệu xây dựng cũng lệ thuộc rất lớn vào chi phí vận chuyển, nếu giá xăng dầu giảm, sẽ giúp cân đối cơ cấu giá khi sản phẩm được đưa ra bán lẻ. Chưa kể, chỉ một thời gian ngắn nữa là đến mùa mưa, thời tiết không thuận lợi cho ngành xây dựng, nhu cầu  tiêu thụ vật liệu nói chung sẽ giảm.

Tựu chung lại, nếu những nguyên nhân chỉ mang tính khách quan, biến động của thị trường thép xây dựng khó tạo ra những ảnh hưởng có tính lan truyền dẫn tới bất ổn cho thị trường hàng hóa nói chung. Thậm chí, nếu tính toán chi tiết thì nhóm mặt hàng này còn nằm trong tình trạng giảm phát.

Kinh nghiệm của những đợt biến động trước cũng cho thấy, việc giá thép “nhảy múa” thời gian này rất có thể chỉ mang tính cục bộ, chưa đủ thành “dầu” để khơi lên “ngọn lửa” cho ngành Xây dựng.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông