11:03 13/03/2020 Hiện nay, cũng như các địa phương khác trên cả nước, chương trình học của học sinh Hải Phòng đã phải lùi lại gần 2 tháng do dịch Covid-19. Đối mặt với các kỳ thi chuyển cấp đã cận kề, học sinh lớp 9 và lớp 12 có nhiều áp lực ôn tập. Chương trình dạy học trên truyền hình dù còn nhiều điểm hạn chế nhưng cũng góp phần giúp các học sinh cuối cấp có thêm kênh tự học, tự ôn tập, đảm bảo kiến thức để bước vào các kỳ thi quan trọng sắp tới…
UBND thành phố đồng ý chủ trương của Sở GD-ĐT về dạy học trên truyền hình
Thêm một giải pháp dạy học từ xa
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa có văn bản hỏa tốc về việc dạy học trên truyền hình đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 trong thời gian học sinh nghỉ học do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, UBND thành phố đồng ý chủ trương đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc phát sóng trên kênh truyền hình Hải Phòng (THP) các chủ đề kiến thức dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trong thời gian học sinh nghỉ học. Đồng thời giao Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện phát sóng trên kênh truyền hình Hải Phòng các chủ đề kiến thức dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Theo đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 12-3 đến thời điểm học sinh đi học trở lại, Sở sẽ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ chức phát sóng trên kênh truyền hình THP các chủ đề kiến thức dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Khung thời gian phát sóng cũng được thông báo cụ thể đến các nhà trường, phụ huynh và học sinh.
Như vậy, Hải Phòng là một trong những địa phương chủ động xây dựng, tổ chức các chương trình ôn tập kiến thức và giảng bài cho học sinh lớp 9 và 12 trên kênh truyền hình địa phương. Cùng thực hiện phương pháp này đã có các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Thừa Thiên Huế Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long...
Trước đó, cùng với những giải pháp tích cực phòng chống dịch Covid-19, Sở GD-ĐT đã chủ động tham mưu với UBND thành phố đồng ý cho học sinh nghỉ học để thực hiện các biện pháp khử khuẩn trường học, tập huấn phòng chống dịch. Sở cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra đột xuất, chỉ đạo thực tế đến từng địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố triển khai tốt công tác vệ sinh phòng dịch, nắm sát tình hình dịch bệnh, xây dựng chương trình ôn tập trực tuyến, chuẩn bị triển khai sách giáo khoa mới. Sở đã tiếp nhận hàng triệu khẩu trang, chuyển đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố để phát cho học sinh sử dụng khi trở lại trường học khi dịch bệnh được khống chế.
Để khẩn trương ôn tập kiến thức cho học sinh bằng các phương pháp dạy học từ xa, Sở đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), VNPT và các đơn vị CNTT để triển khai việc dạy học trực tuyến phục vụ nhiệm vụ ôn tập. Đến nay, nhiều trường đã triển khai hiệu quả, giúp học sinh ôn tập tại nhà trong thời gian nghỉ học. Với việc triển khai dạy học, ôn tập kiến thức lớp 9 và lớp 12 qua sóng truyền hình, ngành GD-ĐT Hải Phòng tiếp tục giữ thế chủ động trong nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.
Sở GD-ĐT và Đài PTTH Hải Phòng đang khẩn trương chuẩn bị cho các chuyên đề dạy học trên truyền hình
Hỗ trợ phương pháp dạy học truyền thống
Để giúp học sinh đảm bảo kiến thức cho kỳ thi vào lớp 10 và thi trung học phổ thông quốc gia, chương trình học trên truyền hình của thành phố Hải Phòng sẽ được xây dựng cho học sinh khối 9 với 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; học sinh lớp 12 với 9 môn, gồm: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.
Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng) Phạm Thị Thu Hà cho biết: "Các bài giảng mà chúng tôi dạy học trên truyền hình nhằm ôn tập cho các em học sinh cuối cấp trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19. Bài giảng sẽ được xây dựng thành các chuyên đề để các em ôn tập tốt hơn. Sở sẽ chỉ đạo các trường THPT, các phòng GD-ĐT chọn các cán bộ, giáo viên cốt cán để tham gia vào các chuyên đề dạy học trên truyền hình này”.
Qua việc dạy học trên truyền hình tại một số địa phương, phương thức học này được nhiều học sinh và phụ huynh đón nhận. Một phần vì lượng kiến thức dễ hiểu, xúc tích, không bị lan man; phần khác vì đây là giải pháp ôn bài tập trung nhất cho học sinh trong giai đoạn tạm nghỉ này để các em không quên kiến thức. Tuy nhiên, phương thức này cũng khiến phụ huynh lo lắng về một số điểm còn hạn chế so với dạy học truyền thống như: giáo viên và học sinh không có cơ hội tương tác; giáo viên không thể kiểm tra được mức độ tiếp thu của học sinh đối với bài giảng để điều chỉnh nội dung hay cách thức truyền đạt... Bên cạnh đó, hiệu quả của việc dạy và học phụ thuộc vào tinh thần tự giác của chính học sinh. Phương pháp học này cũng khiến không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng về chất lượng đánh giá học sinh sau mỗi tiết học.
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh, đồng thời làm rõ giá trị kết quả học trực tuyến. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nền nếp, chất lượng. Trong đó, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến phương án cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi…
HẢI HẬU
09:15 15/01/2025
22:44 09/01/2025
08:23 09/01/2025
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh