Giải pháp nào cho “kinh tế hè phố”?

09:49 18/10/2022

Dù còn không ít bất cập liên quan đến công tác quản lý, trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị cũng như những nội dung khác, nhưng phải khẳng định rằng, kinh doanh trên hè phố từ lâu đã trở thành một phân ngành kinh tế, đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu thương mại, dịch vụ nội địa. Chính vì vậy, thời gian qua đã có nhiều thành phố lớn đưa ra các chính sách thí điểm, hợp thức hóa một số dạng hình kinh doanh dịch vụ hè phố.
Vỉa hè thành “chợ” đã trở nên phổ biến.

          Thực trạng “kinh tế hè phố” từ lâu đã là vấn đề được thảo luận ở các địa phương cũng như một số diễn đàn Trung ương, Hải Phòng cũng không phải ngoại lệ. Kể cả trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế, trên cơ sở chính sách của Chính phủ, Hải Phòng đã khu nhóm người kinh doanh hè phố thành một trong những đối tượng được hỗ trợ. Đồng nghĩa với việc gián tiếp khẳng định kinh doanh dịch vụ hè phố là một thực trạng không thể phủ nhận.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, vỉa hè hay hè phố “là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến”. Như vậy, nhìn từ chức năng gốc cũng như quy định pháp luật, hè phố không phải là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế.

Nhưng nhìn vào thực tiễn cuộc sống, từ lâu ở Hải Phòng cũng như cả nước, hè phố đã trở thành nơi cưu mang cuộc sống của của biết bao người, với trăm ngàn vạn kế mưu sinh, tạo lập hẳn thành một phân ngành kinh tế.

Phải thừa nhận, ngoài sự kiết kiệm về thời gian, giá cả dễ chịu, sử dụng dịch vụ vỉa hè có cái thú riêng là hưởng thụ không khí thoáng đạt dân dã, nghe được nhiều chuyện trên trời dưới đất, giúp cho người ta vỡ vạc được nhiều điều.

Hơn nữa, thực tế chức năng chính của hè phố giờ đây hoạt động rất hạn hẹp, một phần cũng bởi mật độ người đi bộ trên vỉa hè dường như ngày càng ít. Dù muốn hay không, hè phố chuyển thành nơi kinh doanh, dịch vụ đã và đang là điều hết sức hiển nhiên.

Chỉ có điều, cuộc mưu sinh của người nghèo hầu như là tự xoay xở, trông chờ vào sự cảm thông của chính quyền sở tại và cả cộng đồng, một chiếc bơm để rệ mép đường, một chiếc ghế cũ rích lép vào tường bao công sở của anh thợ cắt tóc nào đó… phảng phất hình ảnh của sự bế tắc.

          Nhưng ngoại trừ các cửa hàng được đầu tư lớn khi chuyển hóa chức năng nhà mặt phố, còn lại kinh doanh hè phố cơ bản thuộc về nhóm người yếu thế của xã hội. Đơn cử như ở đường Lê Đại Hành, chỉ dài vài trăm mét nhưng cũng có gần chục chiếc gương của thợ cắt tóc dựa dẫm.

          Anh D., một thợ cắt tóc cho biết, bình quân 40.000đồng/lượt, mỗi ngày “cắt” được 10 cái đầu, nhờ vậy đứng chồn gối từ sáng đến tối có hôm kiếm được mấy trăm nghìn đồng. D. cho biết thêm, dù là nghề dễ học, vốn ít, nhưng nếu không có vỉa hè thì đành chịu, vì thuê cửa hiệu quá xa với khả năng của người lao động nghèo.

          Trong vô số nghề bám hè phố, có lẽ dễ kiếm tiền nhất là bán nước, chị T. – người bán nước ở đường Lạch Tray chia sẻ, nghề này không cần sắm nhiều dụng cụ, chỉ một đôi tích ủ nóng, mấy chiếc ghế nhựa bệt… kiếm chỗ gần hàng ăn, bến xe hoặc công sở.

          Chị T. nhẩm tính, sơ sơ mỗi ngày bán 100 chén trà được 500.000 đồng, trừ vốn hết 40.000 đồng (hai lạng trà rẻ tiền), thuốc lá bán lẻ ngày chạy ngày ế bình quân cũng được mấy chục nghìn đồng. “Thời gian đầu mới bán, thấy khách vào ngồi nói chuyện băm bổ mà vừa rót nước vừa run cầm cập, mấy năm nay quen rồi, bảo đổi nghề khác chưa chắc tôi đã đổi…” – Chị T. nói.

Người có điều kiện kinh tế hơn, thì mua hoặc thuê nhà mặt đường mở cửa tiệm. Nếu đầu tư một cửa hàng cỡ nhỏ như bán điện thoại, cắt tóc gội đầu, bán thời trang, bán tạp hoá, bánh kẹo… thuê mặt đường tuyến phụ cũng vài triệu đồng/tháng, cộng với hàng chục, hàng trăm triệu đồng vốn.

Còn mở được cửa hàng loại tầm trung bán đồ nội thất, chăn ga gối đệm, đồ gia dụng… phải có cả diện tích ít nhất một tầng khép kín. Nhưng tựu chung dù to nhỏ thì các dạng hình kinh doanh của người giàu cũng khó thực hiện nếu không có sự tiện ích đặc biệt của hè phố.

Kể cả đường phố cũng mất diện tích dành cho xe tư nhân chiếm dụng.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, riêng một tuyến Tô Hiệu đã có tới hơn 200 cửa hàng bán đồ nội thất và các vật dụng liên quan, hơn 40 cửa hàng bán điện thoại di động, hơn 50 cửa hàng bán phụ tùng, sửa chữa hoặc bán xe máy và hàng trăm văn phòng công ty… còn cửa hàng quần áo, đồ gia dụng khác thì không tính xuể.

Ông H., nhân viên tại một cửa hàng nội thất cho biết: “Hầu như chẳng nơi nào dành diện tích thuê nhà cho việc để xe, tất cả trông vào cái vỉa hè, thuê mặt đường mà vỉa hè không có thì thuê làm gì?”.

Còn nữa, tình trạng chung cho tất cả các đô thị là cả không gian và trong lòng vỉa hè hiện cũng đang được các doanh nghiệp trưng dụng triệt để. Trên trời đủ các loại bạt che, biển quảng cáo, cột điện treo từng búi dây dợ lằng nhằng… dưới đất cơ man đường ống cấp thoát nước, cáp điện, cáp viễn thông, cáp truyền hình… Chưa hết, hàng năm mỗi dịp tết đến, kinh tế vỉa hè càng thêm nhộn nhịp với những mảng kinh doanh, dịch vụ mang tính thời vụ, nhất là quả lộc, rượu bia, vật dụng trang trí, hoa quả, hoa cảnh… cũng chỉ chờ dịp này để “bung” ra vỉa hè.

Đúng là vỉa hè đang đóng vai trò phát triển quan trọng cho rất nhiều phân khúc thị trường với những tiện ích không thể phủ nhận, nếu tính tổng tất cả các tuyến đường, ngõ ngách hiện nay trong toàn thành phố thì cả hệ thống trung tâm thương mại và các chợ truyền thống có lẽ cũng không thể so sánh nổi.

Nói như vậy không có nghĩa là chấp nhận thực trạng “phố không hè” tồn tại, đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc tồn kinh tế hè phố là một điều bất cập, chứa đựng những phức tạp về an ninh trật tự, mỹ quan đô thị và đánh mất chức năng đích thực của chính nó.

Nhưng tại thời điểm này, rõ ràng hè phố đang là một lời giải khá hữu hiệu cho những bài toán xã hội về yếu tố ngành nghề. Thử hình dung, ngộ nhỡ không có khu vực kinh tế này, toàn thành phố sẽ có bao nhiêu người mất việc làm, bao nhiêu gia đình bị đẩy vào cảnh khốn khó?

Nhưng cũng cần phải thấy rằng, thực tế thì ai cũng ý thức được chức năng chính của vỉa hè, và sự chiếm dụng đang ảnh hưởng đến lợi ích công cộng. Người xưa có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, nếu người lao động không nhận thức được rằng cả cộng đồng đang dành cho họ sự cảm thông để tự điều chỉnh thì cũng khó giữ được sự ưu ái này.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương cải tạo, chỉnh trang đô thị, các tuyến hè phố trên địa bàn Hải Phòng đang được thi công theo hướng văn minh, hiện đại, nhiều tuyến được mở rộng đầu tư rất lớn, mà đường Lạch Tray là một ví dụ.

Vấn đề đặt ra là, sau khi công cuộc cải tạo chỉnh trang được nghiệm thu, việc quản lý sẽ được đặt ra thế nào, trong bối cảnh phân ngành kinh tế hè phố tiếp tục phát triển. Thực sự rất cần một cơ chế đổi mới và phù hợp.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông