Hải Phòng 300 ngày lịch sử (Kỳ 2) - Chống âm mưu thâm độc của kẻ thù

17:15 06/05/2020

Ngay sau Hiệp định Geneve, đế quốc Mỹ đã thể hiện rõ tham vọng thay thế Pháp ở Việt Nam. Lợi dụng điều 14 Hiệp định về tự do đi lại, tự do lựa chọn chỗ ở, Mỹ tiến hành chiến dịch dụ dỗ, cưỡng ép dân miền Bắc di cư vào Nam.

Các nhà báo của ta tác nghiệp dịp tiếp quản Hải Phòng (Ảnh tư liệu)

Đây là âm mưu thâm độc nhất của Mỹ nhằm phá hoại công cuộc xây dựng miền Bắc, chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Mỹ đã chịu hết các loại chi phí,  từ tiền của đến phương tiện cho công cuộc di cư.

Cụ thể, từ tháng 7-1954, Mỹ đưa 200 phi công và nhân viên đến làm việc tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng) ngay sau đình chiến. Tàu của Mỹ và đồng minh liên tiếp cập bến Hải Phòng chuyển tới nhiều vũ khí và ngược lại chở người vào Nam, số vũ khí này một phần dành cho bọn tay sai, gián điệp cất giấu ngay tại Hải Phòng.

Tháng 8 năm 1954, Ngô Đình Diệm trực tiếp ra Bắc đôn đốc di cư. Tới thăm trại ở trường Ngô Quyền (Hải Phòng), Diệm đã hứa hẹn một cuộc sống giàu có, sung túc trong Nam, đồng thời chỉ thị cho bọn tay chân tìm mọi cách ép buộc dân vào Nam càng nhiều càng tốt. Ngày 15-1-1955, tướng Mỹ André Colin tới Hải Phòng, thăm trại An Trì, An Lạc, Xi măng. Tiếp đó, giáo chủ Spellman tới các trại phát đường, sữa, gạo, vải… mua chuộc giáo dân. Để tăng thêm áp lực, tướng PhápCogny phát lệnh "Đặt chu vi Hải Phòng trong tình trạng báo động".

Sau hàng loạt những cuộc thị sát này, Hải Phòng càng phức tạp căng thẳng vì những hoạt động gắt gao của kẻ thù. Chúng thả sức đàn áp, cướp của, giết người… rồi lu loa “Cộng sản phá hoại thực hiện di cư. Phía Pháp trắng trợn phản bội những điều đã ký kết, chúng ngang nhiên tổ chức vây ráp các khu phố đông dân, vùng ven thành để bắt lính, cướp giật tài sản…

Những hành động vi phạm trên diễn ra hàng ngày hàng giờ, bọn ăn cướp không bị trừng trị mà còn được khuyến khích. Từ ngày đình chiến đến hết năm 1954,  tại Hải Phòng  phía Pháp và các tổ chức phản động đã vi phạm 217 lần, bắt 1.672 người, giết chết 9 người, cướp đi nhiều tài sản; riêng tháng 3-1955 vây 32 lần, bắt giữ 318 người, giết hại 13 người, làm bị thương 11 người.

Buộc phải rút khỏi thành phố Hải Phòng, Pháp và Mỹ cố ý phá hoại thành phố Cảng, chúng muốn di chuyển hoặc phá huỷ hết tài sản máy móc, thiết bị tài liệu quan trọng với mưu đồ để lại một thành phố “chết”. Chúng hối hả vận chuyển máy móc, nguyên liệu vào Nam, triệt tiêu mọi cơ sở vật chất kỹ thuật không để lọt vào tay cộng sản.

Chúng bổ sung kế hoạch phá hoại Hải Phòng bằng nhiều thủ đoạn: Tập trung vào các trọng điểm, bằng mọi cách chuyển nhanh tài sản, hồ sơ, tài liệu,  nơi nào không chuyển được thì phá huỷ, dùng vũ lực trấn áp nếu bị ngăn cản… Chúng đặc biệt quan tâm đến các xí nghiệp cơ khí, giao thông, điện, nước, cảng, nhà thương, bưu điện… ép các nhà tư sản công thương nghiệp cũng phải chuyển theo. Trước những diễn biến phúc tạp này, tháng 3-1955, Trung ương Đảng chỉ định đồng chí Đỗ Mười trực tiếp làm Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Hải Phòng tách khỏi Khu Tả ngạn, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương.

Bộ đội ta tiếp quản Nhà máy xi măng Hải Phòng (Ảnh tư liệu)

Thời gian này, cùng với việc đấu tranh chống cưỡng ép di cư, chống bắt lính…  Thành uỷ Hải Phòng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống di chuyển phá hoại máy móc, tài sản. Trước hết, đưa cán bộ thâm nhập vào nhà máy công, tư sở thực hiện chủ trương tiến hành công tác điều tra nắm tình hình từng cơ sở, xí nghiệp.

Hội nghị Thành uỷ Hải Phòng mở rộng đã bàn chủ trương và biện pháp chống địch di chuyển máy móc, Nghị quyết hội nghị ghi rõ: Phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân không phân biệt giàu nghèo lương giáo, đẩy mạnh mọi mặt đấu tranh chống âm mưu vi phạm Hiệp định của địch… Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cuộc đấu tranh lan rộng, không khoan nhượng với kẻ thù.

Bám sát tình hình thực tế, Thành uỷ để ra những biện pháp tích cực nhằm huy động mọi lực lượng nhân dân tranh đấu phá âm mưu địch. Khẩu hiệu “giữ máy móc tài sản để giữ việc làm” hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của quần chúng lao động.

Công nhân đã tỏ rõ khí phách kiên cường trước âm mưu độc ác của kẻ thù. Anh em tự động phân tán, cất giấu tài sản, máy móc vào nhà dân hoặc ở nơi kín đáo, tháo rời những bộ phận máy quan trọng nhất đến những chi tiết bình thường nhất. Công nhân đấu tranh bằng mọi hình thức: chây ì khi nghe lệnh chủ, làm đơn tập thể khiếu nại, cùng nhau gặp chủ chất vấn, tổ chức canh gác bảo vệ máy, nhiều người mang cơm nắm, bánh trái ăn ngủ tại nhà máy.

Khi cần thiết công nhân được tập hợp nhanh chóng, vừa đấu lý với chủ, vừa xông vào giữ máy, người khác tìm cách thuyết phục cai ký hoặc binh lính. Hầu hết các nhà máy, công tư sở liên tiếp nổ ra đấu tranh quyết liệt giữ máy, bảo vệ tài sản. Ở ty Công chính kiều lộ, 300 công nhân đồng lòng giữ Rulô và nguyên vật liệu.

Mặc dù bị đàn áp đánh đập, công nhân và nhân dân lao động vẫn kiên trì bám máy. Tại Cảng, địch lén lút chuyển đi nhiều loại hàng hoá tốt, các kho bãi, cầu tầu đều đầy vật chướng ngại. Nguy hiểm hơn, chúng để lại hải đồ giả và các phương tiện xấu, cũ nát, chúng khẳng định: “Việt Minh có là thần thánh cũng phải hai năm mới khôi phục nổi Cảng tê liệt này”.

Với ý thức cảnh giác cao, theo dõi hàng ngày, hàng giờ âm mưu và hành động của địch, Chỉ trong một tuần (Từ 12-3 đến 17-3-1955), nội thành Hải Phòng có 15 cuộc đấu tranh giữ máy móc, chống giãn thợ ở nhà máy Xi măng, Máy Chai, trại pháo thủ, xưởng Marin, sở bưu điện…

 Hoàng Minh (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông