Giá thủy hải sản “nhích" sau tết

12:19 03/03/2018

Sau gần chục ngày Tết với các loại thịt gà, thịt ngan, giò chả ê hề, nhiều gia đình đã tìm mua tôm, cá, ngao, cua… để chống ngán khiến cho giá mặt hàng thủy sản tăng lên trong khi các loại thịt, rau hầu như vẫn “đứng yên”…

Dạo quanh một vòng khảo giá các mặt hàng tại một số chợ nội thành như chợ Ga, chợ Lương Văn Can, chợ Hòa Bình, chợ Đôn…, theo ghi nhận của chúng tôi, nhìn chung mặt hàng thực phẩm gồm rau xanh và các loại thịt cá khá ổn định do nguồn cung dồi dào. Theo một số tiểu thương, năm nay nguồn hàng đầu năm khá ổn định. Giá cả hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống đều rất rẻ, song nhu cầu mua sắm lại không cao.

Thông thường mọi năm, sau dịp Tết nhiều thịt mỡ dưa hành, người dân sẽ mua nhiều rau ăn "chống ngán". Nhưng năm nay, sau tết sức mua khá yếu, trong khi nguồn cung dồi dào nên rau vẫn giữ giá như thời điểm trước tết, thậm chí nhiều loại rau như bắp cải, su hào, cải xoong còn giảm. Chị Vũ Thị Hằng – chủ một quầy rau ở chợ Vạn Mỹ cho biết – năm nay do thời tiết thuận lợi nên rau vụ đông và xuân phát triển tốt, lượng hàng nhiều nên cả trước và sau tết không có tình trạng cháy hàng.

Tại gian hàng của chị, thậm chí nhiều loại rau xanh còn giảm giá so với trong Tết. Cà chua giảm 1.000 đồng chỉ còn 9.000 đồng/kg. Cà rốt, khoai tây đứng yên quanh mức 12.000-15.000 đồng/kg. Thậm chí những loại rau thường được sử dụng cho lẩu như cải xanh, cải cúc, ngải… cũng vẫn chỉ giữ nguyên mức giá như trước tết mà thôi.

Bên cạnh rau xanh, các loại thịt giá cũng trở về ngang bằng với thời điểm trước tết, nhất là thịt lợn. Mùng 6 Tết, tại chợ Lương Văn Can, giá thịt mông sấn đã ở mức 75.000-80.000 đồng/kg, thịt ba chỉ ở mức 70.000-75.000 đồng/kg. Gà sống giá 110.000-130.000 đồng/kg, hầu như không thay đổi từ trước Tết đến nay dù số lượng người bán không quá nhiều.

Ngược lại với rau xanh và thịt, một số loại thủy hải sản có dấu hiệu tăng giá. Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, sản lượng hàng hóa thủy hải sản về các chợ không nhiều, trong khi đó sức mua mặt hàng này lại tăng, đặc biệt là các mặt hàng tôm, cá tươi sống, nhất là tôm, cua hiếm hàng, cung không đủ cầu.

Tại chợ Ga, giá tôm sú tăng loại 10-12 con/kg giá trung bình từ 570.000-600.000 đồng/kg, trong khi những ngày trước Tết chỉ từ 480.000-500.000 đồng/kg.

Ở khu vực chợ Hòa Bình, giá cá vược trung bình tăng 30.000 đồng lên 140.000 đồng/kg. Cá quả đắt thêm 20.000 đồng lên 120.000 đồng. Cá bống tăng thêm 30.000 đồng lên 170.000-200.000/kg. Tôm trứng tăng thêm 50.000 đồng lên tầm 200.000 đồng/kg. Một số loại mực cũng tăng giá quanh mức 30.000-50.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Hải - tiểu thương chợ Lương Văn Can, cho biết, sở dĩ giá mặt hàng các loại thủy hải sản tăng giá là do lượng cung nguồn hàng này tương đối khan hiếm so với thịt và rau. Trước tết cả tuần tàu cá đã nghỉ nên hải sản chỉ chủ yếu là đồ đông lạnh. Sau tết, một số tàu bè ở các vùng ven biển chưa đi đánh bắt lại trong khi nhu cầu của người dân sau Tết tăng cao dẫn đến lượng hàng thiếu hụt.

Theo đánh giá, mặc dù giá các mặt hàng thủy hải sản tương đối tăng so với rau xanh và thịt các loại, tuy nhiên do 2 loại thực phẩm chủ chốt trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày tương đối bình ổn nên có tác dụng “neo giữ” giá thủy hải sản nhích lên ở mức vừa phải, không quá đột biến. Từ nay đến hết rằm tháng Giêng, các mặt hàng thủy hải sản tiếp tục giữ giá ở mức khá cao so với rau xanh và thịt các loại. Phải chờ sau những chuyến đi biển đầu năm trở lại hoạt động bình thường, nguồn cung dồi dào thì mặt bằng chung của các loại thực phẩm mới trở lại bình thường.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông