20:59 09/03/2020 Máy bay mang số hiệu MH17 trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine ngày 17/7/2014, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Ngày 9/3, một tòa án tại Hà Lan đã tiến hành xét xử vắng mặt 4 đối tượng mà nước này cáo buộc giết người trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014 làm gần 300 người thiệt mạng.
Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh được thắt chặt và có sự tham dự của thân nhân các nạn nhân, các luật sư và phóng viên. Thẩm phán Hendrik Steenhuis đã tuyên bố khai mạc phiên tòa tại địa điểm gần sân bay Schiphol của thủ đô Amsterdam, nơi chiếc máy bay cất cánh, nhấn mạnh đã có "thiệt hại lớn về người trên khắp thế giới" trong "thảm họa tồi tệ" này.
Theo các công tố viên, nếu bị kết án, 4 đối tượng này có thể lĩnh án tù chung thân. Tuy nhiên, 4 nghi phạm trên, gồm 3 người Nga và 1 người Ukraine, vắng mặt tại phiên tòa do Nga không đồng ý dẫn độ công dân của mình và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc điều tra quốc tế cùng sự độc lập của tòa án.
Nhân viên cứu hộ vận chuyển mảnh vỡ của máy bay MH17 ở miền đông Ukraine tháng 7/2014. Ảnh: Reuters.
Máy bay mang số hiệu MH17 trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đi Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine ngày 17/7/2014, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Hầu hết nạn nhân là công dân Hà Lan nhưng cũng có nhiều công dân Australia tử nạn.
Nhà chức trách Ukraine và một số nước phương Tây cho rằng Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc này, song Moskva và lực lượng trên kiên quyết bác bỏ, khẳng định máy bay đã trúng một tên lửa bắn đi từ khu vực do quân đội Chính phủ Ukraine kiểm soát.
Tháng 6 năm ngoái, Nhóm điều tra hỗn hợp (JIT) về vụ rơi máy bay MH 17, do Hà Lan đứng đầu, thông báo kết luận điều tra, theo đó truy tố 3 công dân Nga và 1 công dân Ukraine với cáo buộc bắn rơi máy bay MH17. Nga đã bác bỏ kết luận này của JIT, trong khi Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Mahathir Mohamad cũng đặt nghi vấn về tính khách quan của cuộc điều tra, cho rằng vụ việc đã trở thành vấn đề chính trị nhằm làm mất uy tín Nga.
Theo TTXVN
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh