17:23 02/11/2022 Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 38 ổ dịch cúm gia cầm tại 21 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc dịch, buộc phải tiêu hủy là 92.509 con. Hiện còn 4 tỉnh dịch chưa qua 21 ngày; trong đó, có Quảng Ninh, Hưng Yên là 2 tỉnh giáp ranh với Hải Phòng.
Đặc biệt, theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 5-10 vừa qua, tại tỉnh Phú Thọ đã có 1 trường hợp người nhiễm vi rút Cúm gia cầm, chủng A/H5 (sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm vi rút Cúm A/H5); nâng tổng số người nhiễm vi rút Cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp. Trong đó, có 64 trường hợp (chiếm 50%) tử vong trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10-2022.
Tại Hải phòng, tính đến nay đã qua 10 tháng bệnh Cúm gia cầm được khống chế. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát sự lưu hành vi rút Cúm gia cầm tại một số chợ buôn bán gia cầm sống trong 10 tháng qua của cơ quan chưc năng đã phát hiện 2,91% mẫu dương tính vi rút Cúm A/H5N1; 0,61% mẫu dương tính vi rút Cúm A/H5N8; 0,31% mẫu dương tính vi rút Cúm A/H5N6. Kết quả giám sát chủ động cho thấy có sự lưu hành cả 3 chủng vi rút Cúm gia cầm H5N1, H5N6, H5N8 trên đàn gia cầm. Thêm vào đó, hiện nay tổng đàn gia cầm chăn nuôi tăng, trong khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi và nhu cầu vận chuyển, giết mổ gia cầm tăng cao phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2023 khiến cho nguy cơ dịch Cúm gia cầm xâm nhập, lây lan gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người trên địa bàn thành phố gia tăng…
Để chủ động phòng, chống dịch Cúm gia cầm xâm nhập, lây lan gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi, phòng tránh dịch Cúm gia cầm lây nhiễm sang người và đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn từ gia cầm phục vụ nhu cầu cho người dân thành phố dịp Tết Nguyên đán 2023; thực hiện Công điện khẩn số 7061/CĐ-BNN-TY ngày 21-10-2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm; Sở NN&PTNT thành phố vừa phát đi công văn đề nghị UBND các huyện, quận chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các ban ngành chức năng tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả một số biện pháp phòng chống dịch.
Theo đó, sở đề nghị UBND các quận, huyện: Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm theo các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của UBND TP. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, các ban ngành chức năng có liên quan tăng cường tổ chức giám sát dịch đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ gia cầm, cơ sở ấp trứng, chợ buôn bán gia cầm sống, sản phẩm gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết nghi mắc bệnh; áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời, tránh để dịch lây lan gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi và sức khỏe nhân dân.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm thành phố giao; rà soát, tổ chức tiêm mới cho gia cầm mới phát sinh, thường xuyên tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, đặc biệt vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh Cúm gia cầm.
Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn gia cầm nuôi; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia cầm nuôi mới, hết thời gian bảo hộ miễn dịch theo quy định. Rà soát, đôn đốc các cơ sở chăn nuôi gia cầm thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có trong Danh mục bệnh phải tiêm phòng bắt buộc; lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành.
Mặt khác, tăng cường hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn; nhất là tại các bến phà, bến đò, đầu mối giao thông tiếp giáp với các tỉnh bạn, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm. Từ đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Sở cũng giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y kịp thời cung ứng vắc xin tiêm phòng bệnh Cúm gia cầm tới các địa phương theo kế hoạch thành phố giao.Tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh Cúm gia cầm; gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, các chợ có buôn bán gia cầm sống… gửi phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo tình hình dịch bệnh.
Phối hợp với UBND các huyện, quận tiếp tục thực hiện lấy mẫu giám sát dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm.Chuẩn bị dụng cụ, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác lấy mẫu xét nghiệm xác định dịch bệnh. Thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tại gốc theo quy định và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) triển khai các biện pháp dự phòng bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Thanh tra sở thì có trách nhiệm phối hợp với CATP, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng, UBND các huyện, quận tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu kiểm soát giết mổ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của Chi cục Thú y/Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thành phố nơi xuất phát theo quy định.
Trung tâm Khuyến nông chịu trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, quận tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm nuôi…
KC
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024