11:08 29/05/2018 Mới chớm hè nhưng cái nắng chói chang cùng tiết trời oi bức khiến những quán giải khát vỉa hè đua nhau mọc lên phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Dọc các tuyến phố chính, trong các chợ, thậm chí các ngõ ngách trong khu dân cư… đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp một quán giải khát nhỏ với vài vật dụng đơn giản như bàn, ghế, máy ép nước mía cùng nỗi lo tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của những người “kỹ tính”...
Lễ mễ xách nặng 2 túi đầy những rau củ, cá thịt, bà Nguyễn Thị Xuyến, ở ngõ 415 Lê Thánh Tông, cố rảo bước đến quán nước nước mía giữa chợ Bình Hải. Đặt phịch 2 túi xách xuống đất, bà gọi cốc nước mía được người bán hàng đựng sẵn trong túi nilon. Lấy tay xua con ruồi lì lợm đậu trên miệng túi, bà Xuyến làm một hơi hết sạch, trả tiền rồi lại lặc lè xách túi về mặc đám ruồi nhặng bâu dưới đống bã mía dưới đất nhao nhao loạn xạ.
Các quán giải khát vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP (ảnh minh họa)
Đã 17h30 mà cái nắng vẫn còn hầm hập phả nhiệt xuống đường, ông Bùi Ngọc Đức, ở ngõ 191 Đà Nẵng, dắt tay thằng cháu đích tôn đi loanh quanh tìm chỗ hóng mát. Qua quán giải khát trong chợ, thằng bé 4 tuổi cứ nằng nặc đòi ăn chè thập cẩm. Cháu đòi quá nên ông đành dừng lại. Cô bán hàng vừa nhanh nhảu khen đứa bé kháu khỉnh, vừa thoăn thoắt múc đủ loại xanh, đen, đỏ, vàng, cam… đựng trong các hộp nhựa trên bàn mà ông chẳng biết chính xác nó là những cái gì. Tặc lưỡi “thiên hạ ăn được thì cháu mình cũng ăn được”, ông Đức rút tiền trả cốc chè thập cẩm, nhìn thằng đích tôn hỉ hả ăn ngon lành mà gợn lên nỗi lo không biết trả lời con dâu thế nào nếu cháu bé…
Quả thật, vào những ngày hè nóng bức khiến nhiều người trễ nải cơm canh thì thức uống giải nhiệt là sự lựa chọn của rất nhiều người. Mua đồ về nhà làm thì lách cách, mất thời gian lại không đa dạng. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều quán giải khát vỉa hè đua nhau mở ra để kinh doanh kiếm lợi.
Chị Phạm Thị Hằng, chủ quán giải khát vỉa hè trên đường Lê Thánh Tông cho biết: Bình thường tôi chỉ bán đồ ăn sáng cho công nhân và học sinh nhưng hè đến, nhu cầu giải khát của người dân tăng mạnh nên tôi bán thêm trà sâm, bông cúc, nước mía, nhân trần cho mọi người. Suốt từ 7h sáng đến 22h đêm, lúc nào cũng có khách. Cứ hè đến là tôi phải gọi thêm cô em gái ở quê ra phụ giúp. Trời càng nóng càng đông khách, những ngày đó kiếm triệu bạc không hề khó vì quán gần trường học và công ty giày da. Chị em tôi túc tắc suốt mấy tháng hè cũng gấp mấy lần bán quà sáng.
Theo anh Nguyễn Văn Sơn, chủ quán nước mía trên đường Nguyễn Văn Linh, “Việc đầu tư một quán nước không tốn nhiều tiền mà thu hồi vốn nhanh rất nhanh. Chỉ cần vài triệu để mua máy ép nước mía, bàn, ghế, cốc…, đắt khách thế này chỉ hơn tháng là có thể thu lãi. Hết mùa máy móc, bàn ghế, cốc chén cất đi, năm sau lại dùng tiếp”, chỉ đầu tư ban đầu thôi.
Không cần nhiều chi phí, vật dụng tái sử dụng được, thu hồi vốn nhanh, lãi lớn nên các quán nước vỉa hè thi nhau “nở rộ” dịp hè trong mấy năm nay. Đi dọc những dãy phố, tuyến đường nội, ngoại thành, hàng loạt quán giải khát mọc lên khắp các vỉa hè. Các mặt hàng tại quán này cùng rất đa dạng, từ các loại thức uống đóng chai có thương hiệu đến các đồ uống tự chế như: nhân trần, trà đá, nước sấu, nước dâu, nước xay sinh tố từ cà rốt, rau má, diếp cá… Phong phú là thế nhưng cách bảo quản, pha chế các thực phẩm này thì khó ai chắc chắn bảo đảm vệ sinh hoàn toàn.
Trời càng nóng, quán giải khát càng bán chạy. Phần lớn người dùng khi có nhu cầu thường tiện đâu mua đó chứ hiếm người bận tâm, cầu kỳ “chọn mặt gửi vàng”. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều quán nước mía trong chợ bán sát hàng cá, thịt. Mía đã róc vỏ được đựng trong các xô nhựa đặt dưới đất, không có gì che đậy, hứng nắng gió và bụi, là thiên đường giải khát cho lũ ruồi nhặng. Bã mía xay xong chất đống ngay dưới máy ép, nắng nóng lên men bốc mùi oải nồng khó chịu.
Hình ảnh ruồi nhặng bu bám. Xô tráng cốc vẩn đục. Nước mía ép chảy vào trong bình nhựa cáu bẩn, tay người bán vừa róc vỏ, đếm tiền, quệt mồ hôi, nhặt đá bỏ vào cốc cho khách thưởng thức là chuyện thường thấy. Đó là chưa kể những người bán hàng không biết có được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hay những nguy cơ về chất lượng các loại đá viên, đá xay; nguồn gốc, xuất xứ những nguyên liệu chế biến ra các loại sâm lạnh, astiso hay trân châu, chè thập cẩm xanh đỏ tím vàng đựng trong các hộp nhựa ra sao thì chỉ người bán mới biết.
Hè đến, nhu cầu giải khát tăng đột biến. Bên cạnh những quán nước bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP) thì vẫn còn nhiều quán tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Vì vậy rất cần các cơ quan chức năng tăng cường mạnh mẽ việc kiểm tra, giám sát chất lượng của những quán vỉa hè này nhằm đem lại một mùa hè thực sự bảo đảm an toàn cho tất cả người dân thành phố.
Bùi Hạnh
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết