10:16 19/06/2017
Cầu Hoàng Văn Thụ thi công phía huyện Thủy Nguyên bảo đảm tiến độ đề ra
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc sông Cấm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đồng thời là bước đột phá trong phát triển đô thị của thành phố. Thời điểm hiện tại, chủ đầu tư dự án cùng các sở ngành chức năng và huyện Thủy Nguyên đang quyết liệt trong công tác GPMB, phục vụ thi công dự án...
Đột phá phát triển không gian đô thị Hải Phòng
Với mục tiêu xây dựng khu trung tâm hành chính - chính trị Hải Phòng trở thành đô thị năng động và thịnh vượng của các tỉnh, thành phố phía bắc Việt Nam, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1131 ngày 24-6-2016, đã và đang tạo ra bước đột phá mới trong phát triển không gian đô thị của thành phố Cảng.
Theo đó, về quy mô đầu tư cầu Hoàng Văn Thụ dài 1.138,5 m; đê tả sông Cấm dài 2.016 m; hệ thống giao thông chính có tổng chiều dài 9,958 km, tổng mức đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật lên tới 9.899 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác.
Dự án sẽ được thực hiện tại các xã Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) và phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với thời gian 5 năm từ 2016-2020 do Ban Quản lý (BQL) Công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng là chủ đầu tư.
Theo ông Tạ Viết Đông, Giám đốc BQL Công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng, quỹ đất để phục vụ cho toàn bộ dự án nói trên là 1.445,51ha. Với quy mô lớn như vậy, nội thành Hải Phòng sẽ phát triển mở rộng về phía Bắc và hệ thống trung tâm thành phố mới sẽ từng bước được hoàn thiện theo định hướng phát triển không gian đô thị và theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009.
Hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Ngay sau khi có các văn bản chỉ đạo về công tác GPMB xây dựng khu đô thị mới Bắc sông Cấm, Huyện ủy - UBND huyện Thủy Nguyên đã thống nhất thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo về GPMB do đồng chí Bí thư huyện ủy trực tiếp làm trưởng ban. Đồng thời, huyện thành lập các tổ công tác về tuyên truyền, vận động; tổ công tác bảo đảm ANTT, giải quyết đơn thư phục vụ GPMB. Song song với đó, huyện cũng chỉ đạo nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy - chính quyền 3 xã: Tân Dương, Dương Quan và Hoa Động, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.
Kết quả, từ giữa tháng 4-2017, UBND huyện đã ban hành Thông báo số 113/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện dự án với tổng diện tích là 306,1 ha đất tại các xã Tân Dương (diện tích 225,2ha), Dương Quan (73,7ha), Hoa Động (7,2ha).
Các thông báo được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và địa điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất thu hồi đồng thời được phát thanh rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh. Đến nay, huyện bàn giao 19,5 ha đất trong và ngoài chỉ giới phục vụ thi công cho BQL dự án; trong đó, có 9,1 ha trong chỉ giới thu hồi và 10,4 ha ngoài chỉ giới để phục vụ tập kết nguyên vật liệu, thiết bị máy móc phục vụ thi công dự án. Trong quá trình GPMB, huyện đã nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của thành phố và sự quan tâm giúp đỡ của các sở, ngành liên quan.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên, tính đến ngày 10-6, riêng hạng mục cầu Hoàng Văn Thụ, huyện đã hoàn tất việc công khai phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 89 hộ dân, tổng diện tích 10,9ha. Đối với hạng mục xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, huyện đã thực hiện kiểm kê 95,7ha với tổng số 752 hộ. Trong đó, tại xã Dương Quan có diện tích là 26ha đất nông nghiệp của 264 hộ dân; xã Tân Dương với diện tích 69,7ha của 490 hộ đất ở và đất nông nghiệp.
(Còn nữa)
Đỗ Hiếu - Thủy Chung