16:44 31/12/2019 Được biết, ngày 28-12, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) lần 2 về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng tới. Nhân dịp này, Báo ANHP có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thanh Xuân – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT thành phố.
PV: Xin ông chia sẻ đôi nét về chuyến công tác của của đoàn Thanh tra EC sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến cáo của EC về khai thác IUU? Kết quả chuyến công tác được đoàn Thanh tra EC đánh giá ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Xuân: Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, từ ngày 5 đến 14-11-2019, đoàn Thanh tra EC đã sang làm việc với các cơ quan liên quan Việt Nam gồm: Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng IV, Chi cục Thú y vùng VI; kiểm tra thực địa tại tỉnh Kiên Giang, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có sản phẩm vào thị trường Châu Âu tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Kiên Giang. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề chính: thực hiện các quy định mới của Luật Thủy sản, đặc biệt là việc thực hiện các quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; kiểm soát tàu cá; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác... nhằm kiểm tra tình hình triển khai các khuyến cáo của EC về khai thác IUU. Kết thúc chuyến công tác, EC có công thư ngày 19-12-2019 thông báo ý kiến của Ủy ban Châu Âu đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam.
Theo đó, đoàn Thanh tra EC đánh giá cao sự cam kết, quyết tâm chính trị, nỗ lực của phía Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, cũng như triển khai các khuyến nghị của EC. Đoàn khẳng định, Việt Nam đã có chuyển biến tiến bộ so với đợt kiểm tra đợt 1 (tháng 5-2018), đang đi đúng hướng. Đồng thời đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch, trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi đôi bên trong suốt thời gian đoàn làm việc tại Việt Nam. Trong đó, đoàn Thanh tra đặc biệt ghi nhận Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và bước đầu triển khác các văn bản pháp lý vào thực tế, tạo cơ sở pháp lý toàn diện chống khai thác IUU phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế. Việt Nam gia nhập, có cách tiếp cận để triển khai Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hiệp quốc. Đồng thời cải thiện đáng kể công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá so với trước; triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, đưa ra quy định, tiến hành đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Ủy ban Châu Âu tiếp tục duy trì cơ chế hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ đối thoại hợp tác song phương giữa hai bên để giải quyết các khuyến nghị của EC về khai thác IUU tại cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Theo dự kiến, tháng 6-2020, Ủy ban Châu Âu sẽ tiếp tục cử đoàn Thanh tra lần 3 sang làm việc với Việt Nam.
Cùng với kết quả khả quan đạt được nêu trên, đoàn Thanh tra EC cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong khung pháp lý; công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá; quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận khai thác hải sản từ khai thác cho đến việc thực thi pháp luật.
Đơn cử như: việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa đáp ứng được yêu cầu về lộ trình đã được quy định trong Nghị Định. Cơ chế kiểm soát chưa đảm bảo được nguồn gốc hợp pháp của phần lớn sản phẩm chế biến ở Việt Nam. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm, trong khi đó việc áp dụng quy định xử phạt hành chính mới trong lĩnh vực thủy sản đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài còn hạn chế, hình thức xử phạt chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương...
Đặc biệt, đoàn Thanh tra EC bày tỏ quan ngại về công tác quản lý cường lực khai thác tại Việt Nam thông qua số liệu tàu cá gia tăng trong những năm gần đây. Việc tăng đội tàu sẽ xóa bỏ tất cả các nỗ lực quản lý nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.
Đoàn khuyến nghị Việt Nam cần duy trì cấm đăng ký tàu cá mới, rút giấy chấp thuận đóng mới đối với các trường hợp chưa triển khai đóng tàu; xây dựng biện pháp quản lý để cân bằng đội tàu khai thác với hiện trạng nguồn lợi hải sản; hoàn tất cơ sở dữ liệu quốc gia về nghề cá. Xây dựng một chiến lược toàn diện để xác định, xử phạt, ngăn ngừa các hành động vi phạm pháp luật của tàu cá Việt Nam tại vùng biển của quốc gia thứ 3; khung xử phạt hành chính phải được triển khai nhất quán, có hệ thống, đủ lớn để có sức răn đe...
PV: Vậy nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà ngành thủy sản Việt Nam đã xác định trong 6 tháng tới là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Xuân:
6 tháng tới Việt Nam sẽ tăng cường triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị, Công điện, Quyết định; kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng BCĐ Quốc gia về IUU tại các cuộc họp lần thứ I, II, III, BCĐ Quốc gia về IUU; chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu cần tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện.
Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 42 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt tập trung xử phạt ngay đối với các tàu nằm trong danh sách vi phạm vùng biển nước ngoài sau ngày 5-7-2019, tàu cá lắp đặt thiết bị VMS nhưng tắt thiết bị, thiết bị mất kết nối khi hoạt động trên biển; kiểm soát chặt chẽ tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển Việt Nam. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển cũng như tàu cá xuất bến, cập bến.
Tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định liên quan tới theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá; triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo đúng lộ trình quy định... Rà soát lại quy trình truy xuất nguồn gốc tại các nhà máy nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu chứng nhận được sử dụng tại các nhà máy chế biến; đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc khớp nối với tất cả các khâu trong chuỗi từ khai thác trên biển đến khi xuất khẩu...
Đây cũng chính là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thủy sản Hải Phòng sẽ tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới để chung tay cùng cả nước gỡ cánh báo của EC, giữ uy tín, thương hiệu thủy sản Việt Nam!
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Khánh chi thực hiện
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết