11:58 09/09/2022 Tại khu vực các hộ dân tự phát cắm cọc, dựng chòi, khoanh vùng nuôi ngao thường xuyên xảy ra tình trạng mất ANTT do mâu thuẫn, tranh chấp, xâm phạm ngư trường khai thác truyền thống và chồng lấn vào các mỏ cát đã được thành phố cấp phép, nhất là cản trở hoạt động đi lại của tàu thuyền và khảo sát, thăm dò, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển…
Trước hết, việc các hộ dân tự mở rộng diện tích nuôi ngao trái phép trên biển đã chồng lấn vào các mỏ cát đã được UBND thành phố cấp phép. Cụ thể, tại quận Hải An, có 3 mỏ bị chồng lấn với diện tích 145,3ha. Theo đó, Công ty TNHH MTV Kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ bị chồng lấn 60ha/82,2ha; Công ty CP Đầu tư thương vại và Vận tải Thành Trang bị chồng lấn 77ha/98,9ha; Công ty CP Khai thác cát phục vụ khu Kinh tế bị chồng lấn 8,3ha/99ha.
Tương tự, tại huyện Kiến Thụy, có 6 mỏ khai thác cát khác bị lấn chiếm nuôi ngao với tổng diện tích chồng lấn là 306,93ha. Hậu quả là một số doanh nghiệp dù đã đủ điều kiện khai thác cát, nhưng không thể thực hiện do có sự cản trở, gây mất ANTT trên khu vực biên giới biển.
Tại Hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí tuần thứ 36 năm 2022 vừa mới diễn ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân nhấn mạnh, việc ngư dân đã tự ý cắm cọc dựng chòi làm bãi nuôi ngao, chồng lên mỏ cát dẫn đến xảy ra tranh chấp một phần xuất phát từ chính doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản nhiều năm qua đã không thực hiện việc thả phao tiêu, gắn biển cảnh báo, khoanh vùng phạm vi, quản lý mỏ cát, gây khó khăn, phức tạp cho chính quyền địa phương. Nhiều dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cảng biển, đê biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đã không thực hiện được do thiếu cát có nguồn cung từ các mỏ trên. Đây là một thực trạng không thể chấp nhận được.
Theo Đại tá Nguyễn Công Hiến, Phó Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng Hải Phòng, quá trình các hộ tự quây bãi nuôi ngao tự phát tại khu vực biển quận Hải An, huyện Kiến Thụy còn làm phát sinh tranh chấp với các ngư dân khai thác nguồn lợi hải sản tự nhiên tại ngư trường truyền thống; giữa các chủ bãi ngao với nhau và với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản cát. Ngoài ra, việc nuôi ngao không phép trên cũng đã cản trở việc đi lại của các tàu thuyền và công tác khảo sát, thăm dò, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Công Hiển, từ năm 2015 đến nay, lực lượng Biên phòng đã thụ lý, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 35 vụ cắm cọc, dựng chòi trái phép; 12 vụ cố ý gây thương tích do tranh chấp; 6 vụ hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản của ngư dân và một số vụ chống người thi hành công vụ. Điển hình là một số vụ xô xát, đâm chém xảy ra tại các bãi nuôi ngao tại huyện Kiến Thụy.
Còn theo Công an thành phố, từ năm 2015 đến tháng 9 năm 2021, các đơn vị chức năng cũng đã thụ lý, xử lý 9 vụ việc gây mất ANTT tại các bãi ngao. Gần đây nhất, vào lúc 13h ngày 13-11-2021, 3 người làm nghề nuôi trồng thủy sản tại khu vực Cầu Nam, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đã bất ngờ bị 1 nhóm đối tượng đi ca no mang theo hung khí xông vào tấn công, gây thương tích. Công an huyện Tiên Lãng đã phối hợp với Đồn Biên phòng 46 điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc là do tranh chấp diện tích nuôi ngao với thác tài nguyên khoáng sản. Rồi vụ xô xát giữa các tàu hút cát với người dân nuôi ngao ở khu vực Gồ Đông (cửa sông Văn Úc) thuộc xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, khiến 2 phụ nữ phải nhập viện xảy ra vào cuối năm 2019…
Đặc biệt thời gian gần đây, khi UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện tập trung thu hồi phần đất mặt nước ven biển bị lấn chiếm, lập lại trật tự ngư trường các khu vực nuôi trồng, đánh bắt hải sản, các hộ dân vi phạm không những không chấp hành mà còn thành lập các hội nhóm nuôi ngao, thường xuyên tụ tập đông người đến các cơ quan Trung ương và thành phố để khiếu nại, kiến nghị, nhằm gây áp lực với chính quyền, gây mất ANTT thành phố.
Chia sẻ cảm nhận của mình khi thành phố và quận Hải An thực hiện việc xử lý các trường hợp nuôi ngao tự phát, ông Trịnh Xuân Vui, người dân phường Đông Hải 2 cho biết: “Ngoài việc gây mất ANTT, ảnh hưởng việc khai thác thủy sản thuộc ngư trường truyền thống, những người nuôi ngao tự phát còn giữ không cho dân địa phương vào các bãi thả nuôi ngao, ảnh hưởng đến đời sống của họ. Việc thành phố cũng như quận, phường đã nhiều lần gặp gỡ thuyết phục các chủ nuôi ngao là cách làm rất nhân văn, tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân. Điển hình là đã có 15 hộ nuôi ngao tự nguyện tháo dỡ chòi canh trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân vẫn chưa thông. Vì vậy, lãnh đạo địa phương cần tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động. Nếu ai đó vẫn cố tình không chấp hành thì nên kiên quyết áp dụng biện pháp cuối cùng là cưỡng chế.
Có thể thấy, ANTT trên khu vực biên giới biển liên quan đến hoạt động nuôi ngao tự phát nói trên của các hộ dân đã và đang tiềm ẩn rất nhiều phức tạp, đòi hỏi các cấp chính quyền từ thành phố đến các xã, phường cần phải khẩn trương chung tay vào cuộc để ổn định tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân hoạt động đúng pháp luật trên vùng biển thành phố.
Đoàn Lanh
(Còn nữa)
16:33 22/12/2024
14:01 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết