Gốm men trắng triều Lý trong sưu tập An Biên của doanh nhân Trần Đình Thăng

10:35 10/11/2021

Là một doanh nhân thành đạt, ông Trần Đình Thăng-Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt, Chủ thương hiệu giầy dép Vento Việt Nam còn là Nhà nghiên cứu và sưu tập cổ vật. Với tình yêu thành phố Hải Phòng quê hương, ông đã đặt tên cho một trong những bộ sưu tập của mình là “Sưu tập cổ vật An Biên”. Sắp tới, nhân dịp ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11), bộ sưu tập trên sẽ được trưng bày, giới thiệu tới đông đảo những người yêu thích cổ ngoạn tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam…

An Biên là tên của một làng Việt cổ. Nơi đây, vào những năm 30 đầu công nguyên, Nữ tướng Lê Chân, người con ưu tú của vùng đất An Biên (Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay), vì căm giận giặc Đông Hán đã cùng gia đinh căng buồm, xuôi theo dòng sông Bạch Đằng đến vùng cửa biển, rồi đi vào Cấm giang, dừng chân ven lạch Liêm Khê, mở đất, lập làng, đặt tên là An Biên trang (nay là trung tâm thành phố Hải Phòng), chiêu tập binh mã, tích trữ lương thảo, chờ thời cơ giết giặc.

Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Nữ tướng Lê Chân đã tích cực tham gia, được phong Thánh Chân công chúa, nắm giữ Chưởng quản binh quyền, giúp Hai Bà lập nước, xưng vương, mở nền độc lập cho dân tộc Việt Nam những năm đầu công nguyên.

Ông Trần Đình Thăng, Phó chủ tịch Hội Cổ Vật Hải Phòng

Với tình yêu quê hương, đất nước, đắm say di sản, cổ vật, ông Trần Đình Thăng, Phó chủ tịch Hội Cổ Vật Hải Phòng đã đặt tên cho sưu tập của mình là “Sưu tập cổ vật An Biên”. Trong bộ sưu tập đồ sộ với hàng ngàn cổ vật Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan mà cả đời mới sưu tầm, lưu giữ được, ông đặc biệt say mê với đồ gốm men trắng triều Lý, bởi sự cao sang, tinh tế trong dáng hình, nét chạm khắc; sự trầm lắng trong lớp men trắng trong, có chiều sâu, cuốn hút người chơi cổ vật của dòng gốm này.

9 hiện vật gốm men trắng triều Lý (TK11-13), trong “Sưu tập cổ vật An Biên” của ông Trần Đình Thăng gồm các loại hình ấm, liễn, đĩa, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật chế tác, với kiểu dáng, họa tiết trang trí, màu men độc đáo, thuần Việt. 

 Bốn chiếc ấm được tạo hình đẹp, kiểu dáng phong phú, trong đó có hai ấm tạo dáng con quay, nắp và vai chạm băng cánh sen kép nổi, đắp tỉa tinh tế; đỉnh nắp tạo hình trái đào; vòi tạo hình rồng, biểu thị vương quyền; quai tạo hình chim anh vũ (loài chim có tâm hồn trong sáng, nhắc lại điều phật giảng dạy cho chúng sinh).

Người thợ gốm lãng mạn đã khéo gắn triết lý Phật giáo, trật tự xã hội vào sản phẩm. Ấm được phủ lớp men trắng, sáng, thoát tục, cao sang, cho thấy, có thể ấm chỉ được dùng trong nghi lễ tôn giáo.

Hai chiếc ấm còn lại, mỗi chiếc lại có sự độc đáo riêng biệt. Một chiếc có dáng quả dưa, men trắng trong, có chiều sâu. Đây là chiếc ấm độc sắc, toàn thân để trơn không trang trí, toát lên vẻ đẹp thanh cao. Chiếc ấm thứ hai cũng có dáng quả dưa, thân chia ô, trang trí ám họa hoa sen dây.

Điều đặc biệt của chiếc ấm này là trang trí ám họa hình em bé ở thế giới cực lạc (mô típ rất hiếm gặp trên đồ gốm). Theo kinh Đại thừa, thế giới cực lạc do Đức Phật A di đà làm chủ, hành giả được tái sinh từ bông sen, sống thanh tịnh, an lạc, không bi ai, khổ não, luân hồi. 

Hai chiếc liễn được tạo hình đẹp, có thân hình quả bí, chia múi, vai có băng cánh sen nổi, nắp hình chỏm cầu, vai và nắp chạm nổi băng cánh sen kép, được phủ kín men trắng. Nhìn tổng thể, khối hình thuôn, cao, thanh thoát, toàn bộ phần thân và đế để trơn, không trang trí. Điểm nhấn của liễn được tập trung ở phần vai và nắp được chạm băng cánh sen kép nổi rất cầu kỳ, tinh mỹ. Liễn được cho là đồ đựng nước thờ sử dụng trong quốc tự hoặc hoàng cung.

Ba chiếc đĩa tạo dáng thanh mảnh; xương gốm mỏng, nhẹ, thấu quang; hoa văn trang trí sen, cúc giàu tính Phật giáo. Những chiếc đĩa này được phủ một lớp men trắng sáng, men trắng ánh trăng, toát nên vẻ đẹp cao sang. Có thể những chiếc đĩa này được dùng trong cúng tế.

Theo các nhà nghiên cứu, rất có thể những món đồ này có nguồn gốc từ hoàng thành Thăng Long bởi có nhiều đặc điểm tương đồng với xương gốm mỏng mịn, thấu quang; hoa văn trang trí tinh tế, giàu tính phật giáo; kiểu dáng thanh thoát, cao sang; đặc biệt là lớp men trắng trong, có chiều sâu, tạo nên những tác phẩm sang quý, chỉ có thể sản xuất tại hoàng thành Thăng Long.

Sưu tập đồ gốm men trắng triều Lý của nhà sưu tập Trần Đình Thăng là hiện vật gốc, độc bản, với các hiện vật được bảo quản nguyên lành đến mức hoàn hảo, chưa từng gặp bộ sưu tập thứ hai tại các bảo tàng, các di tích hay trong các bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam.

Sưu tập gốm men trắng này có hình thức độc đáo, được tạo dáng theo hình bông hoa sen, hoa lan, trang trí các đề tài hoa sen, hoa mai với nhiều cách thể hiện chạm đắp nổi hay khắc chìm chứng tỏ tài tình cuộc đối thoại với thiên nhiên Việt Nam. Hình tượng chim anh vũ đang ngủ, vòi ấm hình đầu rồng, băng cánh sen to, nhỏ, hình khắc Em bé của thế giới cực lạc,  hoa mai 6 cánh tròn trong lòng đĩa, bao quanh dây hoa lá mẫu đơn… là những hình thức trang trí tạo hình độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo trên đồ gốm men trắng thời Lý.

 Sưu tập gốm men trắng An Biên đạt đỉnh cao về kỹ nghệ chế tác, các hiện vật có kiểu dáng thanh thoát, trang nhã trong hình khối; hoa văn được thể hiện bằng những đường cong mềm mại, cầu kỳ, tinh mĩ, điêu luyện; nước men trắng trong, mịn màng, đạt đến độ lung linh, huyền ảo, tiêu biểu cho nghệ thuật gốm men trắng cao cấp thời Lý, có thể sánh ngang với gốm men trắng “ánh trăng” của thời Tống, nhưng có bản sắc riêng, thuần Việt, đã phản ánh sự sáng tạo trong sản xuất gốm sứ của cha ông ta thời Lý, tạo tiền đề cho cho sự phát triển của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam. 

Thưởng ngoạn những món gốm men trắng triều Lý trong “Sưu tập cổ vật An Biên” của nhà sưu tập Trần Đình Thăng, khiến lòng ta xúc động và tự hào về “một truyền thống riêng biệt”  của gốm sứ Việt, mà đỉnh cao là gốm men trắng triều Lý. Bộ sưu tập gốm men trắng này không chỉ có giá trị về mĩ thuật, mà còn rất có giá trị về lịch sử, đã được thành phố Hải Phòng làm hồ sơ đề nghị Chính phủ xem xét, công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đỗ Xuân Trung - Bảo tàng Hải Phòng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông