10:46 05/08/2022 Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ chạy quá tốc độ được xác định là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn, đặc biệt là những vụ tự đâm, tự gây ra tai họa cho bản thân...
Chạy quá tốc độ - mối họa gây TNGT
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, 6 tháng đầu năm 2022 (15-12-2021* 15-6-2022), lực lượng CSGT cả nước đã kiểm tra, xử lý 1.349.533 trường hợp vi phạm quy định TTATGT đường bộ, phạt tiền 1.593 tỷ 808 triệu đồng. Trong số đó có 143.385 trường hợp chạy quá tốc độ quy định (chiếm 10,62%) chiếm vị trí cao nhất trong nhóm lỗi trực tiếp gây ra TNGT.
Còn theo Cục CSGT (C08) – Bộ Công an, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm tốc độ gia tăng. Trước hết là ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện không chấp hành nghiêm các quy định về tốc độ.
Hai là từ chính quy định nâng tốc độ tối đa đối với phương tiện cơ giới đường bộ (Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có hiệu lực từ ngày 1-3-2016 ). Cụ thể, quy định nâng tốc độ tối đa đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu thông trên đường không có dải phân cách cứng từ 40km/h lên 50km/h và từ 50km/h lên 60km/h trên đường có phân cách cứng.
Ở Hải Phòng, theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08), số lượng vi phạm lỗi tốc độ có thấp hơn so với cả nước. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng CATP đã kiểm tra xử lý 9.106 trường hợp vi phạm trong đó có 124 trường hợp liên quan tới tốc độ.
Ý thức con người là yếu tố quyết định
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến cả nước về công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng năm 2022 ngày 15-7 vừa qua, lãnh đạo Cục CO8 - Bộ Công an đã chỉ rõ nguyên nhân vi phạm lỗi tốc độ như đã nêu trên nhưng đã đặc biệt nhấn mạnh yếu tố ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện.
Đáng nói, trong quá trình tham gia giao thông có tình trạng cạnh tranh giữa các phương tiện để tranh giành, đón trả khách, trả hàng hoặc trong hoạt động kinh doanh vận tải, một số DN khoán trắng cho lái xe. Đây là những nguyên nhân đáng kể khiến lái xe thường chạy quá tốc độ.
Bên cạnh đó, do Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn được Bộ GTVT sửa đổi, ban hành năm 2015, một số người chưa nắm được rõ những thay đổi trong Thông tư này dẫn tới vi phạm.
Ví dụ, Thông tư 91 quy định, ngoài việc tuân thủ tốc độ trên biển báo hiệu tốc độ thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ thấp hơn mức quy định để bảo đảm an toàn khi qua một số khu vực như đường giao nhau, khu đông dân cư, đường dốc quanh co hoặc trong điều kiện trời mưa, đường trơn, khi tránh, vượt xe… song trên thực tế, nhiều lái xe đã bỏ qua không tuân thủ.
Đặc biệt ở khía cạnh quản lý nhà nước, các đơn vị chuyên môn tại địa phương có nơi chưa vận dụng hết nội dung Thông tư 91. Vì theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, những quy định tại Thông tư này là tương đối phù hợp, vừa phát huy được hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vừa khắc phục những bất cập của Thông tư trước đây và chỉ điều chỉnh tốc độ tại đường hai chiều có dải phân cách giữa và có 2 làn xe hoặc đường một chiều có 2 làn xe.
Trong thực tiễn, có thể đặt biển tốc độ thấp hơn tốc độ cho phép tại những đoạn đường nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn hoặc điểm đen tai nạn nhằm đảm bảo hoạt động giao thông hài hòa, phù hợp với thực tế.
Trở lại vấn đề vi phạm lỗi tốc độ về đêm thường rất phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn thảm khốc. Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, số vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm ban đêm thường lớn gấp 2-3 lần so với số vụ xảy ra vào ban ngày. Và đây cũng là khung giờ các loại xe tải có tải trọng lớn được phép hoạt động.
Riêng trên các tuyến quốc lộ tỷ lệ TNGT ban đêm là rất cao với nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài yếu tố ban đêm làm giảm sự quan sát thì đường vắng, ít sự kiểm soát của lực lượng chức năng cũng khiến người lái xe chủ quan chạy tốc độ cao, khi gặp chướng ngại vật đã không thể xử lý kịp.
Theo quy định sau 4 tiếng, các phương tiện trên phải đổi lái 1 lần đối với những hành trình có thời gian lên đến 10 tiếng. Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục Đường bộ qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT), tính đến ngày hết 31-06-2022, trên cả nước có tổng số 6.754.755 lần phương tiện vi phạm tốc độ, với tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,79 lần/1.000km.
Để hạn chế thấp nhất những vụ TNGT thảm khốc xảy ra, các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý vi phạm vào ban đêm với những phương tiện phạm lỗi về tốc độ, tải trọng, nồng độ cồn. Từ ngày 20-6-2022, cùng với toàn quốc, lực lượng CATP Hải Phòng đồng loạt ra quân thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT kéo dài trong 3 tháng (từ ngày 20-6-2022 đến ngày 20-9-2022).
Trong đó tập trung xử lý các hành vi vi phạm TTATGT là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gồm: Vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, về cơi nới thùng xe và quá tải trọng, quá khổ trên đường bộ.
Trong tháng đầu tiên ra quân (từ ngày 20-6 đến ngày 21-7), Công an các đơn vị, địa phương đã xử lý 224 trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm lỗi tốc độ. Trong đó, Phòng PC08 là đơn vị thực hiện chuyên đề có kết quả cao nhất với 174 trường hợp. Tiếp đó là Công an huyện An Lão, Công an quận Dương Kinh, Công an huyện Thủy Nguyên, Công an quận Hồng Bàng và Công an huyện Tiên Lãng…
Theo chỉ đạo của Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc, Phó trưởng Ban ATGT thành phố, trong đợt thực hiện Kế hoạch về đợt cao điểm trên, các đơn vị, địa phương đã chủ động tổ chức biện pháp nghiệp vụ tăng cường TTKS về ban đêm; sử dụng các phương tiện, thiết bị (máy đo tốc độ, ghi hình, kiểm tra nồng độ cồn) kết hợp với hệ thống giám sát hành trình.
Mặt khác, qua công tác TTKS và nắm tình hình, lực lượng CSGT đã nắm được những điểm, thời gian, đối tượng thường xuyên vi phạm về ban đêm, vi phạm về tốc độ để có kế hoạch xử lý kịp thời...
Đoàn Lanh
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024