Giữ gìn và phát huy giá trị bảo vật Quốc gia trong cộng đồng

16:29 21/01/2022

Hiện nay, thành phố Hải Phòng có 6 bảo vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật Quốc gia. Đây là những hiện vật hội tụ những tinh hoa văn hóa của từng thời kỳ lịch sử, gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Đa dạng, phong phú về loại hình, mỗi bảo vật Quốc gia đã và đang cần thêm nhiều sáng kiến, giải pháp để gìn giữ, phát huy giá trị một cách hiệu quả nhất.

Mới đây, ngày 25-12, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Thủ tướng công nhận bảo vật quốc gia đối với 9 hiện vật gốm men trắng triều Lý (thế kỷ 11 đến thế kỷ 13) trong bộ sưu tập cổ vật An Biên của ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt (ở phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền).

9 hiện vật trên gồm 4 chiếc ấm, 3 chiếc đĩa và 2 chiếc liễn đều còn khá nguyên vẹn, có dáng hình hoàn hảo. Nhóm hiện vật thể hiện gốm do người Việt sản xuất ra có nét riêng biệt. Loại hình ấm, liễn, đĩa trong bộ sưu tập đạt đỉnh cao nghệ thuật chế tác. Các hiện vật có kiểu dáng thanh tú, hoàn hảo được tạo bởi các đường nét cong mềm mại; nước men trắng tinh khiết và nhuần nhị điểm xuyết thêm một số họa tiết hoa văn trang trí tinh xảo, độc đáo thuần Việt với bóng hình của sóng nước, đài sen, cánh sen, rồng mây làm chủ đạo.

Nhóm 9 hiện vật thuộc bộ sưu tập cổ vật An Biên vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia.

 Ngoài lối chạm khắc, đắp tỉa công phu, trau chuốt từng chi tiết trong bố cục, thì gốm thời Lý còn mang đậm tính triết lý thể hiện bản sắc văn hóa, dấu ấn thời đại của một nhà nước quân chủ Phật giáo thời bấy giờ. Dự kiến, trong thời gian tới đây, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố sẽ tổ chức Lễ đón nhận Quyết định số 2198/QĐ-TTg.

Ngoài Bộ sưu tập gốm men trắng An Biên, trên địa bàn thành phố có các cổ vật quốc gia khác là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cùng ở chùa Trà Phương, xã Thụy Hương; thanh Long đao tại Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc cùng tại huyện Kiến Thụy .

Những hiện vật được công nhận là bảo vật Quốc gia được coi là tài sản vô giá không những có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học, các bảo vật Quốc gia còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế…

Thực tế hiện nay, hầu hết bảo vật trên địa bàn thành phố được giao cho Ban quản lý di tích địa phương quản lý, vì vậy, chế độ bảo quản của một số bảo vật sau khi được công nhận vẫn chưa có nhiều thay đổi so với trước kia. Hơn nữa, mỗi bảo vật có đặc thù khác nhau, trong khi việc bảo quản hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện của các địa phương, di tích, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xuống cấp, mai một và khó phát huy giá trị một cách trọn vẹn.

Ông Trần Đình Thăng, nhà sưu tập cổ vật trong đó có Bộ sưu tập cổ vật An Biên chia sẻ, những hiện vật quý để trở thành bảo vật quốc gia phải tuân thủ nguyên tắc về quy trình xét duyệt nghiêm ngặt theo các bước từ cơ sở lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau đó qua Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia với những tiêu chí yêu cầu xét duyệt rất cao và cuối cùng phải được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận. Sau khi được công nhận bảo vật quốc gia, những bảo vật này không còn là của riêng tư nhân mà là tài sản vô giá của đất nước, thành phố. Tuy nhiên, đến nay, hiện vật gốm An Biên vẫn bảo quản chưa xứng tầm.

Được biết, để tăng cường công tác bảo quản, phát huy giá trị bảo vật Quốc gia, lãnh đạo UBND thành phố có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật Quốc gia hiện đang được lưu giữ tại các di tích trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu chủ động báo cáo và thông tin kịp thời tới cơ quan chức năng về những vấn đề ảnh hưởng đến việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bảo vật. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể trong việc bảo quản và phát huy giá trị bảo vật Quốc gia đảm bảo theo quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản.

Lan tỏa giá trị của bảo vật Quốc gia trong cộng đồng là mong muốn chung của những người làm công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao tuân thủ các quy trình thẩm định, lưu giữ theo quy định. Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện phân loại chất liệu để thuận lợi cho việc kiểm kê, bảo quản bảo vật. Đồng thời mời các chuyên gia có kinh nghiệm hướng dẫn quy trình bảo quản, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xuống cấp của bảo vật.

Theo đánh giá của các nhà sử học, Bảo vật Quốc gia đòi hỏi một chế độ bảo vệ và bảo quản đặc biệt, do đó, ngành Văn hóa phối hợp với các địa phương có di tích, bảo vật Quốc gia thường xuyên kiểm tra, kiểm kê bảo vật Quốc gia theo định kỳ. Trong trường hợp phát hiện bất thường, phải báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền gần nhất để kịp thời xử lý, giải quyết. Bên cạnh đó, khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành các cơ chế, chính sách dành riêng cho việc bảo vệ, phát huy giá trị các bảo vật. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu bảo vật gắn với hoạt động du lịch. Xuất bản các ấn phẩm chuyển tải thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật Quốc gia.

Mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ đặc sắc qua mỗi thời kì lịch sử, bảo vật Quốc gia không chỉ khẳng định sự giàu có về văn hóa mà còn hội tụ những tinh hoa trí tuệ của các bậc tiền nhân. Chính vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn bảo vật Quốc gia là việc rất cần thiết. Ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, thì rất cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Bởi chỉ khi được lan tỏa vào đời sống xã hội, được “sống” trong tiềm thức cộng đồng thì giá trị của bảo vật Quốc gia mới thật sự phát huy xứng tầm, mới có thể trường tồn và trao truyền được đến muôn đời sau.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông