Giải ngân vốn đầu tư công chậm Cần quyết liệt thực hiện các giải pháp

21:48 29/07/2024

Tính đến ngày 30/6/2024, vốn đầu tư công năm 2024 của thành phố giải ngân đạt hơn hơn 5.500 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 17.000 tỷ đồng), 28% kế hoạch HĐND thành phố giao (gần 20.000 tỷ đồng). Trong khi đó, cùng kỳ năm 2023, Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công đạt 32% kế hoạch HĐND thành phố giao; 54,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng còn chậm, cần có các giải pháp quyết liệt hơn để phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn trong năm 2024.

                                                                      Nhiều lý do chậm trễ

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, với kết quả này, Hải Phòng xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 1/5 thành phố trực thuộc Trung ương về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2024 theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước đến hết tháng 6 là 29%).

Tuy vậy, so với yêu cầu, thực tế phát triển của thành phố thì tiến độ bị chậm khá nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.

Theo Sở KHĐT, HĐND  thành phố đã giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án thành phố gần 11.240 tỷ đồng, chiếm khoảng 56% tổng kế hoạch vốn của thành phố; bổ sung có mục tiêu và phân cấp cho các địa phương hơn 4.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 21,5% tổng kế hoạch vốn;  xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu 3.350 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,8% tổng kế hoạch vốn; ghi chi tiền đất  1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5%... Đến thời điểm này kiểm điểm lại thì cả 4 nội dung trên đều bị chậm.

                                                                           Nút giao đường Máng nước nhìn từ trên cao

Trong đó, nổi lên là công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phố rất chậm. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng được giao kế hoạch vốn hơn 3.340 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn cho các dự án thành phố. Tuy nhiên trong số 23 dự án được giao kế hoạch vốn, có 16 dự án được bố trí kế hoạch vốn cho chi phí giải phóng mặt bằng, với tổng kế hoạch vốn cho chi phí giải phóng mặt bằng được giao là 1.092 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, chi phí giải phóng mặt bằng mới giải ngân được 168 tỷ đồng/1.092 tỷ đồng, đạt 15,4% kế hoạch vốn được giao cho công tác giải phóng mặt bằng.

Có thể kể tới như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến Quốc lộ 10, huyện Vĩnh Bảo được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 445 tỷ đồng. Trong đó, bố trí vốn cho GPMB là 303 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2024 chỉ giải ngân được 15 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch vốn đã giao.

Dự án đầu tư xây dựng cầu sông Hóa, nối giữa huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 143 tỷ đồng, trong đó bố trí vốn cho GPMB  94 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 6 chưa giải ngân được đồng nào.

Ngoài ra, thủ tục đầu tư mất nhiều thời gian cũng là lý do dẫn tới giải ngân chậm. Cụ thể là kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đấu thầu thiết kế; thiết kế; thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế; đấu thầu gói xây lắp... mất rất nhiều thời gian. Đối với dự án lớn, việc trình Bộ, ngành Trung ương thẩm định thiết kế kỹ thuật cũng mất hàng tháng hoặc hơn nữa, chưa nói tới các thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn.  

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hải Phòng được giao gần 3.100 tỷ đồng, chiếm 27% tổng vốn thành phố giao cho các dự án; đến ngày 30/6/2024, mới giải ngân 1.066 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 35% kế hoạch giao. Cùng với đó, còn nhiều lý do như chậm trễ về nguồn vốn góp của các doanh nghiệp (280 tỷ đồng) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; chậm thực hiện bồi thường GPMB và đầu tư cơ sở hạ tầng, đấu giá quyền sử dụng đất của các địa phương. Nguồn vốn xây dựng xã NTMKM hàng nghìn tỷ đồng mới đang ở bước hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa giải ngân.

                                                                        Nhiều giải pháp quyết liệt

Giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng của thành phố, được xác định là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Chính vì thế, từ đầu năm, lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm tới giải ngân vốn đầu tư công. Trong các Thông báo kết luận các kỳ họp thường kỳ hàng tháng của Ban Thường vụ Thành ủy và kết luận Hội nghị Thành ủy lần thứ 16 đều có nội dung chỉ đạo về công tác giải ngân đầu tư công. Ngày 22/5/2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

 Để tháo gỡ, vướng mắc khó khăn cho Sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chủ trì họp với lãnh đạo các Sở, ngành, các quận, huyện, nghe báo cáo và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng xã NTMKM; phê duyệt các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; các dự án đang thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành...

 Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân chủ trì 3 cuộc họp với lãnh đạo các Sở, ngành, các quận, huyện để đôn đốc giải ngân. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng chi tiết đến từng hạng mục, công trình; thường xuyên, bám sát kế hoạch giao, tổng hợp, tiến độ hàng tuần để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tăng tốc giải ngân.

Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, thành phố yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 sẽ là một trong các tiêu chí để đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ UBND thành phố, Chủ tịch UBND  thành phố giao đối với người đứng đầu sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các quận, huyện.

Cầu Bến Rừng mới hoàn thành, đưa vào sử dụng có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cao

Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới công tác GPMB, bồi thường hỗ trợ tái định cư; khẩn trương thực hiện quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố; phối hợp với các sở, ngành khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn từ những dự án giải ngân thấp, có khả năng hấp thụ kém sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn, khả năng hấp thụ tốt hơn.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, đặc biệt là các địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn thành phố phân cấp quận, huyện đạt thấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để tăng tốc giải ngân. Trong đo lưu ý kịp thời giải quyết các vướng mắc thủ tục đầu tư, GPMB để triển khai các dự án, đặc biệt là công trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của các huyện: Tiên Lãng, An Dương, An Lão, Kiến Thuỵ.

 Cùng với đó, yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư chủ động sớm chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ các dự án, đảm bảo khi được phân bổ vốn có thể triển khai được ngay và giải ngân số vốn được giao năm 2024.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 tổ chức ngày 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng. Trung ương, Chính phủ chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt 5 quyết tâm, 5 bảo đảm trong giải ngân vốn đầu tư công. 

"5 quyết tâm" gồm: giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi tiêu cực; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng kịp thời gian; quyết tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục; đổi mới phương pháp, cách làm, đổi mới sáng tạo, ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số;  khắc phục bằng được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai.

  "5 bảo đảm" gồm: chủ động nguyên vật liệu (nhất là cát sỏi, đất đắp nền…) và các điều kiện cần thiết cho các dự án;  bảo đảm nhân lực có tâm, có tầm, có trách nhiệm (có phương án huy động đủ nhân lực, bố trí thêm khi cần đẩy nhanh tiến độ…); bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, công tác tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quản lý đúng quy định, không kéo dài, đội vốn, gây thất thoát vốn; bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Làm được như vậy, chắc chắn 6 tháng cuối năm, Hải Phòng sẽ tăng tốc đẩy nhanh tiếp độ giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển./.

                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông