Hải Dương: Chuyển đổi số “ghi điểm” với nhiều kết quả ấn tượng

15:44 28/08/2024

Thời gian qua, Hải Dương đã đạt nhiều kết quả về nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số, gồm nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, an toàn thông tin mạng, triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án chuyển đổi số…
Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm, giải pháp về Chuyển đổi số tại Chương trình Ngày chuyển đổi số của tỉnh 

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương Nguyễn Cao Thắng cho biết, với mục tiêu, tới năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP, từng bước hình thành đồng bộ cả ba trụ cột: kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, Hải Dương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các nền tảng phục vụ cho chuyển đổi số, ưu tiên ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), công nghệ tài chính (Fintech), điện toán đám mây (Cloud)… để tạo ra các mô hình quản lý mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao.

Theo đó, tỉnh đã và đang từng bước xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó đã từng bước ứng dụng các nền tảng công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… nhằm chuyển đổi cách thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành từ mô hình truyền thống sang môi trường số. Từng bước cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn vào đầu tư và khởi nghiệp tại tỉnh.

Lấy ví dụ ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp là một điểm sáng của tỉnh đã đem lại những kết quả tích cực. Trong đó, các mô hình ứng dụng công nghệ số như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh… đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, hướng tới xuất khẩu tại các thị trường khó tính, nâng cao giá trị hàng hóa… đã tạo lòng tin về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài...

Cùng với đó, việc đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cà rốt, vải thiều Thanh Hà, các sản phẩm OCOP lên các nền tảng số như báo chí điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã giúp cho nông sản tiêu thụ khá dễ dàng và vẫn giữ được giá. Thông qua thương mại điện tử, Hải Dương đã thực hiện kết nối các doanh nghiệp, triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển. Các doanh nghiệp của tỉnh đã ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… góp phần thúc đẩy dịch vụ phát triển hướng tới xuất khẩu hàng hóa.

Nông dân Hải Dương ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương cho thấy, hiện doanh thu của các kho hàng ở Hải Dương trên sàn thương mại điện tử đứng thứ 6 trên toàn quốc, sản lượng bán tại các kho ở Hải Dương trên sàn thương mại điện tử đứng thứ 4 trên toàn quốc.

Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh Hải Dương ước đạt 17,5%. Hơn 150.100 hộ sản xuất nông nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đang hoạt động, hơn 173.730 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, hơn 1.160 sản phẩm của tỉnh được đưa kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, phát sinh hơn 41.130 giao dịch, xếp thứ 7 trên toàn quốc.

Toàn tỉnh Hải Dương đã cấp 13 mã số vùng trồng, nâng lên tổng số 318 vùng trồng được cấp mã số với tổng diện tích gần 2.100 ha, gồm 269 mã số với diện tích gần 1.700 ha, xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Thái Lan; 49 mã nội địa với diện tích 423 ha.

Đáng chú ý, tỉnh cũng đã hoàn thành việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với 710/710 sơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền. Lũy kế đến tháng 5/2024 đã sử dụng hơn 33 triệu hóa đơn. Thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Các ngân hàng trên địa bàn đã phát hành gần 4,3 triệu thẻ ngân hàng các loại, gần 2.000 máy POS được sử dụng trong thanh toán.

Được biết, thời gian qua tỉnh Hải Dương đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Liên minh SAIGONTEL-NGS; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng Công ty viễn thông MobiFoe... ; ra mắt Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh; thành lập Tổ chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng; khai trương website về chuyển đổi số tại địa chỉ chuyendoiso.haiduong.gov.vn…,

Đồng thời tỉnh ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như Fintech, AI, Blockchain, Cloud… để tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao.

Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, việc phát triển các dịch vụ chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đưa chính quyền tới gần người dân - doanh nghiệp và ngược lại.  

Mới đây, tại buổi nghe báo cáo tình hình ứng dụng CNTT, chuyển đổi số những tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương trong việc hoàn tất phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin; ham mưu UBND tỉnh Hải Dương ban hành công văn chỉ đạo, thậm chí phê bình với những đơn vị chậm trễ; tiếp tục chủ trì, phối hợp tham mưu ban hành chính sách triển khai khung kiến trúc chính phủ điện tử trên địa bàn, hướng tới xây dựng hạ tầng số, sở hữu trí tuệ và những nội dung liên quan tại các đô thị, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

THỦY NGUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông