09:24 19/04/2024 Giá vàng tại Hải Phòng và trong nước thời gian qua liên tục lập đỉnh mới. Những dự báo về việc giá vàng đã lên tới “đỉnh” 79-80 triệu đồng đã không chính xác. Thay vào đó, giá vàng miếng SJC có thời điểm lên tới gần 85 triệu đồng/lượng, mức kỷ lục từ trước tới nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhà quản lý đau đầu, doanh nghiệp và người dân thì luôn băn khoăn trước câu hỏi: nên mua hay nên bán; nên tích trữ vàng hay không khiến câu chuyện về vàng những ngày qua luôn luôn nóng.
Băn khoăn, lo ngại
Chị Nguyễn Thùy Dương ở quận Lê Chân thời gian qua như ngồi trên đống lửa. Theo dõi giá vàng hàng ngày, cả gia đình lo lắng. Đó là vì cách đây 2 năm, khi mua ngôi nhà tại phường Đằng Hải, vì thiếu tiền, chị đã vay vàng. Với số lượng khoảng 20 lượng vàng, lúc đó chỉ có 57 triệu đồng/lượng, nay mỗi lượng tăng hơn 20 triệu đồng nữa mà chị chưa thể gom đủ tiền mua vàng trả nên lo ngày lo đêm. Chị cho biết, nếu vàng cứ phi mã, có thể chị phải đi vay nóng để mua vàng trả nợ cho xong, nếu không thì số tiền phải trả thêm cứ nhân lên mãi.
Chị Lê Minh Hải cũng ở quận Lê Chân thì cứ băn khoăn mãi với câu hỏi: có nên bán vàng trong lúc này? Theo chị, bán vàng lúc này có thể có lãi (chị mua vàng khi mới có 67 triệu đồng/lượng), nhưng bán rồi thì tiền để làm gì? Bán xong rồi vàng lên cao nữa thì có mua được không? Vì là mua vàng với mục tiêu tích trữ là chính nên mặc dù rất phân vân nhưng cuối cùng chị quyết định giữ vàng lại, coi như một tài sản để dành của gia đình.
Là người có đầu óc kinh doanh nên khi thấy vàng manh nha tăng giá, anh Nguyễn Sĩ Đại ở quận Ngô Quyền đã mạnh dạn rút hết 2 tỷ đồng gửi ngân hàng ra mua vàng. Lúc đó, giá vàng SJC mới ở mức 67 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn 9999 Doji có 57 triệu đồng/lượng. Đến thời điểm này, khi vàng ngấp nghé 80 triệu đồng, anh mang bán hết và kiếm lời vài trăm triệu đồng. Anh còn tiếc, giá có nhiều tiền hơn để mua vàng và giá để vàng lại thêm ít thời gian nữa thì còn được lãi nhiều hơn.
Như thế có thể thấy, giá vàng tăng mang lại rất nhiều cảm xúc cho cả người bán và người mua. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, người bán chốt lời nhiều hơn người mua và tâm lý giữ vàng tích trữ vẫn ăn sâu trong tiềm thức người dân. Bởi vậy, mặc dù giá vàng tăng cao nhưng thị trường vàng tại Hải Phòng không quá sôi động, lượng người mua, bán không nhiều. Điều đó cho thấy, người dân cũng đang nghe ngóng từng diễn biến của giá vàng và không quá vội vàng mua vàng, khác hẳn với thời gian trước đây khi giá vàng tăng là đổ xô đi mua. Tuy nhiên, theo các cửa hàng vàng trên đường Cầu Đất, gần đây, nhiều người đi bán vàng miếng để tích trữ vàng nhẫn vì vàng nhẫn có mức giá gần sát với giá thế giới hơn và vì vừa qua nhiều người mua vàng nhẫn có mức chênh lệch giá bán không kém vàng miếng là bao nhiêu, giá lại rẻ hơn. Bởi thế, có thời điểm, vàng nhẫn hơi khan hàng nhưng đến thời điểm này đã cân bằng trở lại.
Sớm có biện pháp quản lý
Điều mà nhiều người dân băn khoăn là tại sao giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới trong nhiều năm liền vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi, vẫn thế”. Ở thời điểm này, thị trường vàng biến động liên tục, có lúc vàng miếng vượt đỉnh lịch sử lên gần 85 triệu đồng, vàng nhẫn chạm 78 triệu đồng một lượng. Chênh lệch với giá thế giới tăng cao, vàng nhẫn trong nước cao hơn từ 5,5-6,5 triệu đồng/lượng, còn vàng miếng chênh quanh 13 triệu đồng/lượng.
Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng cao là do giá vàng thế giới cũng liên tục tăng, đến cuối tuần qua đã lên tới gần 2400 USD/ounce. Tuy nhiên, điều đáng nói là tại sao giá vàng nhẫn, vàng miếng ở trong nước luôn cao hơn giá thế giới. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định như Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng quốc gia, cấm nhập khẩu vàng… đã khiến nguồn cung vàng trong nước hạn chế. Người dân Việt Nam có tâm lý tích trữ vàng để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro và trong bối cảnh vàng SJC được xác định là vàng thương hiệu quốc gia, người dân có xu hướng chọn thương hiệu được xem là tin cậy nhất để tích lũy. Trong khi cung hạn chế, mà cầu lớn thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu, từ đó đẩy giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, nếu cho nhập vàng nguyên liệu, xóa độc quyền vàng miếng nhãn hiệu SJC... sẽ thu hẹp được chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế, thay vì cao hơn hàng chục triệu đồng một lượng như hiện nay.
Thực tế đó cho thấy, cần có biện pháp quản lý thị trường vàng một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục có công điện về quản lý thị trường vàng. Mới nhất, ngày 11-4-2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ (Nghị định 24).
Trong đó, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Thủ tướng cũng yêu cầu cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Ngày 12-4, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, đã sẵn sàng các phương án can thiệp và kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trên toàn quốc trong hai năm 2022-2023. Với thị trường vàng miếng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai ngay việc tăng cung vàng miếng để giảm chênh lệch so với thế giới. Còn với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Đối với Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung và triển khai trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, với những bất ổn về chính trị trên thế giới, giá vàng thế giới có thể còn tiếp tục tăng, không loại trừ có thể lên tới 2500- 2800 USD/ounce. Do đó, các biện pháp quản lý thị trường vàng trong nước cần phải quyết liệt và hiệu quả hơn. Trong đó, cần giảm “ngay và luôn” mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng với đó, cần có các giải pháp hữu hiệu để quản lý thị trường vàng.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, nên thành lập sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả theo đúng xu hướng của thế giới. Sàn giao dịch sẽ góp phần lưu thông mua bán vàng và cũng là công cụ để điều hoà thị trường. Khi thị trường vàng trong nước và quốc tế không thông nhau sẽ khiến chênh lệch giá vàng lớn khiến những người có nhu cầu sở hữu vàng, cất trữ vàng bị thiệt hại, phải mua vàng với giá rất cao và là một trong những nguyên nhân dẫn tới nhập lậu, buôn lậu vàng. Cũng có ý kiến cho rằng, cần có biện pháp mạnh hơn để giảm tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng trong dân. Theo ước tính, hiện có khoảng hơn 400 tấn vàng trong dân. Có giải pháp để người dân đưa vàng ra đầu tư sản xuất, kinh doanh sẽ mang lại những lợi ích rất to lớn cho nền kinh tế./.
Hồng Thanh
17:14 23/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết