16:52 08/09/2022 Bài 1: Nuôi ngao tự phát, không được cấp phép
Hoạt động nuôi ngao tự phát (không phép) của một số hộ dân tại khu vực đất có mặt nước ven biển thuộc địa bàn quận Hải An và huyện Kiến Thụy đang diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài. Từ tháng 11-2021, UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương thông báo các hộ tháo dỡ ngư cụ hoàn trả mặt bằng.
Mới đây nhất, Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp thị sát và đã ra Thông báo số 232/TB-UBND ngày 10-5-2022 về việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép tại các khu vực đã cấp phép khai thác khoáng sản cát ở quận Hải An và huyện Kiến Thụy.
Chuyên đề An ninh Hải Phòng từ số này có loạt bài phản ánh chi tiết về hiện trạng vi phạm và những động thái kiên quyết của thành phố trong việc lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai tại các khu vực trên.
Ngay từ năm 2011, để thực hiện quản lý nhà nước về đất có mặt nước ven biển, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện rà soát tình hình hoạt động nuôi trồng thủy hải sản (thủy sản) tại địa phương.
Khi đó, tại huyện Kiến Thụy, UBND xã Đại Hợp đã xác định chỉ có 32 hộ đang nuôi ngao tự phát trên diện tích 147,1 ha với 30 chòi trông coi. Do quy mô, diện tích nhỏ, ngày 16-12-2011, UBND huyện ra Thông báo số 282/TB-UBND chỉ cho phép các hộ được nuôi thả tại diện tích cũ đến hết vụ nuôi, nghiêm cấm việc tự ý cắm thêm lưới cây và thả thêm giống.
Cho tới Công văn số 1295/UBND-NN ngày 18-8-2017, UBND huyện Kiến Thụy yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc đầu tư, mở rộng diện tích nuôi thả mới ngao tại bãi triều ven biển xã Đại Hợp. Tuy nhiên, hoạt động nuôi ngao tự phát tại địa phương không những không dừng mà ngày càng “phồng to” cả về số hộ và diện tích với 89 hộ nuôi và 2.557,5ha.
Tương tự, tại quận Hải An, qua rà soát đến hết năm 2021, trên địa bàn quận có 28 hộ đang nuôi ngao không phép với diện tích 726,36ha tại các phường Tràng Cát, Nam Hải, Đông Hải 2. Các hộ này không chỉ là người dân thường trú trên địa bàn quận Hải An, huyện Kiến Thụy mà còn tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…
Đáng nói, trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động nói trên, tất cả các hộ không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc cho phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không nộp bất cứ khoản thuế, phí gì cho địa phương nơi có biển. UBND các quận, huyện đã xác định hành vi nuôi ngao của các hộ dân này đã vi phạm các quy định tại Điều 38, 39 và 44 Luật Thuỷ sản năm 2017 và Điều 37 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ; Điều 17 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản; Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng, ông Dương Đình Ổn, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hải An cho biết, khu vực nuôi ngao bất hợp pháp hiện nay vốn là ngư trường khai thác truyền thống của địa phương ven biển (chủ yếu là phường Tràng Cát, Nam Hải và Đông Hải 2). Một số hộ dân nhận thấy có thể nuôi ngao, thay đổi nghề đánh bắt tự nhiên nên đã tự ý cắm cọc quây vùng quây bãi, dựng chòi canh, chiếm dụng ngư trường, cản trở việc đánh bắt truyền thống, gây bức xúc nhân dân địa phương.
Đến năm 2003, Luật Thủy sản ra đời quy định rõ việc nuôi trồng thủy hải sản phải được đăng ký, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Cho đến khi Luật được sửa đổi năm 2017, quy định chế tài này càng chặt chẽ hơn. Cụ thể việc nuôi trông thủy sản phải nằm trong quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên, qua rà soát, cấp xã, cấp huyện (nay là quận) chưa hề cấp 1 giấy phép nào cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn mà chỉ cấp đăng ký hoạt động đánh bắt hải sản với thời gian cấp đổi 1 năm. Và, năm 2013 đến nay cũng đã dừng không cho phép hoạt động đánh bắt hải sản nữa.
Cũng theo ông Dương Đình Ổn, từ trước đến nay, trên địa bàn quận chỉ có duy nhất 1 trường hợp là tháng 5-1996, ông Nguyễn Văn Vẫn (xã viên Hợp tác xã Tân Vũ, thuộc xã Tràng Cát, huyện An Hải), có đơn xin UBND xã Tràng Cát cho phép làm thí điểm nuôi thả ngao - sò và khai thác thủy sản trên gồ bãi Gồ Đèo - Móc Muôi thuộc địa bàn quản lý hành chính của xã trong thời hạn 3 năm. Sau đó hộ này cũng đã bỏ không làm tiếp nữa.
Thời gian qua, quận Hải An đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến gặp gỡ, làm việc, trao đổi, tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện quy định pháp luật đối với quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản, quản lý nhà nước đối với đất có mặt nước ven biển. Về cơ bản, các hộ dân đã nhận thức đúng vấn đề vi phạm. Bà con cũng đã biết rõ vào thời điểm UBND thành phố giao mặt bằng các mỏ cát đã cấp phép cho các doanh nghiệp thì không có tình trạng chồng lấn nuôi trồng thủy sản trong vùng cấp phép (có biên bản giao thực địa). Việc chồng lấn phát sinh tại thời điểm sau khi đã bàn giao thực địa phạm vi đất đã được cấp phép mỏ khai thác cát do doanh nghiệp được cấp phép buông lỏng quản lý, còn hộ nuôi trồng thủy sản lợi dụng yếu tố mặt nước để lấn chiếm mở rộng vùng nuôi bất hợp pháp.
Qua quá trình tuyên truyền vận động đã có 15/28 hộ nuôi ngao không được cấp phép trên địa bàn quận Hải An xin được thu hoạch ngao, tự tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ cát quản lý.
Hiện tại, trên địa bàn còn 13 vị trí nuôi ngao (thuộc 12 hộ dân), trong đó có 3 hộ đang sinh sống ở tỉnh Thái Bình, 4 hộ đang sinh sống tại quận Dương Kinh, 3 hộ ở Đồ Sơn, 2 hộ ở phường Tràng Cát thuộc quận. Từ tháng 9-2021, thành phố đã có Thông báo số 386/TB-UBND về không được phép nuôi trồng thủy sản trên đất có mặt nước ven biển khi chưa được cấp phép trên quận Hải An, yêu cầu các hộ tự thu hồi, thu hoạch, trả lại nguyên trạng trước ngày 30-11-2021. Nếu không chấp hành thì UBND quận, huyện tiến hành cưỡng chế giải tỏa.
Mặc dù Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã quan tâm giải quyết, giải thích; Chủ tịch UBND thành phố cũng đã trực tiếp tiếp dân, trả lời những thắc mắc kiến nghị sau khi các hộ dân có đơn thư khiếu kiện, song sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm kể cả các hộ đã được đối thoại với Chủ tịch quận. Một ý kiến khác của các hộ đưa ra là diện tích chồng lấn với các mỏ cát hiện nay là 86,2ha. 2 mỏ cát thuộc Khu Kinh tế Đình Vũ và Công ty TNHH MTV Kinh doanh Kiến trúc VLXD Sao Đỏ cần quan tâm hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho các hộ. Quận sẽ đứng ra tổ chức tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp chủ mỏ cát và hộ nuôi ngao nhưng các hộ lại cho rằng các doanh nghiệp vi phạm và yêu cầu quận lập biên bản.
Hiện, người dân các phường Tràng Cát, Đông Hải, Nam Hải rất bức xúc các vấn đề. Một là, ngư trường truyền thống từ xưa đã bị các hộ nuôi ngao không phép chiếm dụng cắm vùng trái phép, dẫn đến mất ngư trường. Hai là, hoạt động nuôi ngao trái phép đã cản trở hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Một số mỏ cát đã được cấp phép nhưng bị các hộ trên cản trở không thể khai thác, dẫn đến khó khăn việc thi công các công trình trọng điểm của thành phố. Ba là, các hộ tụ tập đông người khiếu kiện gây hình ảnh xấu ảnh hưởng đến cán bộ, nhân dân các địa phương trên nói riêng và thành phố nói chung. Người dân đề nghị sớm lập lại trật tự trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, hành vi gây mất ANTT trên biển, trả lại ngư trường truyền thống để bà con đánh bắt hải sản lúc nông nhàn, nâng cao đời sống.
Đoàn Lanh
(Còn nữa)
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết