17:46 05/11/2024 Tính đến hết tháng 9, thành phố Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công đạt 8887,6 tỷ dồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (17.019 tỷ đồng); 44% kế hoạch thành phố giao (19.972,7 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân là 147,563 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 20%; vốn ngân sách thành phố đã giải ngân là 8.740 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45% kế hoạch thành phố giao.
Đây là tỷ lệ giải ngân không cao, trong khi yêu cầu phát triển của thành phố đang đòi hỏi rất cấp bách về tiến độ hoàn thành các công trình, dự án. Vì vậy, quyết tâm, quyết liệt, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công được thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong 3 tháng cuối năm.
Kết quả giải ngân chưa đồng đều
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, 9 tháng năm 2024, Hải Phòng giải ngân đạt 44%, trong khi cùng kỳ năm 2023 đạt tỷ lệ 55%. Đây là sự thụt lùi khó chấp nhận, nhất là khi Hải Phòng từ thứ hạng thứ 6 năm 2023 lùi xuống thứ 27 năm 2024. Quan trọng hơn là có nhiều dự án tiến độ triển khai rất chậm. Bên cạnh một số địa phương, đơn vị có tiến độ giải ngân khá thì vẫn có nhiều trường hợp có tốc độ “rùa bò”.
Cụ thể, đối với các dự án do UBND thành phố giao kế hoạch vốn, có 22 Chủ đầu tư được giao tổng cộng 10.752,4 tỷ đồng, đến ngày 30/9/2024 đã giải ngân được 5.254,7 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch vốn. Trong đó, có 6 Chủ đầu tư giải ngân từ 69% trở lên (tương ứng mức giải ngân cần đạt trong 9/13 tháng), gồm: Sở Y tế (100%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (100%), huyện An Lão (100%), huyện Vĩnh Bảo (90,22%), quận Ngô Quyền (72%), huyện Tiên Lãng (70%).
Có 7 chủ đầu tư giải ngân dưới 69% và trên mức bình quân chung, gồm: huyện Kiến Thụy (68%), huyện Thủy Nguyên (67,4%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng (62,3%), quận Lê Chân (60,4%), Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp (56,1%), quận Dương Kinh (55%), quận Kiến An (50%).
Tuy nhiên, có 9 chủ đầu tư giải ngân dưới mức bình quân chung, gồm: quận Hải An (48%), huyện Cát Hải (48%), quận Đồ Sơn (47,2%), Công an thành phố (43%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng (35%), quận Hồng Bàng (34%), Sở Thông tin và Truyền thông (32,5%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (21,2%), Sở Giao thông vận tải (20%).
Đối với nguồn vốn đầu tư công bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, đến ngày 30/9/2024, 15 quận, huyện đã giải ngân 1.797,4 tỷ đồng / 4.649,7 tỷ đồng, đạt 39%. Trong đó, có 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 69%, gồm: huyện Kiến Thụy (71%), huyện Tiên Lãng (69%); 7 địa phương giải ngân dưới 69% và trên mức bình quân chung, gồm: quận Đồ Sơn (63%), huyện Bạch Long Vĩ (58%), huyện An Lão (56%), huyện Thủy Nguyên (56%), huyện Cát Hải (53%), quận Lê Chân (50%), huyện Vĩnh Bảo (47%); 6 địa phương giải ngân dưới bình quân chung, gồm: quận Dương Kinh (38%), quận Ngô Quyền (29%), quận Kiến An (26%), quận Hải An (24%), huyện An Dương (16%), quận Hồng Bàng (14%).
Đối với vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, đến ngày 30/9/2024, 6 huyện đã giải ngân 1.761,4 tỷ đồng / 3.490 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 50,5%. Cụ thể, có 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 69% là huyện Thủy Nguyên (79%); 5 địa phương giải ngân dưới bình quân chung, gồm: huyện Vĩnh Bảo (49,6%), huyện An Dương (49,5%), huyện Tiên Lãng (42,6%), huyện An Lão (38%), huyện Kiến Thụy (24,6%).
Lý do chính khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm là GPMB chưa theo kịp tiến độ. Như tại dự án thi công cầu Lại Xuân, việc không có mặt bằng thi công khiến các nhà thầu phải tạm dừng do công tác giải phóng mặt bằng cả 2 bờ phía huyện Thủy Nguyên và thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) chưa hoàn thành. Cụ thể, phía xã Yên Đức (thị xã Đông Triều) mặt bằng thi công 2 trụ và 500m đường dẫn; phía huyện Thủy Nguyên diện tích 9.800 m2 đất Trại giam Xuân Nguyên để thi công 3 trụ và 700 m đường dẫn chưa được bàn giao. Hiện, dự án chậm tiến độ 6 tháng so với kế hoạch, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân.
Cũng như vậy, dự án xây dựng tuyến đường từ đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến quốc lộ 10 huyện Vĩnh Bảo gặp nhiều vướng mắc liên quan đến GPMB, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ thi công và giải ngân vốn cầu Tiên Thanh và đoạn đường hơn 1,6 km từ cầu Tiên Thanh đến quốc lộ 10.
Ngoài ra, kết quả giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu cũng liên quan tới tốc độ thu tiền sử dụng đất của một số địa phương; tới việc giao vốn và trình tự, thủ tục đầu tư kéo dài…
Tăng tốc giải ngân
Thực tế, từ đầu năm tới nay, thành phố rất quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy có cuộc họp chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công và chỉ đạo cụ thể tới từng địa phương, đơn vị. HĐND thành phố tổ chức phiên giải trình về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số dự án và yêu cầu tăng tốc giải ngân trong những tháng cuối năm.
UBND thành phố chỉ đạo các tổ công tác tăng cường nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư hằng tuần, hàng tháng tổng hợp tiến độ giải ngân từng dự án. Văn phòng UBND thành phố, các Sở, ngành, địa phương tham mưu lãnh đạo UBND thành phố kiểm tra định kỳ tiến độ công trình, dự án để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ gắn với giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khối lượng thi công lớn, có khả năng hoàn thành và đang cần vốn…
Tại hội nghị Thành ủy lần thứ 17, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng nhấn mạnh, chuyển biến về kết quả giải ngân đầu tư công từ sau hội nghị chuyên đề của Thường trực Thành ủy đến nay còn rất chậm, có chủ đầu tư không có chuyển biến nào.
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, tỷ lệ giải ngân thấp cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng GRDP do nguồn vốn đầu tư công là công cụ “bơm”, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng các ngành sản xuất, dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, qua làm việc với các địa phương, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm chủ yếu là do yếu tố chủ quan từ các sở, ngành và địa phương chưa chủ động chuẩn bị trước các hồ sơ, thủ tục dự án; hoặc đã chủ động nhưng phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần do sai sót; một số trường hợp phối hợp chưa nhịp nhàng, hiệu quả. Từ đó, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương rà soát, nghiêm khắc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, có nguyên nhân khách quan là do số vốn đầu tư công năm 2024 lớn; do các quy định mới của Luật đất đai, Luật nhà ở dẫn đến thủ tục giải phóng mặt bằng, đấu giá đất chậm. Đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động làm việc với từng địa phương, từng chủ đầu tư để hướng dẫn, tháo gỡ và phải chịu trách nhiệm trong việc triển khai, áp dụng các quy định mới.
Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Theo đó, toàn hệ thống chính trị và các địa phương tập trung tối đa hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao; ưu tiên số 1 giải quyết thủ tục cho các dự án, nhiệm vụ liên quan đến giải phóng mặt bằng, đấu giá đất…, phấn đấu đạt tỷ lệ 95-98% trong năm 2024./.
Hồng Thanh
22:22 06/12/2024
15:57 06/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: 7 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao
Cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, video clip “nhạy cảm” để tống tiền
Tuyên truyền phòng phòng, chống mua bán người đến hơn 400 cán bộ, đoàn viên thanh niên
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão